Xã hội

Thoát chết thần kỳ sau vụ nổ xe khách, nhưng người phụ nữ này vẫn khổ đến tận cùng...

Thoát chết thần kỳ trong vụ nổ xe khách, nhưng chị Bình cũng không còn lành lặn và phải cố gắng gượng dậy chăm sóc mẹ chồng cùng em chồng bị tâm thần, chồng bị u não và ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học.

Sau vụ nổ xe khách, bố chồng chị Nguyễn Thị Bình (SN 1978, ngụ xóm 18, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) chết tại chỗ. Chị Bình được trở về nhà sau gần một năm giành giật sự sống trong bệnh viện. Dù không còn lành lặn, minh mẫn như xưa nhưng chị vẫn phải cố gắng đứng dậy để chăm sóc mẹ chồng cùng người em chồng bị tâm thần, chăm chồng bị u não cùng ba đứa con thơ ăn học.

Buổi chiều kinh hoàng

Ngày chị Bình quyết định cùng người hàng xóm Phạm Xuân Mỹ (SN 1976) nên duyên vợ chồng, gia đình chị ra sức can ngăn, cho rằng chị bị tâm thần, ma xui quỷ khiến. Chẳng ai dám chê trách một người bình thường, khỏe mạnh lại cần cù, siêng năng như anh Mỹ. Điều khiến họ e ngại là trong gia đình anh có 4 người thì hai người bị bệnh tâm thần, gia đình anh Mỹ lại nghèo khó. Họ sợ khi chị Bình về làm dâu sẽ phải vất vả cả cuộc đời, có khi còn rước họa vào thân. Cũng vì hoàn cảnh “đặc biệt” nên mãi đến hơn 30 tuổi, khi bạn bè đồng lứa đã yên bề gia thất, anh Mỹ vẫn không lấy được vợ. Vì tình yêu, chị Bình đã bỏ ngoài tai tất cả, nguyện được cùng người mình yêu chung lưng đấu cật, vượt qua khó khăn.

tai uong lien tiep giang xuong gia dinh nguoi phu nu thoat chet than ky sau vu no xe khach
Đôi mắt ngấn lệ, chị Bình kể về cuộc đời đầy gian truân của mình.

Ngày về làm dâu, chị bắt đầu phải tập thích nghi với cuộc sống đặc biệt của gia đình nhà chồng. Bà Trần Thị Thanh (SN 1953, mẹ chồng chị Bình) bị bệnh tâm thần từ khi anh Mỹ mới lên 9 tuổi. Những lúc lên cơn, bà Thanh thường bỏ nhà đi lang thang, ăn bờ ngủ bụi, chửi bới, đánh đập người khác. 10 năm trước, anh Phạm Xuân Quân (SN 1983, em chồng chị Bình) cũng phát bệnh như mẹ. Anh Quân bệnh nặng hơn nên thường phải dùng xích, xích vào chân để khỏi chạy khỏi ra ngoài phá phách. Thế nhưng, trong những cơn điên loạn, anh này vẫn giật đứt xích, chạy ra ngoài la hét, đập phá tứ tung.

“Có lần chú ấy lên cơn, chạy ra đường quốc lộ, đập phá 8 chiếc taxi vì lý do không chở chú đi. Vợ chồng tôi phải bán hết hai con bò mới đền bù nổi. Có lần, chú ấy qua nhà hàng xóm, đánh người ta sưng đầu, chảy máu. Đánh người chán, chú lại vác gậy đánh trâu bò, bắt trộm gà vịt. Bị người ta vây bắt, đánh cho một trận nhừ tử, nằm bất động. Nhìn chú ấy nằm ngay giữa đường, mình lấm đất, lấm máu, vợ chồng tôi đau lòng lắm nhưng cũng phải nín chịu", chị Bình trải lòng khi nhắc đến bệnh tật của mẹ chồng và em chồng.

Nhà có một người bị tâm thần đã vất vả, đằng này, gia đình nhà chồng cùng một lúc có hai người tâm thần. Hàng ngày, vợ chồng chị Bình cùng người bố chồng thay nhau chăm sóc. Từ dỗ dành ăn cơm, tắm rửa đến việc dọn dẹp bãi chiến trường mà hai người bệnh dựng lên trong cơn điên loạn. Không những thế, nhiều lần chị phải gánh nhận những trận đòn thâm da thịt do bị em chồng đánh.

“Càng ngày bệnh tình của mẹ và chú Quân càng nặng nên vợ chồng tôi không làm được gì ngoài việc ở nhà trông chừng. Có lần đang bê mâm cơm đi qua thì chú Quân chú phát bệnh, hắt cả mâm cơm lên người tôi, lấy nồi đánh liên tiếp vào người, dùng miệng cắn vào tay tôi. May mà có chồng tôi can ngăn kịp thời. Nhiều lần chú Quân giật đứt xích, bỏ nhà đi suốt mấy ngày liền. Vợ chồng tôi táo tác khắp nơi tìm kiếm. Lần mẹ chồng tôi phát bệnh, khuôn hết gạo thóc trong nhà mang đi bán, rải cùng đường. Nhà đã không có gạo ăn, xót của lắm nhưng cũng đành chịu. Ngày xưa, bố chồng tôi còn sống, còn đỡ đần rất nhiều để vợ chồng tôi thay nhau đi làm thuê kiếm tiền. Giờ bố bị tai nạn qua đời cũng đành xem như đó là số phận", chị Bình tâm sự.

Thu nhập chính phụ thuộc vào 3 sào ruộng khoán, để có thêm tiền, vợ chồng chị phải tranh thủ hết mức thời gian mẹ chồng và em trai chồng không phát bệnh để đi làm. Đó là chưa kể quanh năm suốt tháng, vợ chồng chị phải luân phiên nhau đưa mẹ chồng, em chồng vào bệnh viện tâm thần Nghệ An điều trị. Nỗi vất vả cực nhọc chưa nguôi thì tai ương lại liên tiếp giáng xuống, dồn cả gia đình chị vào đường cùng.

Khoảng 16h ngày 17/2/2014, chị Bình và bố chồng là ông Phạm Xuân Trị (SN 1950) đi chăm mẹ chồng và người em trai út của chồng bị bệnh tâm thần đang điều trị trong bệnh viện Tâm thần tỉnh Nghệ An về. Cả hai cùng ngồi băng ghế đầu trên chiếc xe khách 24 chỗ, mang BKS 37B- 003.48 chạy hướng Vinh - Hà Nội. Khi đi đến địa phận xã Diễn Hồng (huyện Diễn Châu) thì chiếc xe bất ngờ phát nổ, mất lái, đâm trực diện vào chiếc xe tải mang BKS 37C 501.24 chạy ngược chiều. Vụ tai nạn kinh hoàng đã làm ông Trị cùng một hành khách khác tử vong tại chỗ, 17 người khác bị thương, trong đó, chị Bình là nạn nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Chị Bình nhanh chóng được chuyển ngay ra bệnh viện Bỏng quốc gia cấp cứu.

Nặng gánh tai ương

Căn nhà cấp 4 trống hơ trống hoắc của chị Bình nằm khuất trong một con hẻm nhỏ. Chị Bình với dáng người thấp, đậm, khoác trên mình chiếc áo ấm đã sờn vai, ngồi lặng trên chiếc ghế ngay giữa phòng khách. Tiếp chuyện được một lúc, chị lại ngã người dựa vào thành ghế thở thật sâu như để lấy lại sức. Ngày chúng tôi đến, anh Mỹ mới đi chăm sóc mẹ và em trai tại bệnh viện về. Ngóng tình hình của vợ con ở nhà được một lúc anh lại vội vả vào lại bệnh viện vì sợ em trai lên cơn không người thân bên cạnh.

Chị cho biết, sau 11 tháng điều trị ngoài bệnh viện, chị may mắn trở về đoàn tụ với gia đình. Thế nhưng, từ một người khỏe mạnh, lành lặn, sau vụ tai nạn, chị trở về nhà trong tình trạng mất sức lao động, tai phải bị điếc, đãng trí, nói trước quên sau. Sau buổi chiều định mệnh, gia đình chị như bị dồn sâu vào chân tường. Bố chồng chết. Mẹ chồng và em trai chồng bị bệnh tâm thần. Chỗ dựa duy nhất nhìn vào người chồng thì anh Mỹ lại mắc phải căn bệnh u não quái ác. Ba đứa con còn nhỏ dại, đang tuổi ăn tuổi học.

tai uong lien tiep giang xuong gia dinh nguoi phu nu thoat chet than ky sau vu no xe khach2
Mảnh đất là tài sản quý giá nhất của gia đình chị bị thiên hạ đồn ác ý có ma ám nên muốn bán để trang trải cuộc sống cũng không có ai mua.

“Từ ngày từ bệnh viện trở về vợ tôi như mất hết sức lực. Đi được vài chục bước cô ấy phải phải đứng lại nghỉ, lấy sức để đi tiếp. Cô ấy không dám đi đâu ra khỏi nhà vì sợ không nhớ đường về, sợ tai điếc sẽ không nghe thấy tiếng còi ô tô. Có lúc vợ tôi cầm con dao thái rau lợn trên tay mà cứ loay hoay đi tìm mãi. Cuộc đời vợ tôi ra nông nỗi này là do tôi. Nếu ngày trước, cô ấy từ chối tôi, lấy người đàn ông khác thì đã không phải bất hạnh như thế này. Giờ bố tôi mất, mẹ và em trai bệnh tình ngày càng nặng, quanh năm phải ở bệnh viện. Tôi bệnh tật vẫn phải gồng mình chăm sóc mẹ và em trai. Ở nhà mọi công việc đổ dồn lên vai vợ. Dù sức yếu nhưng cô ấy vẫn quần quật suốt ngày đêm, vừa chăm lo đồng áng vừa chăm sóc ba đứa con ăn học. Làm vợ tôi, cô ấy phải chịu thiệt thòi rất nhiều”, ngước đôi mắt buồn với lòng biết ơn, anh Mỹ trải lòng khi nhắc đến vợ.

Anh Mỹ cho biết thêm, sau vụ tai nạn, để có tiền điều trị cho vợ trong suốt thời gian dài tại bệnh viện, anh phải chạy vạy vay mượn số tiền 800 triệu đồng. Chị Bình đã ra viện gần một năm nhưng tiền nợ vẫn chưa trả được đồng nào. Đó là chưa kể tiền lãi cứ thế tăng lên từng ngày. Không có tiền trả nợ, tiếp tục điều trị bệnh, những lúc trái gió trở trời, chị Bình lại ôm đầu nằm lăn giữa nền nhà vật vả vì đau đớn.

Tài sản duy nhất là mảnh đất liền kề ngôi nhà gia đình chị đang ở. Thế nhưng rao bán suốt gần một năm với giá thấp vẫn không ai mua vì họ sợ rước họa vào thân. “Thấy gia đình tôi liên tiếp gặp nạn, nhiều người ác ý truyền tai nhau rằng nhà đất gia đình tôi có ma quỷ. Bị ma quỷ ám nên những thành viên trong nhà người chết, kẻ ốm đau, bệnh tật như vậy. Đất không bán được thì làm gì có tiền trả nợ, chữa bệnh, nuôi đàn con. Nhiều lúc nhìn mâm cơm của đàn con chỉ có đĩa rau lang luộc với bát nước mắm mà chảy nước mắt. Tôi chỉ biết động viên chúng cố gắng ăn, mai mốt kiếm tiền mẹ mua thêm cá", gạt nước mắt, chị Bình trải lòng.

Bà Nguyễn Thị Mai (một hàng xóm) cho biết. “Đi đến đầu làng, cuối xóm, hỏi thăm nhà nào có người tâm thần nhiều nhất, nhà nào đi viện nhiều nhất thì người ta lại chỉ đến nhà chị Bình. Trong nhà toàn ốm đau, bệnh tật có chừa một ai. Cũng may chị Bình tháo vát, chu toàn việc nhà chồng, chăm sóc cha mẹ chồng như cha mẹ ruột của mình mà không lời than trách. Dù không còn sức khỏe nhưng chị vẫn cố gắng làm lụng, không tiếng kêu la. Sống trên đời ít ai phải chịu cực khổ, dám hi sinh vì gia đình chồng như chị ấy”.

Nhắc đến cuộc sống hiện tại của mình, chị Bình chỉ biết gạt nước mắt, tự động viên mình để cố gắng sống: “Tôi chỉ cầu mong ông trời cho tôi có sức khỏe để làm việc, chăm sóc gia đình. Giờ tôi không sợ gì, chỉ sợ chết. Tôi mà chết thì những người thân yêu nhất của tôi sẽ sống như thế nào đây?! Rồi tương lai của ba đứa con tôi nữa…”.

Tác giả bài viết: vuthigianh/theo Hoàng Hải

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP