Thế giới

Thổ Nhĩ Kỳ có dễ phá băng quan hệ với Mỹ?

Một phái đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tới thủ đô Washington, Mỹ, để thúc đẩy quá trình giải quyết bất đồng với phía Mỹ.

Một phái đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tới thủ đô Washington, Mỹ, để thúc đẩy quá trình giải quyết bất đồng giữa hai đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này.

Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đang trở nên u ám sau mâu thuẫn giữa hai nước. (Nguồn: Independent).

Nỗ lực “hạ nhiệt” căng thẳng ngoại giao được đặc biệt đẩy mạnh sau khi Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vừa đạt được thỏa thuận sơ bộ về một số vấn đề nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan tới vụ bắt giữ linh mục người Mỹ Andrew Brunson kéo theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai đồng minh NATO giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua, hai bên vừa nhất trí tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp. Theo kế hoạch, phái đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ do Thứ trưởng Ngoại giao Sedat Onal dẫn đầu thăm Mỹ sẽ có cuộc gặp đầu tiên với giới chức Mỹ trong ngày hôm nay (8/8) để dàn xếp những bất đồng nổi lên thời gian gần đây, đặc biệt sau vụ bắt giữ linh mục người Mỹ Brunson.

Mặc dù giới quan sát nhận định, thực chất vụ việc liên quan tới linh mục Brunson chỉ là phần nổi trong mối quan hệ đầy sóng gió giữa Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua, nhưng một thực tế không thể phủ nhận là vụ việc đang khiến mối quan hệ vốn không “xuôi chèo mát mái” giữa hai bên bị đẩy lên cao trào.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhấn mạnh: "Các bước đi vừa được thực hiện liên quan tới linh mục Andrew Brunson là hoàn toàn không phù hợp với một đối tác chiến lược và bằng cách thực hiện các bước đi này Mỹ đang cho thấy rõ sự thiếu tôn trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ".

Trước vụ lùm xùm ngoại giao mới nhất này, quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng bị phủ bóng bởi nhiều vấn đề khác như việc Thổ Nhĩ Kỳ liên tục đòi Mỹ dẫn độ Giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong ở Mỹ hay bất đồng chính sách về Syria, cụ thể là vai trò của lực lượng tay súng người Kurd ở Syria, cũng như khả năng kiềm chế Iran của Mỹ.

Vì vậy, chuyến thăm Mỹ của phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ lần này đang rất được kỳ vọng có thể giúp hàn gắn những rạn nứt ngày càng lớn giữa đôi bên, nhất là trong bối cảnh gia tăng bất đồng có thể kéo theo những hệ lụy chưa thể lường hết cả trên phương diện chính trị và kinh tế.

Và mặc dù căng thẳng, điểm chung thì ít mà mâu thuẫn thì nhiều, nhưng thực tế cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều không muốn quan hệ đổ vỡ, nhất là khi Washington luôn canh cánh trong lòng việc Ankara có thể ngả sang Nga, Iran và một số nước khác nhằm đa dạng hoá quan hệ, giảm lệ thuộc vào Mỹ.

Rõ ràng lợi ích dù lớn bé cũng phải được đặt lên bàn cân và mọi bước đi đều cần soi xét một cách cẩn trọng để tránh phá vỡ sự gắn kết cần thiết giữa các đồng minh của NATO như trường hợp của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện trước mắt hai bên vẫn cần tích cực tìm cách khôi phục lòng tin lẫn nhau thông qua việc từ từ hóa giải những bất đồng, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược lâu dài giữa hai nước./.

Tác giả: Phương Anh (Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP