Pháp luật

Thiếu phụ mất tích bí ẩn

Nat Fraser bị kết tội giết vợ song quyết không khai chuyện gì đã xảy ra trong gia đình.

Nat Fraser và Arlene Fraser (Scotland) kết hôn vào năm 1987 và có với nhau hai con gái. Hạnh phúc chưa được bao lâu, cuộc hôn nhân của hai người đã trải qua nhiều sóng gió. Nat Fraser đã đánh đập vợ vì lý do quá ghen. Cách cư xử của ông ta thường đột ngột xoay chuyển giữa hai trạng thái: giận dữ tới cực độ và nhẹ nhàng ngọt ngào hết mực.

Arlene Fraser từng cố bỏ chồng, nhưng lần nào cũng mềm lòng trước lời khẩn cầu không ngừng của Nat Fraser. Tháng 3/1998, trong cơn ghen điên cuồng, Nat Fraser đã bóp cổ vợ tới khi cô ngất vì ngạt thở. Giọt nước tràn ly, Arlene Fraser quyết định trình báo cảnh sát khiến Nat Fraser bị bắt giữ nhưng sau đó cô rút đơn kiện vì không muốn con nhìn bố ngồi tù.

Nat Fraser và Arlene Fraser năm 1987. Ảnh: Dailymail.

Thay vì khởi kiện hình sự, Arlene Fraser làm đơn ly hôn. Nat Fraser đứng trước nguy cơ bị vợ bỏ, mất quyền nuôi hai con và phải nộp khoản tiền hòa giải là 250.000 bảng Anh.

Ngày 28/4/1998, Arlene Fraser mất tích bí ẩn, không dấu vết. Hàng xóm nhìn thấy lần cuối vào lúc 8h15 sáng khi cô đang phơi quần áo ở sân nhà. Trước úc mất liên lạc, viên giám thị ở trường con gái có gọi cho Arlene Fraser và được cô hẹn gọi lại sau 10 phút. Cuộc gọi tiếp theo của viên giám thị không có ai nhấc máy.

Ban đầu, cho rằng đây là một vụ mất tích, nhưng sáu tháng sau, cảnh sát bắt đầu nghi ngờ. Nat Fraser cho rằng Arlene Fraser chỉ đang đi nghỉ lễ xả hơi, còn theo lời kể của gia đình và bạn bè, Arlene Fraser là người mẹ sẽ không bỏ mặc con mình. Hơn nữa, cô không mang theo thuốc uống trong khi đang cần phải uống.

Theo The Telegraph, nghi ngờ đây là vụ giết người, cảnh sát không tìm thấy thông tin gì. "Không có hiện trường vụ án, chúng tôi chẳng có gì ngoài một vài mẩu chứng cứ gián tiếp”, Jim Stephen, Trưởng thanh tra phụ trách vụ việc cho biết.

Dù không tìm thấy thi thể nạn nhân, cảnh sát vẫn khởi tố vụ án giết người, nghi phạm hiển nhiên nhất chính là Nat Fraser. Nhiều người làm chứng cho biết, Nat Fraser đã có thái độ lạ lùng khi nghe tin vợ mình mất tích. Ông ta không buồn báo tin cho gia đình nhà vợ, cũng không tỏ vẻ lo lắng.

Một người bạn của Arlene Fraser cũng cho biết trong quá trình ly thân, Nat Fraser đã có lời đe dọa rằng nếu Arlene Fraser không sống với ông thì sẽ không được sống với ai khác. Nat Fraser cũng không muốn có ai khác tham gia vào việc nuôi dạy con.

Tuy nhiên, Nat Fraser lại có bằng chứng ngoại phạm khá chắc chắn. Đó là ngày Arlene biến mất, ông ta đang lái xe vận chuyển rau củ quả cho nhà hàng khách sạn trên khắp thành phố. Người làm chứng là một nhân viên đi cùng trong chuyến vận chuyển.

Cảnh sát quyết định chuyển hướng điều tra vì họ tin rằng với chứng cứ ngoại phạm ấy, rất có thể Nat Fraser không hành động một mình. Theo tìm hiểu, cảnh sát biết Nat Fraser chơi thân với một người nông dân khác trong khu vực, là Hector Dick.

Hector Dick - người bạn thân thiết của Nat Fraser. Ảnh: Dailyrecord.

Hướng tiếp cận mới đem lại đầu mối mới. Ngày 26/4/1998, hai ngày trước khi Arlene mất tích, Nat Fraser có tới gặp Hector ở trang trại và nhờ ông này tìm gấp cho một chiếc ôtô. Người chủ cũ của chiếc ôtô khai rằng Hector đã đưa cho ông ta 400 bảng Anh cộng thêm 50 bảng nữa với lời dặn phải giữ kín chuyện này.

Trong quá trình bị cảnh sát thẩm vấn, Hector đồng ý trở thành nhân chứng chống lại Nat Fraser trước tòa. Ông ta khai khi nhận lại chiếc xe vào mấy ngày sau đó thấy có vài bộ quần áo trẻ con và một áo khoác nữ màu nâu – trùng khớp với mô tả của bạn Arlene về trang phục của cô.

Theo lời khai của Hector, do lo sợ bị liên lụy ông ta đã đốt, đè nát và vứt bỏ chiếc xe bằng chứng tại một bãi phế liệu. Ngoài ra, Hector còn khẳng định Nat Fraser kể đã sắp đặt sát hại vợ rồi phi tang.

Vụ việc được đưa ra tòa xét xử trong khi thi thể của Arlene chưa được tìm thấy. Phía bào chữa cho Nat Fraser vẫn dựa vào nhân chứng là cậu bé nhân viên giúp việc đi cùng trong chuyến vận chuyển hàng. Để phản bác, phía công tố đưa ra lập luận của riêng mình để chứng minh rằng trong những chuyến vận chuyển thông thường, Nat thường chỉ đi một mình. Sự bất thường này cho thấy ông ta đã cố tình sắp đặt như vậy.

Bằng chứng này, cùng với lời khai của Hector Dick đã đủ sức thuyết phục bồi thẩm đoàn. Ngày 29/1/2003, Nat Fraser bị tòa kết tội giết vợ với hình phạt tù chung thân. Ngoài ra, ông ta phải ngồi tù ít nhất 25 năm mới có cơ hội được xin ân xá. Dù vậy cho tới nay, Nat Fraser vẫn kiên quyết chối tội và không tiết lộ chuyện gì đã xảy ra với Arlene.

Riêng Hector Dick, do chấp nhận thỏa thuận nhận tội với công tố viên và cung cấp lời khai giúp kết tội Nat Fraser nên không bị truy tố tội đồng phạm giết người mà chỉ bị kết về hành vi "cố ý cản trở công lý" với mức án một năm tù.

Sau nhiều lần kháng cáo với lý do cảnh sát cố ý nói dối để kết tội mình, Nat Fraser cuối cùng được tòa án chấp nhận đơn kháng cáo. Phiên tòa tái thẩm được diễn ra Tòa Cấp cao Edinburgh vào 2012.

Tại phiên xét xử, lần này luật sư bào chữa cho Nat Fraser cố gắng lập luận theo hướng kết tội Hector Dick mới là kẻ giết người thực sự. Trong khi đó, lời khai của Hector Dick vẫn giữ nguyên.

Phiên tòa kết thúc vào tháng 5 cùng năm với kết quả: Nat Fraser một lần nữa bị bồi thẩm đoàn kết luận có tội với mức án chung thân.

Tác giả: Quốc Đạt

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: thiếu phụ ,mất tích

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP