Trong nước

Thiết bị Trung Quốc ảnh hưởng tới dự báo bão?

Sau dự báo bão số 1 sai, đến cơn bão số 3, có lẽ, cơ quan dự báo khí tượng đã khiến nhiều địa phương, lực lượng “việt vị” khi dự báo phạm vi ảnh hưởng quá rộng, bão đến nhiều nơi không biết. Nghi vấn thiết bị nguồn gốc Trung Quốc ảnh hưởng tới dự báo đang bỏ ngỏ câu trả lời.

Ngay sau khi bão số 3 kết thúc, tại cuộc họp rút kinh nghiệm về công tác dự báo, chỉ đạo phòng chống bão, Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Biên phòng cho rằng, về cấp độ của cơn bão số 3 chưa sát với thực tế, không đến cấp 12, trong khi dự báo của quốc tế chỉ tiệm cận dưới cấp 11. Tuy nhiên, cơ quan khí tượng đã dự báo đúng hướng đi, lượng mưa, thời gian bão vào Vịnh Bắc bộ.

Theo Thiếu tướng Nam, bão số 3 dự báo phạm vi ảnh hưởng quá rộng, từ vĩ tuyến 17 trở ra Bắc. Khi dự báo, việc nhận định về cấp độ, trọng tâm bão vào đâu, vùng ảnh hưởng ra sao phải rõ để thuận tiện hơn trong phòng chống.

Ông Nam cũng cho rằng, khâu dự báo hiện nay chưa tương xứng với diễn biến của khí hậu, thời tiết.

Trong lần trao đổi gần đây với PV Tiền Phong về công tác dự báo khí tượng, ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu (Bộ TN&MT) cho rằng: “Do năng lực và khả năng công nghệ dự báo nên mới thế”. Theo ông, Chính phủ đã phê duyệt đề án nâng cao năng lực dự báo khí tượng giai đoạn 2010-2012, với tổng kinh phí trên 1.360 tỷ đồng, nhưng đến nay do nhiều yếu tố, thực hiện chưa được 1/3 kế hoạch.

Ông Tuệ cho biết, từ đề án trên, cơ quan khí tượng hiện chỉ mới xây dựng trung tâm dự báo, đầu tư được một ít về đo mưa, tư liệu, còn ra đa- là “tai mắt” của cơ quan dự báo chưa có. Cùng đó, hệ thống định vị sét cũng chỉ mới ở bước lập dự án…

Trong khi công tác dự báo bão vẫn còn những bất cập, liên quan đến trang bị cho cơ quan khí tượng, thời gian qua, không ít ý kiến “xì xào” về việc trúng thầu thiết bị của Trung Quốc, thậm chí lo thiết bị nhập tiểu ngạch.

Về vấn đề này, ông Phạm Văn Đức, nguyên Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia thừa nhận, cơ quan khí tượng đã mua một số lô hàng Trung Quốc nhưng “có muốn tránh cũng không được” vì liên quan đến các quy định về đấu thầu.

Theo ông Đức, các dự án trên đều đấu thầu cạnh tranh trong nước, giá trị các gói thầu cũng vừa phải, có gói chưa tới 100 tỷ đồng, gói 30-40 tỷ đồng. Dù rất muốn tránh mua các thiết bị của Trung Quốc, tuy nhiên, theo Luật Đấu thầu, không thể yêu cầu về xuất xứ, chỉ được yêu cầu về chất lượng hàng hóa.

“Đúng là có một số máy tính, màn hình Trung Quốc..., nhưng có phải là mình “dích dắc” để mua hàng Trung Quốc đâu. Kết quả đấu thầu và đơn giá như thế, hơn nữa, từ những yêu cầu đưa ra và quản lý mình không cãi được họ. Họ bảo đó là hàng Trung Quốc, nhưng đạt tiêu chuẩn châu Âu”- ông Đức nói.

Ông Đức cũng lo ngại: “Sau khi trúng thầu với giá thấp, các nhà thầu chỉ còn cách đi mua hàng Trung Quốc, thậm chí không nhập chính ngạch, mà nhập hàng tiểu ngạch”.

Nguyên lãnh đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng chia sẻ: “Mấy dự án thực hiện lúc đó tôi về hưu rồi (cuối năm 2013). Nhưng tôi cũng biết, rất buồn. Mình cũng nhắc quá trình làm hồ sơ thầu, tránh làm sao không mua hàng Trung Quốc, nhất là hàng mua qua tiểu ngạch. Kiểm tra lại, không thể nào mà không nghiệm thu cho nhà thầu được. Bởi, mở hồ sơ họ không vi phạm thì chịu thôi. Còn hàng tiểu ngạch hay không, về hình thức bề ngoài mình không phát hiện được”.

Tác giả bài viết: Phạm Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP