Giáo dục

THCS và THPT Nguyễn Khuyến: 'Trường học như trại lính'

"Ngày đó, dù đã được chuẩn bị tâm lý, tôi không khỏi sợ trước cách học và thi cử của trường", Gia Minh, cựu học sinh THCS và THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM, viết.

Trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến nổi tiếng về "kỷ luật thép" và tỷ lệ đỗ đại học cao ở Sài Gòn. Sau vụ việc nam sinh lớp 10 tự tử tại trường, để lại thư tuyệt mệnh nói về áp lực học tập, nhiều người đặt câu hỏi về trường này dạy và học như thế nào?

Cựu học sinh Gia Minh (đã đổi tên) niên khóa 2011-2014 trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến chia sẻ bài viết, kể lại quãng thời gian học cấp ba dưới mái trường này "như trại lính". Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.

Liên tục học và... học

Ba năm gắn bó với ngôi trường này, dù kỷ niệm buồn nhiều hơn vui, nếu thời gian có quay trở lại, tôi không muốn thay đổi điều mình đã chọn.

Rớt kỳ thi vào trường chuyên cấp ba ở quê, tôi được gia đình đưa vào trường nội trú Nguyễn Khuyến. Nhưng không chỉ riêng tôi, nhiều bạn cũng là dân tỉnh được gia đình gửi vào đây vì trường này "tiếng lành đồn xa".

Ngày đó, dù đã được chuẩn bị tâm lý, tôi không khỏi sợ trước cách học và thi cử của trường.

Ở đây, người theo dõi điểm số trên lớp không được gọi chủ nhiệm mà là quản nhiệm bán trú. Ngược lại, khi về phòng, sinh hoạt chúng tôi được theo sát bởi quản nhiệm nội trú.

Bài tập là "quà Tết" truyền thống của trường Nguyễn Khuyến. Ảnh: Nguyen Khuyen Confession.

Bạn tưởng học kỳ hè đơn giản và thoải mái, nhưng không. Học kỳ hè ở Nguyễn Khuyến không khác học kỳ chính mỗi năm. Điểm học kỳ thấp, bạn có thể bị đuổi học.

Tôi phải trải qua rất nhiều bài kiểm tra Toán, Lý, Hóa trong một tuần. Chưa hết, số lượng bài tập cũng rất nhiều. Cuối tuần, quản nhiệm sẽ thông báo điểm số, đề ra phương hướng học tập, giúp học sinh có kết quả tốt hơn.

Những học sinh như chúng tôi được gia đình đưa vào trường với mong muốn đậu đại học, gia đình đã hết cách dạy hoặc không muốn dạy. Nhiều bạn học được vài tuần, chịu không nổi áp lực nên phải nghỉ. Một số khác vì không đạt đủ điểm nên bị loại khỏi trường.

Ở Nguyễn Khuyến, học sinh được phân loại theo điểm trung bình, điểm cao ở lớp trên và ngược lại.

Một buổi tối tự học, chúng tôi phải làm nhiều bài tập của giáo viên bộ môn và cả quản nhiệm. Các kỳ thi cũng nối đuôi nhau, cứ cách tuần lại có bài kiểm tra đánh giá.

Mỗi lần ăn cơm chiều xong, tôi tranh thủ tắm sớm và lên lớp ngồi giải bài tập. Tôi vẫn nhớ như in cảnh 2h sáng phải vào nhà vệ sinh học bài. Làm đi làm lại các dạng bài. Mua và đọc hàng chục cuốn sách, giải quyết hàng trăm bộ đề khác nhau. Những đề bài, con số, công thức ám ảnh đến nỗi chỉ cần nhìn tôi đã nhẩm được kết quả.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, chúng tôi đều được tặng “quà”. Bài tập Tết là “món quà” quản nhiệm dành tặng cho học sinh. Tính sơ 3 môn khối A đã có hàng trăm bài tập tự luận lẫn trắc nghiệm, đủ để "giết chết" kỳ nghỉ ngắn.

Lúc ấy, tôi cũng có nghe vì không làm bài tập Tết, điểm số không tốt, gia đình kỳ vọng và tạo áp lực quá nhiều, có học sinh đã làm điều tiêu cực.

Trong lớp, tôi là đứa bị thầy cô phạt nhiều. Chép phạt mấy chục lần cuốn vở Toán, lau hành lang, bị đứng ngoài cửa sổ chịu mưa nắng nhưng vẫn phải chép bài…

Năm 12, chỉ vì một bài thi thử tốt nghiệp Hóa đạt 9,5 điểm, tôi bị đánh đến sưng cả chân. Những trận đòn ấy để lại vết bầm trên chân và sẹo trong tâm hồn.

"Kỷ luật thép"

Không cần phải đi nghĩa vụ, học quân sự bạn mới được trải qua chế độ quân ngũ. Nguyễn Khuyến có thể rèn luyện bạn.

Nơi đây, học sinh chỉ có nhiệm vụ ăn và học. Cơm đã có người nấu, quần áo có người giặt. Dĩ nhiên, chúng tôi phải trả mức học phí tương xứng cho điều đó.

Cuộc sống của học sinh Nguyễn Khuyến là vòng tròn khép kín chỉ ăn và học. Ảnh: Nguyen Khuyen Confession.

5h sáng, có người gọi tôi dậy tập thể dục, ăn sáng. 6h15 phút, học sinh phải có mặt trên lớp. 11h30 ăn cơm, 13h30 lại tiếp tục học, 18h15 lên lớp học thêm. Bạn được về phòng lúc 22h (nếu học nội trú) nhưng vẫn còn một núi bài tập đang chờ. Mọi thứ chính xác đến từng phút. Mọi hoạt động đều có người giám sát gần như 24/7.

Vì môi trường giáo dục khép kín, trường Nguyễn Khuyến cấm yêu, sử dụng điện thoại, đánh nhau và hút thuốc. Bạn tôi thời đó lén đem điện thoại vào sử dụng, bị bắt và bị kỷ luật.

Đầu mối liên hệ với bên ngoài của chúng tôi là chiếc điện thoại của quản nhiệm. Bạn có thể gọi điện vào những lúc mình rảnh nhưng liệu có mấy lúc bạn thật sự rảnh rỗi trong ngày.

Ba năm cấp 3, dù ở chung phòng nội trú, tôi và bạn bè vẫn không hiểu được nhau. Đơn giản vì có ít thời gian trò chuyện, tâm sự.

Áp lực, căng thẳng rất nhiều, nhưng tôi lựa chọn không kể lại với gia đình. Bạn bè tôi cũng không kể với ba mẹ, đơn giản vì có thể họ sẽ không quan tâm.

Học sinh Nguyễn Khuyến gọi trường mình là NKP. Nhưng P ở đây là "Prison" - nhà tù hay "Paradise" - thiên đường tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người.

Sáng 12/4, trao đổi với báo chí, ông lê Trọng Tín, hiệu trưởng trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến, thừa nhận so với trường khác thì quỹ thời gian học của trường Nguyễn Khuyến nhiều hơn.

Các em nội trú sẽ được học 2 buổi chính, trong đó buổi sáng học chính khóa. Buổi tối, các em lên lớp tự học và trường có bố trí để giáo viên hỗ trợ giảng giải nếu có thắc mắc liên quan bài học.

Trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến có tỷ lệ học sinh đỗ đại học cao của cả nước. Tính đến năm 2015, trường có hơn 162 học sinh là thủ khoa, á khoa của các trường đại học. Trong đó, số lượng học sinh đạt thủ khoa là 103, còn 59 em đạt được á khoa.

Cựu học sinh THCS và THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM

Tác giả: Gia Minh

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP