Giáo dục

Thay vì hoài nghi, sao không dùng hình ảnh "người hùng" giáo dục con trẻ?

"Thay vì hoài nghi, ném đá, sao không lấy câu chuyện cứu cháu bé để giáo dục con cái", PGS.TS Trần Thành Nam nhận xét về câu chuyện "người hùng" Nguyễn Ngọc Mạnh đang xôn xao mạng xã hội.

Nếu không tốt hơn: Hãy ngưng phán xét

Không phải một bộ phim bom tấn hay scandal của một ngôi sao hạng A, sự kiện chiếm spotline trên các trang báo, mạng xã hội thời gian qua liên quan đến hành động dũng cảm cứu người của thanh niên Nguyễn Ngọc Mạnh.

Anh dũng cảm trèo lên mái tôn, sẵn sàng giải cứu một bé gái rơi từ tầng 12 chỉ vỏn vẹn trong thời gian khoảng một phút.

Hành động của anh được nhiều lời tán dương nhưng bên cạnh đó, không ít những lời soi mói, phán xét.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐHGD- ĐHQG Hà Nội) cho rằng, trong cuộc sống gấp gáp của xã hội đô thị, dường như ngày càng ít những hành vi sẵn sàng hy sinh vì người khác.

Cuộc sống bận rộn với áp lực của cơm áo gạo tiền khiến chúng ta dường như chỉ muốn tập trung vào những gì có liên quan đến mình.

Sự vội vã khiến chúng ta chẳng chú ý thậm chí bỏ qua cảm xúc, tình huống, câu chuyện của người khác vì sợ tốn thời gian, phiền phức, thậm chí có thể vướng vòng lao lý.

Nguyễn Ngọc Mạnh mô tả lại hành động của mình khi cứu cháu bé từ tầng cao rơi xuống.

"Chính vì thế, sự sẵn sàng ra tay giúp đỡ người khác và hoàn toàn không cân nhắc cái được mất, không cân nhắc đến việc mình bị phiền phức hay không, biểu hiện giá trị nhân văn rất đáng biểu dương", PGS Trần Thành Nam cho hay.

Chuyên gia này cũng đặt câu hỏi: "Tại sao bên cạnh những lời tán dương, vẫn có nhiều lời soi mói, phán xét như vậy"?

Họ chia sẻ lại nhiều trường hợp cứu người trước đó, cùng nhiều lời bình luận chê bai khiếm nhã có thể là những suy nghĩ ẩn dấu sau đó là "anh có làm được gì đâu, anh chỉ gặp may thôi", "có nhiều người khác cũng có hành vi như vậy nhưng không được nổi tiếng như anh"…

Phải chăng đằng sau những lời chê bai là những trái tim ấm ức và ghen tị, lấp đầy bởi những toan tính thiệt hơn.

Những lời nói vô tình đó, khiến những người sẵn sàng có ý định giúp đỡ người khác sau này, sẽ phải cân nhắc kỹ giữa cái lợi/cái hại trước khi quyết định.

"Tôi cho rằng, chưa cần biết kết quả của hành động thế nào, chỉ cần sẵn sàng, không toan tính lợi hại, thậm chí từ chối các phần thưởng sau khi đã trợ giúp người khác, Mạnh đã trở thành những tấm gương về hành vi ứng xử và giá trị hy sinh vì cộng đồng", PGS Trần Thành Nam khẳng định.

Vì vậy quan điểm chuyên gia này đưa ra, trước khi ai đó bình luận với cái nhìn tiêu cực, hãy thử lắng lại xem những hành vi đó đang soi chiếu những giá trị gì của chính bản thân mình.

Những phán xét đó, có phản ánh được tinh thần trách nhiệm xã hội, sự thấu cảm hay tinh thần cộng đồng của cá nhân chúng ta không.

Những bình luận chúng ta đưa lên mạng có mang giá trị của lòng trắc ẩn hay chỉ là cách làm cho mình có cảm giác thoải mái hơn vì suy nghĩ ghen tị.

Nếu không thể hiện được tất cả những điều này, cộng đồng mạng hãy ngưng phán xét và ném đá!

Cháu bé trèo ra ban công tầng 12 và rơi xuống

Sao không dùng hình ảnh "người hùng" để giáo dục con trẻ?

Cũng theo chuyên gia Trần Thành Nam, cha mẹ có thể dùng hình ảnh cứu người của Mạnh để giáo dục giá trị, trách nhiệm xã hội và tinh thần công dân cho thế hệ trẻ.

Về phía nhà trường và gia đình, cần giúp học sinh ý thức được rằng, giúp đỡ những người yếu thế hay đang bị thiệt thòi, tổn thương là một việc tốt.

Trẻ được tập quen để chia sẻ, giúp đỡ người khác từ trong gia đình, nhà trường và xã hội.

Trẻ cũng cần được sự động viên, khen ngợi từ cha mẹ hay thầy cô giáo vì những hành động trợ giúp người khác.

Những lời khen tích cực có mục đích củng cố ý niệm về bản thân rất hiệu quả trong việc thúc đẩy hành vi giúp đỡ người khác.

Thông thường, thay vì chỉ khen chung chung "giúp đỡ người khác là một việc tốt", cha mẹ gắn khen ngợi với đặc điểm nhân cách của trẻ như: "Con rất hay giúp đỡ bởi con là một người tốt", sẽ hiệu quả hơn.

Lời khen ngợi gắn với tính cách, sẽ giúp trẻ phát triển khái niệm cái tôi, bao gồm cả hành vi vị tha, vì vậy có khả năng duy trì hành vi giúp đỡ người khác trong tương lai.

Giáo dục giá trị, để thể hệ trẻ cảm thấy có trách nhiệm giúp đỡ người khác vì họ thấu cảm với nỗi đau của nạn nhân, thay vì suy tư về những nguy cơ phiền phức do việc giúp đỡ người khác mang lại.

Qua thời gian, những giá trị sẽ được củng cố, thúc giục chúng ta phải quan tâm chăm sóc những người thân hoặc cha mẹ mình khi về già, dễ dàng ra tay giúp đỡ khi chứng kiến những chuyện bất bình.

"Tôi nghĩ rằng, truyền thông đại chúng cần góp phần làm cho những hành vi tương trợ xã hội được coi trọng và đề cao.

Xã hội thay vì tập trung vào những đau khổ hay nguy cơ gây thất vọng hãy chuyển sự chú ý sang những mặt sáng của con người.

Đó là một giải pháp hiệu quả để tăng cường sức khỏe tâm lý của cá nhân và hạn chế những hành vi vô cảm trái chuẩn mực xã hội, dẫu rằng thay đổi tính cách cá nhân ai đó là hành động vô cùng khó khăn", PGS Trần Thành Nam nói.

Ngày 28/2/2021, anh Nguyễn Ngọc Mạnh (Đông Anh, Hà Nội) đã nhanh trí, dũng cảm, kịp thời trèo lên mái tôn để cứu cháu bé bị ngã từ tầng 12, chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội.

Hành động đó, được nhiều người gọi là "người hùng" nhưng cũng không ít người ném đá vì cho rằng, anh không trực tiếp hứng được cháu bé lúc rơi xuống.

Thủ tướng Chính phủ đã gửi lời khen ngợi, biểu dương và quyết định tặng bằng khen hành động dũng cảm, tinh thần trách nhiệm của em Nguyễn Ngọc Mạnh.

Tác giả: Hạnh Nguyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP