Du lịch

Tháp nghiêng 136 năm tuổi vẫn trụ vững bất chấp phần móng sụt lún do lũ lụt

Trải qua nhiều trận lũ lụt kinh hoàng nhưng tòa tháp nghiêng 136 năm tuổi vẫn đứng vững và đổ chuông đều đặn.

Tháp nghiêng Pisa vốn là công trình nổi tiếng bậc nhất, là niềm tự hào của người Italia. Nhưng không phải chỉ "xứ sở hình chiếc ủng" là nơi duy nhất có tháp nghiêng. Tại Malaysia, một tháp đồng hồ có tên Teluk Intan với độ nghiêng nhìn thấy rõ bằng mắt thường, được mệnh danh là tháp nghiêng Pisa của quốc gia này.

"Tháp nghiêng" Teluk Intan ở Malaysia vốn là tháp đồng hồ, cũng được tận dụng làm nơi dự trữ nước cho người dân vào mùa khô hạn.

Đây là công trình thiết kế theo cảm hứng từ phong cách Trung Quốc, được xây dựng vào thế kỷ 19 thời thuộc địa Anh, nằm tại thị trấn Teluk Intan. Với chiều cao 26m, đây vốn là một tháp đồng hồ.

Theo tài liệu ghi lại, công trình do người Anh thời kỳ thuộc địa cùng nhà thầu Trung Quốc có tên Leong Chong xây dựng. Tòa tháp hoàn thành năm 1885, đến nay đã 136 tuổi.

Thiết kế ban đầu của công trình vốn dĩ không phải là tháp nghiêng. Sau những trận lụt lội lớn, tháp bắt đầu bị nghiêng sang một bên khiến phần móng và tầng dưới ngập trong nước.

Từ đó tạo ra sự chênh lệch về độ cao giữa bên phải và bên trái tòa tháp. Hiện khoảng cách chênh lệch giữa hai bên là 30 cm. Tuy nhiên, công trình vẫn đang trụ vững.

Dù phần móng bị sụt lún do trải qua những trận lụt lội lớn nhưng đến nay công trình 136 tuổi này vẫn trụ vững.

Anh Hisham Sahak, người trông coi tòa tháp cho biết, trước đây, mọi người vẫn quen gọi là "tháp đồng hồ". Năm 1895, người dân địa phương đã quyên tiền để mua một chiếc đồng hồ cỡ lớn từ Anh. Sau hơn một thế kỷ, đến nay, đồng hồ vẫn hoạt động tốt và đổ chuông 15 phút một lần.

Sau đó, người ta mới gọi là "tháp nghiêng" bởi nó đang nghiêng thực sự. Nơi này từng là nơi dự trữ nước cho người dân địa phương dùng trong mùa khô. Ngoài ra, nó cũng từng được dùng làm đèn hoa tiêu cho tàu thuyền cập cảng Teluk Intan.

Nhiều du khách tới đây thường nói đùa đây là tháp Pisa phiên bản Malaysia, nhưng người dân địa phương cho rằng, nhìn bề ngoài hai tòa tháp có vài nét tương đồng, nhưng trên thực tế không có nhiều điểm chung. Nếu như tháp nghiêng Pisa được làm bằng đá, thì tòa tháp Teluk Intan lại làm từ gỗ nên có độ nghiêng kỳ lạ hơn. Sự khác nhau cơ bản này cũng ảnh hưởng tới nhiều yếu tố khác.

Kể từ sau lễ Độc lập Malaysia vào năm 1957, tòa tháp chính thức được công nhận là công trình biểu tượng quốc gia.

Tác giả: Quốc Việt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP