Trong nước

Thanh tra Chính phủ vào cuộc vụ tăng giá điện

Phó Tổng TTCP Bùi Ngọc Lam khẳng định đầu tuần tới sẽ thanh tra việc tăng giá bán điện.

Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/5, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam đã cho biết, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ sẽ chủ trì thanh tra việc tăng giá điện.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam

"Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đầu tuần tới triển khai ngay việc này" - ông Lam khẳng định.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định sẽ tiến hành thanh tra dựa trên tinh thần bảo đảm, kết luận chính xác khách quan; làm rõ đúng sai theo chỉ đạo của Thủ tướng về điều chỉnh giá bán điệ; làm rõ phương pháp tính, cách tính giá điện.

"Sau khi có kết luận, chúng tôi sẽ bảo đảm công khai kết luận thanh tra theo quy định" - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay.

Trước đó, trong cuộc họp Chính phủ chiều ngày 4/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu TTCP chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua; làm rõ đúng sai, báo cáo Thủ tướng trong tháng 6.

Theo lý giải của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 8,36% đã được Bộ thông qua dựa trên cơ sở các quy định hiện hành như: Quyết định 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; Quyết định 34/2017/QĐ-TTg ngày 25/7/2017 về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016-2020; đồng thời xét đề nghị EVN và các điều kiện thực tiễn.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến phê duyệt Bộ Công Thương thực hiện, tăng giá 8,36% từ 20/3. Sau khi ban hành quyết định này, các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều ý kiến phản ánh hộ dùng điện người tiêu dùng phải trả tiền tăng đột biến so với tháng 3.

Ông Hải chia sẻ các bức xúc của người tiêu dùng khi phải chi trả hóa đơn tiền điện cao hơn trong bối cảnh khó khăn hiện nay song các nguyên nhân giá điện tăng đã được EVN và Bộ Công thương giải thích.

Bộ Công Thương với chức năng quản lý Nhà nước đã thực hiện các biện pháp như: Yêu cầu EVN phải tiếp nhận xử lý giải đáp đầy đủ thắc mắc của khách hàng liên quan đến hoá đơn tiền điện tháng 4, trong trường hợp có lỗi phải xử lý nghiêm khắc sai phạm.

"Nếu cách tính giá điện bậc thang sai phạm, EVN phải xin lỗi, khắc phục ngay cho người dân" - ông Hải nhấn mạnh.

Bộ Công thương cũng yêu cầu EVN tiếp tục thông tin, tuyên truyền về việc điều chỉnh giá điện để khách hàng hiểu rõ về cách tính mới, nguyên nhân tăng, mục đích tính giá điện theo bậc thang đối với hộ gia đình.

Cuối cùng, EVN phải tiếp tục hoàn thiện cải tiến chất lượng phục vụ khách hàng tốt hơn, đặc biệt trong những tháng nắng nóng…

Đến ngày 2/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ra Quyết định có 3 đoàn công tác kiểm tra thực hiện điều chỉnh giá điện theo đúng Quyết định 846 của Bộ Công Thương liên quan đến giá điện.

Cũng cần chú ý thêm, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Điều hành giá Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Công thương xem xét lại việc tăng giá điện là xem xét đánh giá tác động gián tiếp tăng giá điện chứ không phải xem xét lại việc tăng giá.

Tăng giá điện đã tính đến tác động CPI.

Đại diện ngành Công thương khẳng định, trước khi có quyết định tăng giá điện, Bộ Công thương đã cùng các cơ quan thẩm định, trong đó có Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính và nhiều cơ quan liên quan, đã có đánh giá tác động trình Chính phủ xem khi tăng giá điện ảnh hưởng đến mặt hàng khác, đến CPI như thế nào.

Sáng 4/5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã họp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê đã khẳng định, tính toán trong tháng 4 có mức tăng CPI hợp lý, bảo đảm vẫn thực hiện được mục tiêu về chỉ số CPI Chính phủ trình Quốc hội dưới 4%, thậm chí có thể dao động 3,3-3,9% trong năm 2019.

Có thể giảm thuế môi trường với xăng E5

Trả lời câu hỏi của phóng viên về nhu cầu sử dụng xăng sinh học E5 không cao, Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho biết các con số thống kê.

Từ 1/1/2018 bắt đầu đưa xăng E5 RON92 vào thay thế cho xăng RON92. Năm 2018, xăng E5 RON92 đã tiêu thụ 3,118 triệu m3 tương đương khoảng 42% lượng xăng tiêu thụ trên toàn quốc.

Tuy nhiên 3 tháng đầu năm 2019, lượng xăng E5 RON92 tiêu thụ khoảng 740.000 m3 tương đương khoảng 38% tổng lượng xăng. Tức là lượng xăng có giảm.

Trước nhu cầu sử dụng loại xăng này giảm đi, các nhà phân phối mặt hàng này đã có ý kiến về thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định: "Hiện nay mức thuế bảo vệ môi trường với xăng E5 RON92 được tính bằng 95,1% mức thuế so với xăng khoáng RON92. Tôi đồng tình rằng mức này chưa hợp lý nhưng ta không thể tính cơ học như vậy mà phải đánh giá dựa trên mức độ khí thải xăng E5 thải ra".

Thứ trưởng Bộ Công thương cũng thừa nhận rằng, thuế xăng E5 là 3.800 đồng/lít trong khi thuế với xăng thường là 4.000 đồng/lít, không thể khiến người dân lựa chọn xăng sinh học khi còn nhiều băn khoăn về chất lượng xăng E5, “chưa bốc bằng” xăng khoáng.

Theo ông Hải, Bộ Công thương đã đề xuất sửa thuế môi trường với xăng E5 tạo sự cách biệt về giá giữa 2 loại xăng để khuyến khích người dân sử dụng.

"Trên thế giới họ đã sử dụng đến xăng E10, E20 mà ta xăng E5 còn chưa đạt 40%" - ông Hải nhận định.

Tác giả: Cúc Phương

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP