Xã hội

Thanh Tiên xứ Nghệ

Con người xứ Nghệ cùng với non xanh nước biếc như tranh họa đồ đã tạo nên một bức tranh đẹp về sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Từ trong bức tranh ấy đã hàm chứa một triết lý nhân sinh sâu sắc, đậm đà bản sắc xứ Nghệ phát triển bền vững cho ngày hôm nay. Trong dòng chảy của dòng văn hóa xứ Nghệ đó, chúng ta bắt gặp một vùng quê như thế - “Miền đất Thanh Tiên gạo trắng, nước trong”.

Vùng đất Thanh Tiên của huyện Thanh Chương ngày xưa bao gồm ba làng: Tiên Hội, Thanh Liêu, Quang Lạng gộp lại. Theo thời gian, địa giới của Thanh Tiên nhiều lần thay đổi, nhưng cơ bản vẫn như ngày nay.

Từ xưa, Thanh Tiên được biết đến là một vùng đất đẹp, sông núi hài hòa, đất đai phì nhiêu màu mỡ. Dòng sông Lam và sông Giăng thơ mộng như hai dải lụa mềm bao bọc lấy những làng quê trù phú. Trong bài thơ Sông Giăng, nhà thơ Lê huy Mậu viết: “Tiên Hội, Cao Điền/Phong Thịnh, Hạnh Lâm/Làng bám sông /Sông như cành trĩu trái”. Nhà giáo Võ Thị Hường tự hào viết: “Sông Giăng uốn khúc xinh xinh/Trong veo nước mát in hình bóng ai…/Nụ cười tươi trẻ hôm mai/Để ai trầm lặng nhớ hoài sông Giăng!”

Con sông quê hương đã đi vào thi ca, đi vào lòng người, đi vào tiềm thức. Để rồi hình ảnh đẹp đó được chính người con mảnh đất này – nhà thơ Lê Huy Mậu viết nên bài thơ cho thỏa lòng mong nhớ. Trong một cơ duyên, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã phổ nhạc bài thơ thành một trong những ca khúc hay nhất viết về quê hương, đất nước – “Khúc hát sông quê.

Những con sông đã vun bồi kỷ niệm tuổi thơ bao thế hệ. Những bến đò ngang nối nhịp bước chân người. Bến đò Gỗ sang Thanh Văn, đò Soi, đò Rạng sang Thanh Hưng, đò Tuần sang Đô Lương, đò Gành sang Thanh Cát, đò Giăng sang Phong Thịnh ngày nay không còn nữa. Một số bến đò xưa đã được nhà nước đầu tư xây dựng các cây cầu lớn thuận tiện cho người dân đôi bờ qua lại, nhưng hình ảnh về những bến đò và tiếng gọi đò vời vợi vẫn mãi còn trong ký ức những người xa quê. Nhà giáo lê Văn Bằng, trong bài thơ Hát với sông Giăng viết: “Tổ quốc biết sông Hồng/Kể từ thời dựng nước/Ôi sông Giăng tha thiết/Ta biết tự khi nào?

Đất lành chim đậu, người Thanh Tiên là hoa của đất An Tĩnh bao đời. Thanh Tiên nguyên là xã thuần nông. Người dân nơi đây thật thà chất phác, yêu thơ ca, Ví- Giặm, cần cù sáng tạo trong lao động. Những truyền thống văn hóa, phong tục lối sống tốt đẹp đã làm nên trí tuệ và cốt cách con người nơi đây.

Trên mảnh đất Thanh Tiên nay hiện có 27 dòng họ. Có thể điểm qua một số dòng họ nổi tiếng như: họ Dương, họ Nguyễn, họ Phạm, họ Lê…. Nhà thờ họ Dương là nơi thờ tự, trạng nguyên Dương Thúc Tư và nhiều cử nhân cùng hai Quận công đã từng được các triều đại phong kiến phong tặng nhiều đạo sắc.

Nổi tiếng nhất về sự học của Thanh Tiên xưa là Đinh Nhật Thận, ông là Tiến sỹ dưới thời vua Tự Đức. Ngoài sự uyên bác về học vấn, ông còn nổi tiếng là một thầy thuốc, là một danh sỹ yêu nước, thương dân, căm thù quân xâm lược. Đền thờ của Đinh Nhật Thận được dân gian kể lại là một ngôi đền thiêng, nhưng do chiến tranh tàn phá và thời tiết khắc nghiệt nên chỉ còn lại phế tích. Chính quyền địa phương và con em thành đạt của quê hương Thanh Tiên đang vận động quyên góp để khôi phục lại đền Cả ở xóm 9 và đền thờ Đinh Nhật Thận ở xóm 2.

Những bông hoa trên đất xưa như: Cống sinh Dương Lê Đáp, Hương cống Nguyễn Tôn Thiềm, Hiệu sinh Dương Lê Dực, Cử nhân Nguyễn Ngọc Chấn, sinh đồ Nguyễn Đăng Hiền, Nguyễn Nhật Quang, Tú tài Dương Lê Chất, Nguyễn Văn Giai, Đinh Văn Bính, Nguyễn Ngọc Dương, Dương Ngọc Trù, Nguyễn Duy Chiến, Dương Danh Văn, Phạm Xuân Nghi, Dương Lê Kỳ, v.v... đã tạo nên truyền thống hiếu học và học giỏi của người Thanh Tiên nay.

Tính đến năm 2015, toàn xã Thanh tiên có 240 người có trình độ đại học, 15 GS-TS, 25 Thạc sỹ. Con em Thanh tiên đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia đóng góp sức mình, tạo động lực phát triển quê hương đất nước.

Thanh Tiên là vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, là một trong những nơi đầu tiên có tổ chức cơ sở Đảng và cũng là một trong những nơi có phong trào Xô viết phát triển mạnh trong cả huyện. Qua các đợt khủng bố của kẻ thù 1930 - 1935, ở Thanh Tiên có 15 người bị xử bắn, 16 người bị tù đày. Nhiều nhà dân bị đốt phá nhưng người dân vẫn một lòng theo Đảng.

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng bộ và nhân dân Thanh Tiên cùng cả nước tiến hành kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, vừa tích cực xây dựng hậu phương vững mạnh, vừa chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Nơi đây là vùng đất đùm bọc chở che cho nhiều đơn vị quân đội và dân sự, như Nhà máy Diêm, Trường cập 3 Thanh Chương, các đơn vị quân đội, kho tàng của nhà nước.

Trong các cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, lực lượng dân quân du kích trên địa bàn đã phối hợp với đơn vị pháo lưu động QK4 tham gia 520 trận đánh. Nhân dân nơi đây vừa sản xuất, vừa chiến đấu và từng được tặng thưởng về thành tích sản xuất lạc và được tặng thưởng cờ thi đua của Chính phủ về thành tích làm thủy lợi.

Tháng 7/1968, dân quân du kích Thanh Tiên đã phối hợp bắn rơi máy bay và bắt sống phi công Mỹ. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, Thanh Tiên có 173 liệt sĩ, 47 thương binh, 38 bệnh binh, 4 mẹ Việt Nam Anh hùng, hàng ngàn cá nhân và hàng trăm gia đình được tặng thưởng Huân, Huy chương các loại. Đó là máu, là mồ hôi, công sức, là phần đóng góp của Thanh Tiên để viết lên trang sử vàng của toàn dân tộc.

Nghĩa trang Liệt sỹ xã

Trong sự nghiệp xây dựng cuộc sống mới, đặc biệt là trong những năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của tập thể Ban chấp hành Đảng bộ qua các thời kỳ, cán bộ và nhân dân Thanh Tiên đã tiến lên vững chắc. Là xã thuần nông từ nhiều năm nay, phong trào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi cơ cấu mùa vụ để có giá trị thu nhập cao được cấp ủy chính quyền, các đoàn thể và nhân dân quan tâm. Hiện nay, Thanh Tiên là đơn vị dẫn đầu toàn huyện về nuôi bò lai sin. Số lượng bê con sinh sản hàng năm tăng thêm từ 450 - 500 con, toàn xã hiện có trên 500 con bò mẹ. Trước sự phát triển nhanh chóng của đàn bò, địa phương đã mạnh dạn cho nhập giống cỏ voi với ý tưởng nuôi bò tại gia đang trở thành một một mô hình làm kinh tế cho nhiều địa phương đến học tập.

Bên cạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp dịch vụ đã được chú ý phát triển. Một số ngành nghề như: mộc, nề, xây dựng, sửa chữa cơ khí đã phát triển khá nhanh. Hiện nay toàn xã có 13 máy cày đa chức năng, 4 xưởng cưa gỗ bóc, 10 máy xay xát lớn, 3 cẩu cát sạn, 8 máy gạch bê tông, hàng chục tổ thợ xây, 130 hộ buôn bán lớn nhỏ. Tăng trưởng kinh tế toàn xã hàng năm đạt được 15% , hộ giàu chiếm 18 %, hộ khá chiếm 64,5%, giảm hộ nghèo xuống 8,4 %, và không có hộ đói. Nhà máy may xuất khẩu tại Thanh Tiên là một điểm nhấn kinh tế của toàn huyện, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của địa phương phát triển.

Thực hiện mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Huyện ủy - UBND huyện đã chọn xã Thanh Tiên là 1 trong 8 xã làm điểm của huyện Thanh Chương và là một trong 90 xã điểm của Tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010- 2015. Đây là một thuận lợi và vinh dự cho xã nhà, nhưng cũng là trọng trách lớn trước Đảng và nhân dân. Trên tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và người dân hưởng lợi”, với nội dung lấy sức dân để lo cuộc sống cho dân, vì vậy đã nhận được sự đồng tình ủng hộ từ cơ sở, cộng đồng. Năm 2014, xã Thanh tiên đã phấn đấu đạt được 15/19 tiêu chí và đến năm 2016 đạt được 19/19 theo bộ tiêu chí đề ra. Ngày 26/3/2016, xã Thanh Tiên chính thức được công nhận đạt chuẩn Quốc gia Nông thôn mới.

Xã Thanh tiên đón chuẩn Nông thôn mới

Kinh tế phát triển, các mặt Văn hóa- xã hội của Thanh Tiên có nhiều khởi sắc. Nhiều năm liên tục xã được suy tôn là đơn vị xuất sắc về giáo dục, các trường được công nhận là trường chuẩn quốc gia. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đã đi vào chiều sâu. Hiện toàn xã có 85% số hộ được công nhận gia đình văn hóa, 12 đơn vị được công nhận là đơn vị văn hóa và trở thành một điểm sáng được cấp trên quan tâm, ghi nhận. Hệ thống cán bộ cấp xã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Trên 90% cán bộ xã có trình độ đại học, trung cấp lý luận chính trị. Qua đánh giá xếp loại hàng năm cấp ủy chính quyền và các ban ngành đều được Huyện ủy- UBND huyện và các tổ chức đoàn thể xếp loại TSVM, xuất sắc.

Trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Loan – Bí thư Đảng ủy xã về kinh nghiệm công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào của địa phương, đồng chí cho biết: “Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thanh Tiên đã nỗ lực phấn đấu để góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, hoàn thành mục tiêu xây dựng Nông thôn mới. Đó là một thành tựu lớn của toàn Đảng bộ và nhân dân. Để có được thành tích đó, Đảng bộ đặc biệt quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, từ đó xác định mục tiêu và những bước đi cụ thể của từng giai đoạn trên quan điểm không nóng vội, không chạy đua thành tích hình thức, mà tìm những bước đi vững chắc…”

Ngoài những nội lực của địa phương, trên chặng đường phát triển, Thanh Tiên đã và đang nhận được sự quan tâm của các ban ngành từ Trung ương đến huyện. Con em quê hương thành đạt đang công tác ở trong nước và nước ngoài đang là một động lực lớn giúp Thanh Tiên phát triển.

Hơn nửa thế kỷ qua, từ trong đói nghèo, Thanh Tiên đang vững bước đi lên. Trên mảnh đất xưa, cuộc sống mới đang đến với từng thôn xóm. Người làng Tiên Hội xưa đang đi trên những con đường mới, con đường hội nhập cùng nhân dân cả nước xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tác giả bài viết: VĂN DIỆN

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP