Kinh tế

Thanh niên 9X có doanh thu gần 1 tỷ đồng/ năm từ "gỗ mục"

Nhờ đôi bàn tay khéo léo cùng với khối óc sáng tạo và khát vọng làm giàu, từ những khúc "gỗ mục" trong rừng, thanh niên Nguyễn Văn Hà sinh năm 1991 ở xóm 13, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu đã vượt qua nhiều khó khăn, vươn lên làm chủ một cơ sở chế tác gỗ lụa, với doanh thu gần 1 tỷ đồng/ năm.

Nguyễn Văn Hà yêu thích nghề chế tác gỗ lụa từ những năm đầu cấp 3. Do vậy, ngoài giờ học ở trường Hà thường xuyên tìm gỗ lụa về để tự mày mò, sáng tạo, chế tác ra những bức tượng nhưng lúc này vẫn chưa thể tạo ra sản phẩm hoàn thiện. Niềm đam mê này được Hà ấp ủ theo suốt những năm tháng học ở trường đại học kiến trúc Hà Nội. Qua quá trình tìm hiểu nhận thấy việc khai thác gỗ ngày một nhiều nhưng gốc cây thì họ đều bỏ lại ở rừng, rất lãng phí nên sau khi tốt nghiệp đại học, Hà đã trở về quê hương quyết tâm thực hiện bằng được ước mơ còn dang dở.

Để cho ra một sản phẩm tượng gỗ đẹp mắt thông thường anh Hà cùng những người thợ của mình phải mất từ 10 – 15 ngày, tuy nhiên cũng có những sản phẩm phải mất gần 1 năm mới hoàn thành

Bước đầu, Hà gặp rất nhiều khó khăn khi men theo những con đường dốc với một bên là đồi và một bên là vực thẳm để vào những cánh rừng sâu thuộc các huyện miền núi của Nghệ An tìm những gốc cây gỗ lụa. Nhờ con mắt nghệ thuật được di truyền từ người bố nên Hà đã tìm, quan sát và cảm nhận được thế mà thiên nhiên tạo hình sống động ở từng khúc gỗ, cục gỗ mục, rồi vận chuyển về để chế tác. Đồng thời, thông qua mạng internet, công việc hàng ngày, bằng trí tưởng tượng Hà đã hình thành nên nhiều ý tưởng mới, lạ phù hợp với kích cỡ từng gốc cây để cho ra sản phẩm kỳ dị, đẹp nhưng không kém phần tinh tế.

Từ những gốc cây gỗ lụa, gỗ mục vô tri vô giác, anh Hà cùng với những người thợ của mình thổi hồn, chế tác thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao cả về thẩm mỹ lẫn giá trị

"Nghề này được ví là dọn rác cho rừng và bản thân xem đó là một nghề cực kỳ nhân văn. Bởi vì rất nhiều người có quan điểm gốc gỗ lụa, gỗ mục là thứ bỏ đi, là rác của rừng không có ai thu dọn nhưng qua đam mê, bàn tay của mình sau khi đưa các loại gốc cây này về thì tạo ra một sản phẩm cực kỳ đẹp" - Nguyễn Văn Hà chia sẻ.

Thanh niên 9X có doanh thu gần 1 tỷ đồng/ năm từ nghề chế tác gỗ lụa.

Từ những gốc cây gỗ lụa, gỗ mục vô tri vô giác, xù xì với dấu vết của thời gian Hà cùng với những người thợ của mình thổi hồn, chế tác thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao như bức tượng thần tài, tùng lộc, rồng, rắn, cóc, rùa, sư tổ đạt ma… và cả những đồ dùng được đó là bàn, ghế nên rất được khách hàng ưa chuộng. Hà phải mất từ 10 – 15 ngày lao động, sáng tạo, tỉ mỉ đến từng mũi khoan, đục đẽo mới cho ra một sản phẩm đẹp mắt. Tuy nhiên, cũng có những bức tượng phải đầu tư thời gian, dành cả tâm huyết gần một năm trời mới hoàn thiện. Hiện nay, tượng đắt nhất tại cơ sở sản xuất của Hà có giá trên 100 triệu đồng, có trọng lượng hơn 1 tấn; còn trung bình thì giá bán 10 triệu đồng/ sản phẩm. Mặc dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng với khối óc linh hoạt nên từ nghề đã đem về cho Hà tổng doanh thu gần 1 tỷ đồng/năm, sau khi trừ các khoản chi phí thu lãi 350 triệu đồng. Sự phát triển của nghề Hà đã tạo việc làm ổn định có 6 lao động địa phương với thu nhập từ 3 - 12 triệu đồng/ tháng.

Bức tượng "Nhất tâm hướng Phật" có giá gần 100 triệu đồng.

“Hà là một người chủ trẻ tuổi nhưng tài năng, nhiệt huyết, tâm lý và hiểu về nghệ thuật, lấy ý tưởng để tạo hình tượng rất phong phú. Hà có nhiều tố chất rất là tốt, đặc biệt là luôn tạo điều kiện cho người thợ phát huy được hết khả năng, sở trường của mình” - ông Hồ Sỹ Hoàng, thợ chính tại cơ sở chế tác gỗ lụa của anh Hà cho biết.

Bức tượng gỗ mang tên “Con Rồng cháu Tiên” nặng gần 1 tấn là một trong những sản phẩm độc đáo mà anh Nguyễn Văn Hà đã tạo ra.

Mới đây, Hà đã đưa 6 tác phẩm là những bức tượng đặc sắc, tinh tế với những tên gọi gắn với những sự tích khác nhau để đi triển lãm tại Sơn Tây, Hà Nội nhân kỷ niệm ngày đại đoàn kết dân tộc. Điển hình như bức tượng cụ rùa với tên gọi Việt Nam trường tồn có dáng hình đất nước sắc nét cụ gánh trên lưng, tượng con rồng cháu tiên, nhất tâm hướng phật... Nhằm phát triển nghề ngày càng thêm vững mạnh, thỏa mãn niềm đam mê thì bên cạnh đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất thì Hà cũng xây dựng thêm Showroom, tạo không gian rộng rãi trưng bày sản phẩm để khách hàng, nhân dân ở các tỉnh thành trong cả nước có thể đến thăm quan và mua hàng.

Bức tượng "Sư tổ Đạt Ma" được anh Hà vận chuyển ra Hà Nội để triển lãm nhân ngày đại đoàn kết dân tộc 18/11.

"Chế tác gỗ lụa của đồng chí Hà là một mô hình mới, thành công đầu tiên ở xã Quỳnh Lâm. Sắp tới đoàn xã sẽ đưa mô hình này vào những mô hình thanh niên phát triển kinh tế của xã, để tổ chức cho đoàn viên thanh niên ở chi đoàn khác đến thăm quan, học hỏi nhân rộng mô hình nếu có đủ điều kiện" - anh Hồ Văn Thiết – Bí thư đoàn xã Quỳnh Lâm nhận xét.

Các bức tượng gỗ được chạm khắc tinh xảo, độc đáo, giá trị nghệ thuật cao nên thương hiệu sản phẩm ở cơ sở chế tác gỗ lụa của anh Nguyễn Văn Hà ngày càng vang xa, được nhiều người biết và tìm đến đặt hàng. Mô hình của anh đã góp phần làm đa dạng hóa ngành nghề ở địa phương.

Tác giả: Hồng Diện

Nguồn tin: Truyền hình Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP