Trong nước

Thanh Hóa: Nhiều cơ quan, đơn vị tự ký hàng nghìn hợp đồng lao động

Tổng số lao động hợp đồng ở các sở, cơ quan ngang sở, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa,... là 13.667 người. Trong đó, lao động hợp đồng do Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt hoặc cho phép chỉ 3.456 người, còn lại là các đơn vị tự ký.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức thì vẫn còn một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thực hiện chưa tốt việc tuyển dụng công chức, viên chức, nhất là việc ký hợp đồng lao động không đúng quy định, không đúng thẩm quyền... Đó là những thực trạng trong việc tuyển dụng công chức (CC), viên chức (VC) và lao động hợp đồng (LĐHĐ) trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian qua.

Theo đánh giá của Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2014 đến nay, Thanh Hóa là một trong những tỉnh thực hiện áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình tổ chức, giám sát thi tuyển CC đảm bảo nghiêm túc, khách quan, công bằng và đúng quy định...

Hàng nghìn hợp đồng lao động trái quy định

Tính đến ngày 30/10/2016, tổng số LĐHĐ ở các sở, cơ quan ngang sở (gọi tắt là các sở), các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa, đơn vị trực thuộc các sở; các phòng ban chuyên môn, đơn vị thuộc, trực thuộc UBND cấp huyện là 13.667 người. Trong đó, LĐHĐ do Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt hoặc cho phép là 3.456 người, các đơn vị tự ký là hơn 10.200 người.

Một số đơn vị “dẫn đầu” về LĐHĐ ngoài biên chế làm chuyên môn, nghiệp vụ như: Sở Y tế 3.012 người, Sở NN-PTNT 985 người, Sở GD-ĐT 708 người, Sở GTVT 386 người...


Đầu năm học 2016 - 2017, hàng nghìn giáo viên, nhân viên hợp đồng tại Thanh Hóa bị mất việc

Hầu hết số LĐHĐ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ do giám đốc các sở, thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện hoặc thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc ký hợp đồng có thời hạn nhiều lần, không đúng quy định tại Khoản 2, Điều 22, Bộ Luật lao động năm 2012, quy định về các loại HĐLĐ. Mức chi trả tiền lương đối với số LĐHĐ do các đơn vị tự ký khác nhau, có đơn vị trả theo mức lương cơ sở, có đơn vị trả áp dụng tương ứng theo ngạch bậc của trình độ đào tạo, có đơn vị khoán theo một mức cố định và không được tăng lương, không được đóng BHXH, BHYT...

Theo đánh giá của Sở Nội vụ Thanh Hóa, bên cạnh những chuyển biến tích cực trong công tác tuyển dụng CC, VC thì vẫn còn một số cơ quan, đơn vị thực hiện chưa tốt việc tuyển dụng CC, VC; nhất là việc ký HĐLĐ không đúng quy định, không đúng thẩm quyền, ngoài định mức được giao; cơ cấu chức danh, vị trí việc làm chưa phù hợp; sử dụng nguồn kinh phí chi trả HĐLĐ không đúng quy định; khi không có nguồn thu hoặc không còn nhu cầu thì không tiến hành thanh lý hợp đồng, dẫn đến tình trạng hợp đồng kéo dài, gây dư luận không tốt trong nhân dân.

Nhiều sở, ngành, UBND cấp huyện vi phạm trong tuyển dụng, hợp đồng lao động

Báo cáo của Sở Nội vụ Thanh Hóa chỉ ra những hạn chế, vi phạm của một số sở, ngành, UBND các huyện là chưa nghiêm túc trong việc thực hiện công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng cán bộ (CB), CC, VC và còn bộc lộ nhiều yếu kém, khuyết điểm; việc tuyển dụng CC, VC, đặc biệt đối với VC chưa dựa trên nhu cầu thực tế của cơ quan, đơn vị; một số đơn vị tuyển dụng VC vượt quá quy định và không theo quy trình tuyển dụng của pháp luật, thiếu công khai, minh bạch trong công tác tuyển dụng. Điển hình như: Sở Y tế, UBND huyện Yên Định, UBND huyện Vĩnh Lộc, UBND huyện Thiệu Hóa...

Một số cơ quan, đơn vị tuyển dụng, tiếp nhận CC, VC không trên cơ sở biên chế giao hoặc không phù hợp với nhu cầu; tuyển dụng một số CC, VC có trình độ, chuyên ngành đào tạo không phù hợp với yêu cầu vị trí, việc làm, không đúng trình tự thủ tục, không thông báo rộng rãi, không thành lập hội đồng hoặc thành lập hội đồng nhưng hoạt động mang tính hình thức; một số huyện không thực hiện nghiêm việc báo cáo xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch trước khi tuyển dụng giáo viên theo quy định.

Hầu hết các sở, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện đều có số LĐHĐ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Trong đó phải kể đến Sở GTVT và UBND huyện Yên Định. Việc ký và sử dụng LĐHĐ để bố trí làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ tại các cơ quan sở, cơ quan UBND cấp huyện là trái quy định của pháp luật, của UBND tỉnh Thanh Hóa...

UBND các huyện thực hiện HĐLĐ ngoài biên chế để làm giáo viên Mầm non, Tiểu học, THCS; số lượng biên chế khối THCS còn dôi dư nhưng vẫn thực hiện LĐHĐ làm giáo viên nên không còn kinh phí chi cho các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ dẫn đến tình trạng tăng thu các khoản đóng góp của phụ huynh học sinh, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng và uy tín của ngành giáo dục...

Theo Sở Nội vụ Thanh Hóa thì nguyên nhân chính thuộc về trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị thực hiện việc tuyển dụng, ký HĐLĐ không xuất phát từ yêu cầu công việc, vị trí việc làm, chỉ tiêu biên chế được giao; chưa thực hiện nghiêm quy định phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và CB, CC, người đứng đầu và sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; hệ thống cơ quan tham mưu về công tác quản lý CB, CC, VC chưa thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong tuyển dụng.

Theo phân cấp tại quyết định 685 của UBND tỉnh Thanh Hóa thì Sở Nội vụ chưa căn cứ vào các quy định của Chính phủ, Bộ Nội vụ để kịp thời tham mưu ban hành các quy định, hướng dẫn có liên quan đến tuyển dụng CC, VC và thực hiện LĐHĐ phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý. Việc triển khai, nghiên cứu các quy định của Chính phủ, bộ ngành Trung ương và của UBND tỉnh chưa đảm bảo, việc áp dụng và thực hiện có biểu hiện tùy tiện, thiếu đồng bộ, nhất quán; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương về chế độ thông tin báo cáo của cơ quan, đơn vị chưa nghiêm.


Sở NN-PTNT là một trong những đơn vị có nhiều LĐHĐ ngoài biên chế làm chuyên môn, nghiệp vụ

Trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc tham mưu, đôn đốc, hướng dẫn và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện HĐLĐ tại các cơ quan, đơn vị chưa kịp thời; chưa đề xuất được việc xử lý các tổ chức, cá nhân thực hiện việc HĐLĐ ngoài chỉ tiêu biên chế được giao, trái quy định; việc giám sát, quản lý về sử dụng kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho HĐLĐ còn nhiều hạn chế.

Khối Mầm non, Tiểu học ở một số huyện chưa thực hiện hết chỉ tiêu biên chế được giao, nhưng UBND các huyện không thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo quy định mà thực hiện HĐLĐ làm giáo viên và nhân viên hành chính ở các trường trái quy định.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khách quan đối với các phòng chuyên môn thuộc sở, UBND cấp huyện là do quá trình tổ chức thi tuyển CC hàng năm của tỉnh diễn ra nghiêm túc nên không tuyển đủ số CC theo yêu cầu của vị trí việc làm còn thiếu so với chỉ tiêu biên chế được giao nên đã thực hiện LĐHĐ; các đơn vị có nguồn thu cao, có số biên chế được giao thấp, trong khi yêu cầu thực tế do khối lượng công việc lớn, cần bổ sung viên chức nhưng không thực hiện xây dựng kế hoạch, đề án vị trí việc làm trình cấp thẩm quyền phê duyệt để thực hiện số biên chế tăng thêm.

Đối với sự nghiệp giáo dục, việc giao biên chế các trường ổn định, không bổ sung từ năm 2011 đến nay, trong khi tăng số học sinh, số lớp với số lượng lớn dẫn đến thiếu biên chế nói chung, nhất là các môn đặc thù, nhân viên hành chính theo yêu cầu trường đạt chuẩn quốc gia. Đối với sự nghiệp y tế, do kế hoạch giao chỉ tiêu phát triển giường bệnh cho các bệnh viện công lập tăng, trong khi chỉ tiêu biên chế chưa được giao bổ sung tương ứng theo định mức tối thiểu.

Tác giả bài viết: Duy Tuyên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP