Kinh tế

Thanh Chương: Hiệu quả của cây - con chủ lực vùng biên giới

Là vùng đất từng được gọi là "tứ tắc", khó khăn nhiều mặt, nhờ tuyến đường Hồ Chí Minh và hệ thống giao thông phát triển, những năm gần đây 5 xã biên giới của huyện Thanh Chương gồm: Thanh Đức, Hạnh Lâm, Thanh Thủy, Thanh Sơn và Ngọc Lâm đã vươn lên từ việc đầu tư trồng chè, trồng keo và chăn nuôi bò hàng hóa tạo nên tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.

Đã gắn bó với Nông trường chè Hạnh Lâm từ hàng chục năm, nay đã nghỉ hưu nhưng bà Lê Thị Thảo ở đội Điên Biên vẫn đầu tư mở rộng diện tích chè bằng những loại giống mới, có năng suất và sản lượng cao, bởi theo bà: chè là cây trồng cho thu nhập quanh năm, giá cả ổn định. Từ diện tích ban đầu chỉ 1ha do nông trường cấp đến nay gia đình bà đã có 3ha, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
thanh chuong
Những đồi chè mơn mởn tại xã Thanh Thủy

Bà Thảo chỉ là một trong hàng trăm hộ dân trên địa bàn các xã biên giới Hạnh Lâm, Thanh Đức đã gắn bó với cây chè công nghiệp. Cách đây khoảng 50 năm, vào cuối năm 1967, nhận thấy Thanh Chương là địa bàn có điều kiện đất đai, thổ nhưỡng phù hợp Bộ Nông nghiệp và UBND tỉnh Nghệ An đã tiến hành thành lập Nông trường chè tại xã Hạnh Lâm. Từ đó, đã có hàng trăm thế hệ công nhân và hàng ngàn người dân địa phương tham gia trồng chè. Hiện trên địa bàn hai xã đã có trên 700ha chè.
thanh chuong 1
Người trồng chè ở xí nghiệp chè Ngọc Lâm tập trung thu hái chè xuân

Nhận thấy hiệu quả của cây chè với địa bàn các xã vùng cao, từ năm 1970, nhà nước đã thành lập thêm nông trường chè Ngọc Lâm tại xã biên giới Thanh Thủy và gần đây khi thành lập thêm Tổng đội Thanh niên xung phong 2 tại xã Thanh Đức và Tổng đội TNXP 5 tại xã Thanh Thủy cũng đã chọn cây chè là cây kinh tế chủ lực cho các đội viên sản xuất lập nghiệp. Cây chè thực sự là cây xóa đói giảm nghèo cho người dân. Hiện tại, riêng tại 3 xã Thanh Đức, Hạnh Lâm, Thanh Thủy, số lượng đã đạt trên 1.500ha bằng 30% diện tích chè của cả huyện.
thanh chuong 2
Người dân xã TĐC Ngọc Lâm làm cỏ, chăm sóc vườn chè mới.

Ông Nguyễn Hữu Vĩnh – Chủ tịch UBND xã Thanh Đức chia sẻ: Chè là cây kinh tế mũi nhọn, hiện toàn xã có khoảng 700ha. Nhờ cây chè mà đời sống của người dân vùng núi nay khấm khá hơn số dân ở vùng ngoài chỉ chuyên trồng lúa. Nhiều hộ dân có trang trại đều đã gửi ruộng hoặc cho người khác thuê để chuyên tâm trồng chè…

Là địa bàn có rất ít ruộng lúa nước, tại 2 xã biên giới khác mới được thành lập là Thanh Sơn, Ngọc Lâm các địa phương cũng đang xác định đầu tư chủ yếu cho cây chè. Sau 3 năm trồng mới đến nay mỗi xã đã có khoảng 150ha, phấn đấu trong 5 năm tới sẽ trồng đạt 500ha.

thanh chuong 3
Người dân xã TĐC Ngọc Lâm thu hoạch keo

Cùng với cây chè, kể từ sau khi triển khai thực hiện các chương trình giao đất trồng rừng cho hộ dân như: 327, 4304, 661 và đặc biệt là từ khi có đường Hồ Chí Minh khai thông bế tắc cây keo lai cũng đã được người dân quan tâm đầu tư. Nhờ có quỹ đất dồi dào nên các xã biên giới cũng là những đơn vị dẫn đầu về diện tích keo với hàng nghìn hộ dân tham gia trồng với tổng diện tích khoảng 10.000ha. Keo là loại cây gỗ tạp dùng làm nguyên liệu chế chế biến giấy và một số đồ gia dụng đang rất dễ bán trên thị trường. Cây lại dễ làm giống, phát triển nhanh nên đã nhanh chóng phủ xanh đất trồng đồi núi trọc và đưa lại nguồn kinh tế cao. Trồng keo không phải làm có bón phân phòng trừ sâu bệnh. Từ khi trồng đến thu hoạch chỉ mất 4- 5 năm, trừ chi phí thu về mỗi ha khoảng 50 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Dũng ở xóm 4 xã Thanh Thủy - người vừa thu hoạch 15ha keo, thu về trên nửa tỷ đồng vui mừng cho biết: Thu nhập không cao nhưng vì nhiều diện tích nên keo cũng thu được một nguồn tiền khá, nếu không trồng keo đất rừng cũng bỏ hoang nên chúng tôi cho đây là một nguồn lợi lớn.
thanh chuong 4
Người dân xã Thanh Sơn trồng mới cây keo trên diện tích vừa thu hoạch

Cùng với nguồn lợi từ bán keo, trong quá trình thu hoạch, người dân còn được hưởng thêm nguồn lợi từ việc bóc vỏ keo, hiện luôn có khoảng 1.000 người làm nghề. Công việc tuy vất vả nhưng thu nhập ổn định: mỗi ngày một lao động có thể thu được từ 200.000 – 250.000 đồng. Đó là một nguồn thu nhập đáng kể với những người nông dân đang là trụ cột gia đình bận ruộng vườn không thể đi làm ăn xa.

Trên cơ sở hiệu quả của các loại cây trồng như chè, keo và việc hình thành các trang trại, gia trại để khai thác các tiềm năng phát triển kinh tế, thời gian gần đây, tại các xã biên giới phong trào chăn nuôi bò hàng hóa cũng phát triển mạnh. Đã có nhiều hộ đầu tư hàng tỷ đồng để nuôi bò như ông Nguyễn Sỹ Thìn ở xã Thanh Thủy có gần 100 con, hàng trăm hộ có từ 10- 70 con. Giai đoạn 2016-2020, huyện Thanh Chương phấn đấu bình quân mỗi hộ chăn nuôi theo dạng gia trại, trang trại ở các xã biên giới nuôi 20 con. Huyện sẽ hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng chuồng trại, đồng cỏ và vay vốn cho cho các hộ nuôi từ 100 con trở lên; Tiếp tục chuyển giao ứng dụng các KHKT về giống và thức ăn. Đặc biệt là tập trung khai thác hiệu quả các chính sách đầu tư hỗ trợ có liên quan của Nhà nước cấp trên và ban hành cơ chế chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển đàn bò ở các xã biên giới.

thanh chuong 5
Trang trại của ông Nguyễn Sỹ Thìn ở xã biên giới Thanh Thủy có gần 100 con bò hàng hóa

Bên cạnh các cơ chế chính sách hỗ trợ đối với các loại cây, con cụ thể, trong quá trình phát triển huyện Thanh Chương cũng đã nhận thức rõ vai trò của hệ thống giao thông trong phát triển kinh tế. Cùng với tuyến đường Hồ Chí Minh huyện đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng các tuyến đường đường ngang nối từ đường Hồ Chí Minh đến các xã biên giới, các vùng chè, keo. Ngoài việc giúp chuyên chở nguyên liệu, các tuyến đường mới mở đã trực tiếp góp phần vào phát triển kinh tế xã hội. Từ các lán trại tạm bợ người dân đã đầu tư xây dựng nhà cửa kiên cố tạo nên nhiều xóm làng trú phú ở những nơi ngày trước là rừng thiêng nước độc.

Việc phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ chắc chắn cũng sẽ là điều kiện để đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng, giữa vững chủ quyền biên giới.

Tác giả bài viết: Đình Hà - Đài Thanh Chương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP