Xã hội

Thân phận buồn của ông lão 30 năm khâm liệm tử thi

Lão là người hoàn cảnh nhất xứ này! Đấy là điều đầu tiên tôi được người dân xóm 1 xã Quỳnh Mỹ (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) trả lời khi hỏi thăm đường đến nhà lão Lê Minh Chu. Lão chẳng có một tấc đất mà trồng cấy gì, ngay cả căn lều rách tươm nằm heo hút tách biệt phía chân đồi cũng được người ta thương tình nhường cho một ít để cất lên mà ở. Cuộc đời của lão vốn đầy trắc trở. Chấp nhận làm cái nghề không ai muốn làm với chút tiền ơn nghĩa của gia chủ cũng đủ để lão sống qua ngày đoạn tháng.

doibuon
Căn lều của lão Chu nơi đầu núi


Đã từng là thanh niên xung phong

Tìm gặp lão, tôi mới hiểu hơn về cái từ “hoàn cảnh” mà người dân nơi đây nói về lão. Muốn đến được nhà lão phải leo lên chân núi, căn lều lão ở nằm cuối lối đi nhỏ được “trải thảm” bùn nhão nhoẹt, đầy nước. Nhìn bộ dạng người đàn ông gầy gò nhăn nheo, đôi mắt hum húp, tôi không thể hình dung được, người đàn ông những tháng năm tuổi trẻ góp đá vá đường, san lấp hố bom cho từng đoàn xe từ Bắc vào Nam, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

add

Lão lập cập rót nước mời khách bằng cái ca nhựa duy nhất trong nhà. Hỏi tên, hỏi tuổi, lão lắc đầu không nhớ, nhưng áng chừng cũng đã gần 75. Hỏi con cái, lão lắc đầu bảo chúng đi tha phương mưu sinh hết rồi. Cứ thế, bằng cái giọng nhát gừng, lão kể về cuộc đời lão, về kiếp mưu sinh đầy tủi cực từ thời trai trẻ đến tận bây giờ.

Lão kể, năm lão vừa tròn 18 tuổi thì lên đường làm nhiệm vụ san lấp hố bom, sửa chữa vá đường tại các huyện miền Tây Nghệ An. Rồi lão chuyển sang đơn vị thanh niên chuyên vận chuyển hàng hóa bằng xe đạp thồ từ Hoàng Mai (Nghệ An) vào đến tận Quảng Bình trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Nhiều đêm phải đi liên tục theo đường rừng để tránh máy bay ném bom. Hàng hóa mà đoàn xe thồ của lão thời ấy chở là gạo thóc, đường, mì tôm, và có lúc cả đạn, thuốc men nữa.

Đến năm 1972, khi lão vừa tạt về thăm nhà thì một trận bom B52 của giặc Mỹ dội xuống căn nhà của lão. “Tôi nhớ rất rõ, hôm đó là ngày 12-10-1972, cả bố mẹ và tôi thoát nạn, nhưng đứa em trai tên là Lê Minh Hoàng đã chết cháy trong nhà. Cũng vì thế, sau này bố mẹ tôi sinh bệnh rồi cũng qua đời!” - lão Chu rướm nước mắt.

Hòa bình lập lại, lão như người trắng tay vì cả bố và mẹ đều mất. Một thân một mình sống, rồi lão cũng lấy vợ. Vợ là người lão quen trong một lần đi xe thồ. Đám cưới chẳng có nhà trai, chỉ mình lão “trên răng dưới dép” đi hỏi vợ, rồi làm đám cưới.

Những ngày ở bãi vàng

Cưới vợ về rồi cũng chẳng có của hồi môn, cũng chẳng có mảnh đất cắm dùi. Vài sào ruộng khoán chẳng đủ nuôi mấy miệng ăn. Phía đằng vợ thì cũng ăn bữa sáng lo bữa chiều nên chẳng nhờ vả gì được. Thế là lão nghe cánh xe thồ hồi ấy rủ ra Na Rì (Bắc Cạn) đào đãi vàng thuê cho một chủ “bưởng” người Hà Nam với ngày công chỉ là ba bữa gạo cộng rau muống, mỗi tháng có được vài chục nghìn đồng gửi về cho vợ nuôi con. Lão bảo hồi ấy chẳng biết đào đãi ra sao, nhưng cảnh nhà khổ cực quá, nên cứ liều đi, nếu tốt thì làm, nếu không, lão về thì cũng chẳng mất gì. Khổ thì lão cũng đã khổ nhiều rồi.

Cuộc sống tại bãi vàng chẳng nơi đâu cơ cực bằng. Ăn ngày hai bữa rồi cắm đầu trong hầm trong hố, ngâm mình trong bùn lầy nước độc cả ngày để tìm vàng. Chủ “bưởng” lại là một tay độc ác, có lần hắn phát hiện người làm công giấu vàng đã cho đệ tử đánh đến chết rồi xô xuống hố đãi vàng lấp luôn. Nhìn cảnh tượng hãi hùng đó, lão luôn luôn lo sợ cái ngày đó cũng sẽ đến với mình. Nhiều đêm lão cũng đã có ý định chạy trốn, nhưng chưa kịp thực hiện thì thấy chủ “bưởng” dẫn về một người bỏ trốn bị bắt lại, đánh đến chết nên lão đành im ắng chờ thời cơ.

Sau này, để khống chế các phu vàng, bọn chủ “bưởng” còn bắt các phu hút thuốc phiện mà như chúng nói là “để khỏe mà làm việc”. Và rồi lão cũng trở thành nạn nhân của ma túy. Cứ cuối năm là bọn chủ “bưởng” cho lĩnh lương, sau khi trừ chi phí, mỗi năm còn 1 triệu đồng. Thấy không có tiền gửi cho vợ con mà tiền mua thuốc hút cũng dần dần không có nốt, thế là vào một đêm trời mưa, lợi dụng bọn chủ “bưởng” ngủ say, lão rón rén lẻn ra khỏi trại và lao vào rừng chạy thục mạng gần 5 tiếng đồng hồ thì ra tới Quốc lộ. Rồi lão đón xe về nhà trong cảnh thân tàn ma dại mà cả vợ và con đều không tin là lão vẫn còn sống. Đó là một ngày đã cách đây gần 30 năm.

Kiếm tiền bằng nghề khâm liệm tử thi

Sau hơn 12 năm sống kiếp “nô lệ”, lão may mắn giải thoát được mình rồi về quê sống kiếp người bạc bẽo trong 4 bức tường dựng bằng lồ ô nham nhở để làm nghề khâm liệm người chết, đánh trống, thổi kèn mưu sinh. Hồi trốn từ bãi vàng về lại làng, không có tiền nuôi con cái nên các con lão chỉ học hết lớp 2 rồi nghỉ đi làm thuê và tự lấy vợ, lấy chồng.

Đến nay, tất cả 4 người con 2 trai, 2 gái của lão đều đã có gia đình và phải chật vật mưu sinh nơi xứ người, thi thoảng mới về, ở nhà chỉ có hai vợ chồng già. Ngày ngày, vợ lão còng lưng trên đồng bắt cua ốc đem bán nhưng cũng chỉ đủ tiền mua gạo, còn lão thì ai thuê gì làm nấy. Lão cũng chẳng ngờ mình lại gắn với cái nghề làm bạn với tử thi lâu đến như thế. Lão bảo dễ chừng đã làm nghề này ngót nghét đã ba chục năm rồi.

Ban đầu, trong làng có người bị bệnh nằm liệt giường, hơn 1 năm sau thì chết, vì nằm liệt giường quá lâu nên thân thể bị hoại tử, ai nhìn cũng kinh sợ nên con cái không ai dám tắm rửa, thay quần áo, đành thuê người ngoài làm. Cũng chẳng biết tìm ai, lúc ấy thì lão đang cần tiền mua thuốc cho vợ, thế là lão xắn tay vào làm. Cứ thế, dần dần lão khâm liệm, tắm rửa cho người này tới người kia mà không hề nghĩ rằng cái nghề ấy đã vận vào mình. Vừa làm giúp họ vừa kiếm tiền. Không chỉ tắm rửa, khâm liệm mà ngay cả chuyển đồ sinh hoạt của người chết, đánh trống, thổi kèn, dần dần cũng trở thành “nghề” của lão.

Lão bảo: “Nhiều lúc chạm tay vào người chết cũng lạnh hết người, nhưng không làm thì không có tiền, mà làm thì ám ảnh lắm! Nhiều đêm nằm ngủ, cứ nghĩ lại cái cảnh ban ngày tắm rửa, chải đầu, thay quần áo cho người chết mà toát mồ hôi vì sợ!”

Lão bảo, làm nghề này chỉ mong kiếm được chút tiền từ sự cảm thông của gia chủ, chứ chẳng mong giàu sang gì, cũng chẳng mong được tiếng tăm gì. Mỗi lần làm công việc ấy xong, chủ nhà đưa bao nhiêu thì nhận, chưa một lần lão đòi hỏi hay chê tiền công ít nhiều.

Có lần lão khâm liệm cho một gia đình nghèo khó đến nỗi chẳng có nổi cỗ quan tài, đã chẳng lấy tiền thì chớ, lão còn cho tang quyến chút tiền để lo tang ma. Thế nên, gần 30 năm làm “nghề”, lão vẫn chỉ ở trong căn chòi như cái tổ chim nơi chân núi này. Nhìn cả căn nhà với tài sản duy nhất là 2 cái giường đủ “khép kín” 10m2, tôi ái ngại hỏi sao lão không làm nhà mà ở? Lão Chu buồn bã trả lời: “Chưa có đủ tiền thuốc, tiền ăn thì làm sao có nhà mà ở”.

Khi chúng tôi ra về, ngước lên nhìn cái “chòi” chơ vơ trên lưng chừng núi mà không khỏi cám cảnh. Lời tâm sự của lão lúc chia tay cứ ám ảnh tôi mãi: “Rồi không biết đến lúc tôi nhắm mắt xuôi tay biết lấy tiền đâu để thuê người tắm rửa, khâm liệm!” Dẫu sao cũng một kiếp người mưu sinh...

Tác giả bài viết: Thanh Thảo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP