Kinh tế

Tham vọng lớn, đại gia Nguyễn Đức Tài, Dương Ngọc Minh 'sụt hố'

Tham vọng của các đại gia Việt lớn hơn bao giờ hết khi mà thị trường chứng khoán bùng nổ, khả năng huy động vốn trong và ngoài nước dễ dàng. Tuy nhiên, rủi ro từ các kế hoạch đầy tham vọng này cũng rất lớn, có nguy cơ khiến các cổ đông mất tiền.

Cổ đông mất ngàn tỷ

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, cổ phiếu Thế giới di động (MWG) của đại gia Nguyễn Đức Tài bất ngờ giảm rất mạnh, mất gần 30% kể từ đỉnh cao gần 140.000 đồng/cp ghi nhận hồi cuối tháng 3/2018 xuống ngưỡng 100.000 đồng/cp. Từ một cổ phiếu tăng bất chấp, vượt qua hầu hết các cổ phiếu khác, MWG trở thành cổ phiếu đem đến thiệt hại lớn cho các cổ đông vào sau.

Với diễn biến giá như này, vốn hóa của MWG đã giảm tổng cộng khoảng 12.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo mới nhất, sự giảm giá của MWG đã khiến Pyn Elite Fund - một quỹ đầu tư thành lập tại Phần Lan có thâm niên tại Việt Nam và tiền thân là Mutual Fund Elite - lỗ 15,15 triệu Euro từ đầu năm tới nay. Đây cũng là khoản đầu tư gây thua lỗ lớn nhất của quỹ đầu tư này.

Ông Nguyễn Đức Tài

Nguyên nhân khiến cổ phiếu MWG giảm mạnh bởi giới đầu tư đang hoài nghi về động lực tăng trưởng của MWG. Mảng kinh doanh điện thoại đã chững lại, mảng điện máy không còn nhiều dư địa tăng trưởng, trong khi mảng Bách hóa xanh thì đang bị cạnh tranh mạnh.

Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú USD Trần Đình Long gần đây cũng giảm mạnh, từ 67.000 đồng/cp có lúc xuống dưới 54.000 đồng, tương đương mức giảm gần 20%. Nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu HPG nhiều tuần liên tiếp sau khi diễn ra ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 (vào ngày 22/3). Nguyên nhân được cho là bởi chủ tịch Trần Đình Long công bố lợi nhuận không tăng so với năm 2017.

Ông chủ Hòa Phát lý giải năng suất của các nhà máy hiện tại đã lên đỉnh điểm trong khi đại dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất cần đầu tư lớn và chưa thể tính tới lợi nhuận trong những năm đầu tiên.

Gần đây, cổ phiếu Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) cũng liên tụt sụt giảm mất gần 30%, doanh nghiệp bốc hơi hàng ngàn tỷ đồng do biên lợi nhuận gộp sụt giảm và việc giảm sở hữu tại công ty con.

Thủy sản Hùng Vương (HVG) của ông Dương Ngọc Minh thậm chí còn tụt giảm xuống ngưỡng 4.000 đồng/cp do doanh nghiệp chìm trong nợ nần, bán tài sản xoay vòng nguồn vốn, tình hình “căng như dây đàn”. Tham vọng tỷ USD và kế hoạch thâu tóm, mở rộng tan vỡ khiến ông Dương Ngọc Minh cảm thấy “cực kỳ xấu hổ”.

Cổ phiếu Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) càng ngày càng chìm sâu, đang về gần mức 2.000 đồng/cp, chứ đừng nói "trên mệnh giá" như ông Đặng Thành Tâm khẳng định tại ĐHCĐ cuối tháng 6/2017 khi thay chị gái Đặng Thị Hoàng Yến điều hành đại hội.

Tham vọng lớn, rủi ro tiềm ẩn

Sở dĩ các nhà đầu tư thiệt hại lớn với cổ phiếu đầu ngành là do đã quá kỳ vọng vào những doanh nghiệp lớn. Mặc dù có bước phát triển vượt bậc, song, các DN đầu ngành đã mở rộng quá nhanh và gặp nguy cơ không kiểm soát được rủi ro trong quá trình phát triển.

Vài năm gần đây, MWG nổi lên là một trong những doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam với tốc độ tăng trưởng hàng chục phần trăm mỗi năm. Lĩnh vực điện thoại đã mang đến cho MWG vị thế đầu ngành bán lẻ.

Tuy nhiên, MWG đã mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh khác như điện máy (Điện máy xanh), bách hóa siêu thị (Bách hóa xanh) một cách quá nhanh, thậm chí DN còn có kế hoạch thâm nhập vào ngành dược phẩm.

Những kết quả đầu tiên cho thấy, kế hoạch mở rộng của MWG là “vội vàng”. Ông Nguyên Đức Tài, chủ tịch MWG cho biết, mảng bách hóa siêu thị trong quý 1/2018 lỗ lũy kế 60 tỷ đồng và phải đóng cửa 3 cửa hàng. MWG đã giảm kế hoạch mở rộng từ 1.000 xuống còn 500 cửa hàng.

Người đứng đầu MWG cũng thừa nhận sự vội vàng trong việc đẩy nhanh tốc độ mở cửa hàng, phủ thị trường ở các khu đông dân cư là quá sớm khi mà thương hiệu chưa đủ mạnh.

Với mảng điện thoại, việc bán hàng khá dễ dàng bởi phần lớn các thương hiệu điện thoại của nhà sản xuất đều đã nổi tiếng như Samsung, Ipone, Oppo,... 3 nhà cung cấp lớn nhất cung cấp tới 80% số lượng hàng hóa, trong đó Samsung chiếm tới 45%.

Trong khi đó, việc bán thực phẩm, rau quả, tạp hóa,... thì thương hiệu của nhà bán lẻ là quan trọng. Khách hàng cần thương hiệu để đặt niềm tin, trong khi Bách hóa xanh hoàn toàn mới, chưa được biết đến, chất lượng chưa được đảm bảo.

Đây có lẽ là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu MWG giảm mạnh thời gian qua. Mảng dược phẩm cũng khiến nhiều người lo ngại bởi MWG cũng cần có thời gian để xây dựng hệ thống quản trị bán hàng cũng như thương hiệu tốt.

Với Thép Hòa Phát, đại dự án Dung Quất (tổng vốn đầu tư dự kiến 52 ngàn tỷ đồng và công suất 4 triệu tấn/năm) là cơ hội để doanh nghiệp của tỷ phú USD Trần Đình Long giữ vững vị trí thống trị mảng thép xây dựng sau khi vượt xa Hoa Sen, đồng thời tấn công vào thị trường phía Nam. Song, nhiều người lo ngại trước kế hoạch đầy tham vọng này bởi lượng vốn đổ vào lớn, cổ tức của cổ đông được giữ lại để triển khai dự án, trong khi đó rủi ro khá nhiều.

Bởi, mặc dù là doanh nghiệp thống trị thị trường thép miền Bắc, nhưng ở phía Nam, Hòa Phát đang bị cạnh tranh rất mạnh bởi đại gia thép của Nhật Kyoei. Kyoei vừa chiếm thêm 4% thị phần sản lượng tiêu thụ phôi và thép toàn quốc nhờ việc mua lại CTCP Thép Việt Ý và đang tiến sát vị trí số một của HPG.

Điều đáng lo ngại là mảng phân phối của Kyoei rất mạnh với sự đóng góp của nhà phân phối thép chuyên nghiệp Thái Hưng tại miền Bắc và SMC ở miền Nam. Thái Hưng hiện tại vẫn liên minh với Kyoei ở thị trường thép miền Bắc.

Còn với HVG, kế hoạch tỷ USD đã tan vỡ hoàn toàn. Giấc mộng ông trùm thủy sản giờ trở thành một hiện thực đáng buồn, với nợ nần, thua lỗ và bán tháo tài sản.

Khi TTCK bùng nổ, khả năng huy động vốn trong và ngoài nước dễ dàng, giấc mơ của các đại gia trở nên to lớn hơn. Tuy nhiên, mỗi một kế hoạch to lớn mà không vững chắc, có nguy cơ khiến các cổ đông mất tiền.

Tác giả: M. Hà

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP