Trong nước

Tham nhũng chính sách ngày càng nhiều!

Để phòng chống tham nhũng, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu là phải kiểm soát quyền lực, sau đó phải xử lý tận gốc tham nhũng chính sách

Tại Hội thảo "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí" khu vực phía Nam do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức tại TP HCM ngày 6-8, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, nói rằng để làm tốt công tác phòng chống tham nhũng cần phải kiểm soát quyền lực.

Bản chất của tham nhũng là những người có chức vụ và quyền hạn lạm dụng quyền lực để vụ lợi. Do đó, kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí thì nhất thiết phải kiểm soát được quyền lực. Theo đó, cần có cơ chế giám sát ngay hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, lãng phí trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng. Đẩy mạnh công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Việc xử lý vi phạm không loại trừ bất cứ ai, nếu có hành vi tham nhũng.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, nói rằng để làm tốt công tác phòng chống tham nhũng cần phải kiểm soát quyền lực.

Sau khi kiểm soát được quyền lực thì phải xử lý tận gốc tham nhũng chính sách. Bởi ông Hậu cho rằng tham nhũng chính sách được đặt ra trong trường hợp một bộ phận xã hội, phổ biến nhất là các nhà đầu cơ, mưu cầu lợi ích riêng cho mình hoặc lợi ích nhóm bằng cách móc nối với những cá nhân, tổ chức có thẩm quyền soạn thảo, ra quyết định thông qua chính sách, để nhà nước đưa ra chính sách có lợi cho họ, bất chấp lợi ích chung.

Ông Hậu đưa ra ví dụ: Luật Đất đai hiện đang là một dấu chấm hỏi lớn về tham nhũng chính sách, khi các quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội không rõ ràng, nhất là quy định về giá thu hồi đất. Giá thu hồi rất thấp, nhất là đất nông nghiệp, trong khi đó, nhà đầu tư bất động sản, xây dựng nhà cửa thì bán với giá cao hơn rất nhiều lần, lợi nhuận rất cao.

Ông Hậu cảnh báo: Tham nhũng chính sách dẫn tới việc kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra sự méo mó, cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến độc quyền gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. "Cần thay đổi tư duy quản lý và nhận thức về vai trò của chính sách, pháp luật. Khi đưa ra chính sách thì phải lường trước được hệ quả và không để các nhà đầu cơ tác động lên chính sách và làm sai lệch chính sách. Bên cạnh đó, phải nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, phản biện trong quá trình xây dựng, quyết định và thông qua chính sách" - luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.

Cuối cùng ông Hậu cho rằng trong công tác phòng chống tham nhũng cần nâng cao vai trò của quần chúng nhân dân; kiểm soát tài sản, thu nhập, nhất là cơ quan thanh tra; tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phải có phương án xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý. Đặc biệt, phải phát huy vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng.

Tác giả: Trường Hoàng

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

  Từ khóa: chính sách ,tham nhũng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP