Kinh tế

Tập đoàn Điện lực liên tục lỗ nghìn tỷ: Bắt bệnh "độc quyền"

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cần có sự kiểm soát chặt đối với chi phí hợp lý đối với tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, khi doanh nghiệp liên tục chịu lỗ hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Liên tục kêu lỗ

Trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa qua, Thứ trưởng bộ Công Thương cho biết, tổng doanh thu bán điện năm 2017 của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 289.954 tỷ trong đó chi phí sản xuất là 291.278 tỷ đồng, như vậy kinh doanh điện đang bị lỗ 1.324 tỷ đồng.

Tuy nhiên, EVN có thêm một số khoản thu nhập như tiền gửi ngân hàng, cổ tức, lợi nhuận mà EVN có hợp tác, liên doanh trong ngành điện. Ngoài ra năm 2017, EVN có khoản chênh lệch tỉ giá 5.117 tỷ đồng. Khi cộng tất cả nguồn thu và chi của năm 2017 thì EVN lỗ tới 2.219 tỷ đồng.

Trước đó, giai đoạn 2014 - 2016, EVN cũng liên tục báo lỗ, một phần vì chi phí sản xuất lớn, một phần vì lỗ do chênh lệch tỷ giá. Riêng trong năm 2016, theo thông tin từ bộ Công Thương, doanh thu bán điện của EVN đạt 265.510 tỷ đồng, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 lỗ 593,46 tỷ đồng.

Năm 2017, Tập đoàn điện lực Việt Nam lại lỗ hơn 2.200 tỷ.

Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: "Đây là bệnh của kinh doanh sản phẩm độc quyền. Khi độc quyền họ luôn muốn tăng giá để tăng lợi ích, như lần trước, sau khi báo lỗ, EVN đã đề xuất tăng giá điện 12% rồi rút dần xuống".

Vị chuyên gia cho rằng: "Với khoản lỗ hơn 2.219 tỷ của EVN trong một năm, cơ quan chức năng Nhà nước cần có sự kiểm tra xem xét kỹ việc thua lỗ này là nguyên nhân khách quan, hay chủ quan. Để từ đó đưa ra sự can thiệp điều chỉnh phù hợp. Việc thua lỗ nếu do nguyên nhân khách quan thì có thể chấp nhận, với nguyên nhân chủ quan thì không chấp nhận được, đã là do nguyên nhân chủ quan thì không thể lấy đó làm lý do để tăng giá sản phẩm", ông Long nhấn mạnh.

"Để kiểm soát các chi phí hợp lý, Nhà nước phải điều chỉnh giá vừa đảm bảo sự tồn tại của doanh nghiệp vừa đảm bảo lợi ích người dân. Việc kiểm soát chi phí là điều cực kỳ quan trọng, ví dụ một người nhà nghèo được bố mẹ cho 50.000 đồng thì chỉ mua sắm trong giới hạn đó, nếu mua lên tăng thêm 1.000 đồng, là chi phí đã phát sinh", vị chuyên gia bình luận.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long.

"Việc chênh lệch tỷ giá dẫn đến thua lỗ của EVN là nguyên nhân khách quan. Bởi đơn vị này phải vay ngoại tệ để mua sắm; máy móc, than, dầu khí từ quốc tế thì phải theo giá quốc tế. Nhưng cần xác định, con số cộng dồn qua các năm phải bù lỗ của EVN lên tới 10.000 tỷ là con số rất lớn, nên dù là nguyên nhân khách quan, thì với số tiền lớn như vậy cũng phải phân bổ theo từng thời kỳ, để điều chỉnh bù giá cho hợp lý", vị chuyên gia bổ sung.

Đồng ý với phân tích trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định: "Theo báo cáo của EVN thì họ đang lỗ, nhưng hiện chưa có cơ quan kiểm toán độc lập nào kiểm toán con số đó. Giải pháp tăng giá điện lên để bù lỗ nhưng nhiều lần rồi tới nay vẫn chưa bù được.

Rõ ràng ngành điện cần phải điều chỉnh sản xuất và quản lý để nâng cao tính hiệu quả. Sau nhiều lần kêu lỗ, nhưng đến nay vẫn chưa thấy một quyết sách cụ thể nào để giải quyết bài toán này".

"Để thiếu điện, một số đồng chí phải mất chức"

Cũng trong ngày 3/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ bức xúc khi lãnh đạo EVN cho biết có thể xảy ra nguy cơ thiếu điện ngay đầu năm 2019, do một số nhà máy nhiệt điện thiếu than.

Thủ tướng cho biết ngay từ đầu nhiệm kỳ, ông đã có nhiều cuộc họp, có nhiều giải pháp để bảo đảm cung cấp đủ nguồn điện đến sau năm 2020, bởi nếu nền kinh tế thiếu điện sẽ gây ra tác động khôn lường. Thủ tướng bày tỏ thái độ cương quyết nếu để mất điện, một số người phải mất chức.

“Tôi đã nói rất nhiều lần rồi, nếu như mất điện, một số đồng chí phải mất chức. Thái độ chúng ta phải cương quyết. Tôi đã viết rất nhiều thư cho các đồng chí có liên quan về việc chuẩn bị điện ngay từ đầu năm. Tập thư mà tôi viết còn rất nhiều về những chỉ đạo này”, ông nói.

Thủ tướng cho rằng bộ Công Thương, EVN phải xem lại chỉ đạo của mình ra sao khi để xảy ra tình trạng đe dọa cắt điện trong thời gian tới.

Về kịch bản điều hành giá điện, bộ Công Thương cho biết đã thực hiện nghiêm túc việc không xem xét, đề xuất điều chỉnh tăng giá điện nhưng việc xây dựng kịch bản giá điện năm 2019 thì sẽ thực hiện theo Quyết định 24/QĐ-TTg và kế hoạch cung cấp điện năm 2019 do bộ Công Thương ban hành.

Hiện Bộ này đưa ra 4 kịch bản tương ứng tăng trưởng phụ tải cao và tăng trưởng bình thường, 2 kịch bản tương ứng lượng nước về hồ thuỷ điện bình thường và về ít hơn trung bình nhiều năm.

Bộ Công Thương sẽ xem xét kỹ và xây dựng kịch bản giá điện năm 2019 theo đúng quy định và có xem xét tác động của việc điều chỉnh giá điện. Sau khi EVN xây dựng phương án, bộ Công Thương sẽ phối hợp với bộ Tài chính để thẩm tra, thẩm định; phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá ảnh hưởng các kịch bản điều chỉnh giá điện lên tốc độ tăng trưởng, GDP, chỉ số CPI, ảnh hưởng đến chi phí của các khách hàng lớn và các hộ sinh hoạt.

Dự kiến, bộ Công Thương sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá kịch bản điều hành giá điện năm 2019 trong tháng 12/2018. Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, bộ Công Thương sẽ xem xét hoàn chỉnh các kịch bản điều hành giá điện để báo cáo Chính phủ.

Hiện giá điện bán lẻ bình quân đang là 1.720 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT). Lần tăng giá điện gần nhất là đầu tháng 12/2017 với mức tăng 6,08%.

Tác giả: Đặng Thủy

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP