Trong tỉnh

Tận thấy nhiều ha rừng ở Nghệ An bị tàn phá tan hoang (Kỳ 1)

Chỉ chưa đầy 1 tháng, hàng trăm cây gỗ trên diện tích hơn 2 hecta tại tiểu khu 996, Khu vực Đèo Móc, xã Thanh An, huyện Thanh Chương đã ngang nhiên bị chặt phá khiến cả khu rừng tan hoang, trơ trọi.

Vừa chặt cây rừng... vừa mở đường

Thời gian qua, Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử liên tục nhận được phản ánh của người dân xã Thanh An, huyện Thanh Chương (Nghệ An) về việc hộ dân tại Tiểu khu 996 lợi dụng việc giao khoán bảo vệ, tiếp tục chặt phá nhiều héc ta rừng giữa ban ngày mà không bị xử lý triệt để.

Được sự hướng dẫn từ một số người dân, sau nhiều giờ đồng hồ men theo các quả đồi và rừng rậm. Nhóm PV đã tiếp cận được đến khu rừng vừa bị chặt phá chỉ cách đây ít ngày, hàng trăm cây chỉ còn trơ lại gốc, nhiều dấu vết gỗ cưa còn rất mới.

Một số cây vừa chặt hạ chưa kịp lấy đi, nhánh cây và ngọn còn xanh nằm chỏng chơ trên mặt đất.

Sau nhiều giờ đồng hồ đi đường rừng, nhóm PV đã tìm được đến nơi mà khu rừng bị tàn phá.

Trong khu rừng xuất hiện con đường tự mở với nhiều vết hằn rất mới của bánh xe tải như vừa vận chuyển gỗ tuồn ra ngoài. Con đường này xuyên dọc bao quanh cả khu rừng như được dùng máy xúc san phẳng, chặt phá đến đâu thì có đường mở đến đó để vận chuyển…

Tiếp tục đi sâu vào trong là cảnh chặt phá trơ trọi, tan hoang của một khu rừng. Một số cây vừa mới đốn hạ được các đối tượng dùng đất chôn lấp hoặc lấy cành tấp lên có đường kính khoảng 40-60cm gồm: cây Ràng ràng, Trín, Dẻ, Lành ngạnh,… nhiều gốc bị đào lấp dưới nền đường hoặc đốt, qua quan sát có tới hàng trăm cây gỗ đã chặt phá. Đặc biệt, nhiều cây to đã bị róc lẻm ở phần thân khiến cho cây đã bị chết.

Nhiều cây gỗ bị đốn hạ chỉ còn lại gốc trơ trọi.

Ông T, một người dân dẫn đường chúng tôi đi cùng bức xúc nói: “Tình trạng này đã diễn ra từ rất lâu rồi, nhưng xã và kiểm lâm chỉ cho cán bộ kiểm tra qua loa rồi sự việc mô lại lại vô đó. Ra tết giờ họ đưa người vào đây chặt phá rầm rầm từ hôm 26/02/2020 cho đến nay. Người dân chúng tôi bức xúc lắm.”

“Mấy ngày trước, khi chưa bị người dân báo chính quyền thì nhiều xe công nông và ô tô chở gỗ vẫn ngang nhiên qua lại trước trạm kiểm lâm để tuồn ra ngoài”, ông T nói thêm.

Được biết, năm 2003 UBND tỉnh đã thu hồi một số diện tích đất của Lâm trường Thanh Chương (Nay là BQL rừng phòng hộ) trả về cho xã Thanh An quản lý.

Theo ông Nguyễn Cảnh Nam – Chủ tịch xã Thanh An cho biết: “Chúng tôi mới tiếp nhận giai đoạn sau, xã cũng ghi nhận tình trạng khai thác keo và chặt phá một số rừng cũng có, đối với tiểu khu 996 có giao cho hộ ông Lê Văn Vân trú tại Khối 4, TT. Dùng với diện tích hơn 9ha. Vừa rồi người dân có phản ánh lên xã và cho anh em lên kết hợp với lực lượng Kiểm lâm lên kiểm tra. Việc khu rừng này vừa bị chặt phá là có thật.

Đối với anh Vân trước đó cũng bị xử phạt về việc khai thác rừng trái phép. Sau khi xử phạt và nạp tiền phạt xong họ lại chứng nào tật nấy tiếp tục khai thác. Vấn đề này xã cũng rất đau đầu”.

Một gốc cây gỗ Trín bị đốn hạ có đường kính hơn 60 cm.

Khi được hỏi về quá trình vận chuyển, ông Nam cho biết “họ không đi qua địa bàn xã mà đi qua địa bàn xã Thanh Hương, về biên bản kiểm tra hôm 13/3 vừa rồi, thì bên kiểm lâm giữ, còn xã về làm báo cáo gửi lên huyện”.

Phẫn nộ trước tình trạng khu rừng bị chặt phá ngang nhiên, một người dân xã Thanh An nói: "Họ chặt phá giữa ban ngày và diễn ra trong thời gian dài, mặc dù có Trạm kiểm lâm ở gần đây, xe vận chuyển gỗ đi qua đó mà không hề bị ngăn cản, xử lý.

Mới đây, sáng ngày 13/03, sau khi phát hiện bọn họ tiếp tục khai thác gỗ trái phép, chúng tôi nhanh chóng báo lên xã và kiểm lâm để sớm vào rừng ngăn chặn kịp thời hành động phá rừng trên.

Tuy nhiên mãi đến chiều tối, khi họ chặt phá và vận chuyển hết số gỗ ra ngoài thì mới có xã và kiểm lâm lên kiểm tra. Trong lúc đó, trạm kiểm lâm chỉ cách nơi khai thác chỉ 4km”.

Huyện nói chưa biết và chỉ PV sang làm việc với kiểm lâm

Đưa vấn đề trên trao đổi với ông Lê Đình Thanh – Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, ông Thanh cho hay: “Tình trạng này huyện chưa biết và cũng chưa nắm rõ được sự việc như thế nào vì chưa thấy bên Kiểm lâm báo sang, liên quan đến việc bảo vệ rừng là trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm.

Tuy nhiên nếu hạt làm không tốt thì huyện sẽ báo cáo xuống Chi cục kiểm lâm, và Sở NN&PTNT Nghệ An, các anh cứ sang làm việc với Hạt kiểm lâm”.

Nhiều loại cây bị đốn hạ như Trín, Dẻ, Lành nghạnh, ràng ràng,... màu còn rất mới.

Nhóm PV tiếp tục tìm đến Hạt Kiểm lâm Thanh Chương thì được ông Nguyễn Hữu Thắng – Hạt trưởng cho biết: “Cuối năm ngoái chúng tôi có ra quyết định xử phạt 35 triệu đối với bà Hiền về hành vi phá rừng, đối với diện tích khi họ khai thác có lấn sang rừng tự nhiên nghèo kiệt. Còn về việc chặt phá rừng ở tiểu khu 996 thì do lực lượng trên trạm quá mỏng, ngày 13/3, nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi đã phối hợp với xã lên kiểm tra”.

Khi PV hỏi về con đường tự mở ô tô đi được xung quanh khu đồi bị chặt phá đó thì ông Thắng cho rằng con đường này là do người dân mở để chở keo.

Một đoạn đường tự mở được dùng để vận chuyển gỗ ra ngoài.

Tuy nhiên, trên thực tế mà phóng viên ghi nhận thì khu rừng này không trồng keo, nơi trồng keo là nơi khác nằm phía ngoài, cách khu rừng bị chặt phá chừng 2km.

Kỳ 2: Sự thật về con đường người dân mở chở keo hay lâm tặc vô tư mở để chở gỗ lậu?

Tác giả: Nguyễn Thưởng - Thanh Phương

Nguồn tin: Báo Môi trường & Đô thị

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP