Giáo dục

Tân sinh viên, phụ huynh lo sốt vó đóng tiền đầu năm học

Theo thông báo nhập học dành cho thí sinh trúng tuyển, hầu hết các trường đều thu nhiều khoản bắt buộc bao gồm: học phí tạm tính, bảo hiểm y tế, khám sức khỏe,…từ vài triệu tới vài chục triệu đồng.

Đóng cả chục triệu, phụ huynh...lo lắng?

Tại Trường Học viện Ngân hàng, sinh viên phải đóng nhiều khoản phí và lệ phí khác nhau.

Một sinh viên năm thứ nhất trường Học viện Ngân Hàng cho biết, phải tới ngày 18/10 tới nhà trường mới thông báo thời khóa biểu năm học mới tới sinh viên. Tuy nhiên, ngay sau khi nhập học từ cuối tháng 9, em đã phải đóng 29.788.000 đồng gồm các khoản như: học phí học kỳ 1 năm học 2021-2022 là 28.788.000 đồng là nhiều nhất.

Ngoài ra, em phải đóng các khoản khác như: phí nhập học 80.000 đồng; phí khám sức khỏe đầu khóa: 240.000 đồng; sổ tay sinh viên: 30.000 đồng; túi hồ sơ in sẵn: 15.000 đồng; Phí làm thẻ và dây đeo sinh viên: 15.000 đồng; Phí bảo hiểm y tế bắt buộc là 704.000 đồng.

Theo thông báo nhập học của Trường ĐH Y Hà Nội, sinh viên phải đóng các loại phí và lệ phí khác nhau. Các tân sinh viên phải đóng tạm 8.327.000 đồng gồm tiền học phí và tiền bảo hiểm.

Theo thông báo của trường Đại học Hà Nội, các tân sinh viên phải đóng 10.505.000 đồng gồm tiền học phí tạm thu và tiền bảo hiểm y tế và bảo hiểm thân thể.

ĐH FPT thu của sinh viên năm nhất với số tiền hơn 15 triệu trong đó phí ghi danh là 4.600.000 đồng; phí tuyển sinh là 100 nghìn đồng; khoản học phí tiếng Anh là hơn 11.000.000 đồng.

Không chỉ các loại phí như trên, nhiều trường đại học còn thu các loại phí như lệ phí kiểm tra tiếng Anh và tin học, phí sử dụng thư viện toàn khóa, phí làm hồ sơ và thẻ ký túc xá, phí trả chuyển phát nhanh hồ sơ trúng tuyển,…

Chị Nguyễn Thị Dương (Hoài Đức, Hà Nội) có con vừa đỗ vào khoa Kế toán (hệ liên kết) của Học viện Ngân hàng năm nay chia sẻ, chị khá lo lắng khi mới nhập học nhà trường đã thu luôn tiền học kì một và nhiều khoản khác lên tới gần 30 triệu đồng.

Theo chị Dương, 30 triệu với gia đình khá giả thì không vấn đề gì nhưng với gia đình làm công ăn lương như nhà chị thì khá khó khăn.

“Quả thực khi con chọn xét tuyển vào ngành, vào trường là biết trước học phí hàng năm hơn 70 triệu đồng nhưng vừa nhập học đã phải đóng một cục lớn nên không khỏi choáng”- chị Dương chia sẻ.

Chị Đỗ Thị Dung, có con vừa đỗ khoa Ngôn ngữ Anh của trường Đại học Hà Nội cho biết, chị đóng đầu năm cho con với khoản học phí (tạm thu) và vài khoản khác đã hơn 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo vị phụ huynh này, không chỉ phí đầu năm của nhà trường mà còn phải biết bao chi phí khác khi con đi học như phương tiện đi lại, máy tính... Không những thế, chị cũng đã phải đi tìm nhà trọ, đóng tiền cọc để khi nhà trường dạy học trực tiếp con có chỗ ở luôn.

“Hai vợ chồng tích cóp được 50 triệu để cho con học đại học vậy mà mới chi mấy khoản đã gần hết. Đúng là tiền học đại học bây giờ cao, con cái ăn uống, ở trọ chi phí cũng nhiều hơn, khác xa thời chúng tôi”- chị Dung nói.

Sinh viên được vay vốn học tập tới 4 triệu đồng/tháng?

Để tiếp tục hỗ trợ cho sinh viên, mới đây, Bộ Tài chính đã soạn dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 21/9 /2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.

Theo dự thảo này, sẽ tăng số tiền cho vay học tập tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người học (thay vì 2,5 triệu đồng/người theo mức được điều chỉnh năm 2019).

Bộ Tài chính cũng cho biết, tỷ lệ học sinh, sinh viên có nhu cầu vay vốn từ 10% – 15% số lượng nhập trường hàng năm. Tổng số học sinh, sinh viên có việc làm sau khi ra trường, chiếm tỷ lệ 68%, mức thu nhập trung bình là 6 triệu đồng/người/tháng.

Nhiều trường hỗ trợ sinh viên

Trường ĐH Ngoại thương đã có quyết định hỗ trợ sinh viên hệ đại học chính quy các khóa từ K59 trở về trước, đang học tập tại trường (xét theo năm học 2021-2022) trong mùa dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, trường tiếp tục không tăng học phí; Hỗ trợ số tiền tương đương 7% học phí phải nộp học kỳ 1 năm học 2021-2022 đối với sinh viên đại học chính quy không thuộc diện miễn giảm học phí, số tiền này được giảm trừ trực tiếp vào học phí của học kỳ 1 năm học 2021-2022.

Đối với sinh viên thuộc diện miễn, giảm học phí và hỗ trợ kinh phí học tập: Ngoài việc được hưởng chế độ miễn, giảm theo quy định còn được Nhà trường hỗ trợ thêm 500.000 đồng/sinh viên.

Với sinh viên có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 sẽ có các mức hỗ trợ tương đương 100%, 70%, 50%, 30% học phí căn cứ theo hồ sơ và các minh chứng, xác nhận.

Ngoài ra, nhà trường có hình thức cho vay vốn tín dụng với lãi suất cho vay là 0% trong thời gian học tập.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã công bố triển khai gói hỗ trợ người học trị giá 25 tỉ đồng với chương trình giảm 5% học phí học kỳ giữa, học kỳ cuối 2021 cho người học và 1.000 suất học bổng hỗ trợ người học bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Gói hỗ trợ này dành cho người học ở tất cả các bậc, hệ đào tạo.

Tương tự, ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết sẽ trao 300 suất học bổng (5 triệu đồng/suất) cho sinh viên các trường, đơn vị thành viên gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và chương trình cho sinh viên vay ưu đãi lãi suất 0%.

Theo Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính và giao Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu về gói tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên mua máy tính học online.

Trước đó, ngày 30/9, Bộ Tài chính có báo cáo Thủ tướng về gói tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị học tập phục vụ học trực tuyến. Mức cho vay được đề xuất tối đa là 7 triệu đồng trên một học sinh, sinh viên.

Tác giả: Đỗ Hợp

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP