Xã hội

Tai nạn thảm khốc: ‘Đánh phủ đầu’ tiêu cực, lập đội test nhanh ma túy

Giải pháp chính để giảm thiểu tai nạn là kiểm soát chất lượng đào tạo và thi bằng lái, ngăn chặn hành vi sử dụng chất kích thích của lái xe.

Từ bài viết “Giảm tài xế 'xe điên' gây tai nạn thảm khốc: 5 việc làm ngay", số đông độc giả bày tỏ đồng tình với 5 giải pháp tác giả nêu, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng đó mới chỉ là lý thuyết, chưa phải là cái gốc để giảm thiểu những vụ tai nạn thảm khốc.

Lỗ hổng từ khâu đào tạo lái xe?

Bạn đọc Samsung Nguyễn nêu ví dụ từ bản thân sau khi đi thi bằng B2 có những vấn đề bất cập: Một là có khâu khám sức khoẻ nhưng trung tâm chỉ thu tiền và bỏ qua?

Thứ hai là sách học 450 câu rất cũ, có những điều, những biển báo không có trong sách.

Thứ ba là học viên có thể tự thi sát hạch nhưng có thể "máy thi" nếu đóng tiền trọn gói lý thuyết.

Thứ tư khi thi sát hạch mặc dù là chính người đó cầm vô lăng nhưng cũng có thể nhận được sự "giúp đỡ" từ những người bên ngoài nếu đóng thêm tiền "bao đậu”.

Bạn đọc San Le Van và một số độc giả đề xuất bổ sung thêm giải pháp thứ 6, kiểm soát ngay từ khâu đầu tiên là thi bằng lái xe.

Cụ thể, đối với cơ sở đào tạo lái xe, cần thực hiện nghiêm nội dung chương trình, nâng cao chất lượng giáo viên đặc biệt là giáo viên lý thuyết. Nếu học viên được đào tạo mà gây tai nạn trong thời gian 3 năm kể từ ngày tốt nghiệp thì cơ sở đào tạo phải chịu trách nhiệm liên đới.

Với cơ quan quản lý đào tạo, cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc dạy và học đã đúng, đủ nội dung chương đào tạo chưa? Phương pháp kiểm tra giám sát đúng chưa? Công tác tổ chức thi tốt nghiệp cấp chứng chỉ nghề và giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo lái xe đã phù hợp chưa? Khách quan chưa? Nghiêm túc chưa?

Với cơ quan tổ chức sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX): Cơ quan nào quản lý không quan trọng mà quan trọng là công tác tổ chức sát hạch, chất lượng các kỳ sát hạch cấp giấy phép lái xe đã thực sự công bằng, minh bạch, chính xác chưa?

Một số ý kiến khác chung quan điểm xử phạt nặng đối với tổ chức, cá nhân nào mua, bán "bằng lái giả" cho các tài xế không qua học lái xe và không thi sát hạch nếu bị phát hiện.

Nhiều bạn đọc cho rằng cần kiểm soát ngay từ khâu đầu tiên đào tạo và thi bằng lái

Bạn đọc Lan Hoa cho rằng, hầu hết người gây tai bạn đều có bằng lái, vấn đề là đạo đức người lái. Bằng thì học trong 1 tháng là có nhưng đạo đức người lái thì phải dạy lâu dài.

Bạn đọc Lê Hoàng thì chỉ ra các điểm cần lưu ý trong quá trình thi lấy bằng: Việc dạy gì thì luật đã có khá đầy đủ, vấn đề sau khi học như không hoặc biết mà vẫn vi phạm, chủ quan. Việc sát hạch quy định cũng đã rõ, quy định vẫn chỉ là quy định, quan trọng là có tiêu cực trong thực thi.

Lập đội test nhanh ma túy trên đường

Qua các vụ tai nạn “xe điên” cán chết người, bạn đọc Truong nêu thực tế vấn đề phần lớn do con người (uống rượu, dùng chất kích thích,...) chứ không hoàn toàn nằm ở sát hạch.

Nêu ra điểm bất cập trong 5 giải pháp của tác giả Nguyễn Thành Lập, bạn đọc Phạm Kiên cho rằng những giải pháp chủ yếu quy kết từ người lái xe, chưa quan tâm xem người lái xe có vất vả không, có làm việc quá sức không, có căng thẳng hay áp lực không, dẫn đến việc họ sử dụng ma túy, chất kích thích trong quá trình làm việc.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn của tài xế. Ảnh: Nhị Tiến

Bạn đọc Thân đưa giải pháp xe container chủ yếu là của doanh nghiệp kinh doanh vận tải nên nếu xảy ra tai nạn mà lái xe dương tính các chất gây nghiện thì cấm công ty kinh doanh 1 năm, chắc là tự bản thân công ty sẽ làm nghiêm.

Bạn đọc Việt, Dinh Nguyen có ý kiến nên điều chỉnh luật và lập 1 lực lượng kết hợp với CSGT được quyền lấy mẫu nước tiểu, mẫu máu của bất kỳ tài xế nào đang lưu thông trên đường. Nếu có thiết bị test nhanh ma túy thì càng tốt còn không thì niêm phong mẫu lại ghi rõ tên tuổi, số CMND, số bằng lái của tài xế lên mẫu và gửi đi giám định sau đó. Nếu tài xế nào vi phạm sử dụng ma túy khi điều khiển xe thì tùy mức độ có thể xẻ phạt, tước bằng.

Tác giả: Thành Nam

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP