Nhân ái

Tai họa dồn dập, mẹ nghèo đau đớn chăm con chấn thương sọ não, em tâm thần

Dù bị bệnh phổi nhưng gần 10 năm qua, sau khi chồng mất vì đột quỵ, bà Nga ngày ngày phải gồng mình chăm lo người con trai độc nhất bị chấn thương sọ não và em gái tâm thần.

Tai họa dồn dập

Tìm về xóm 2, thôn Bình An 2, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định), hỏi thăm nhà bà Huỳnh Thị Kim Nga (62 tuổi), ai cũng biết gia đình hoàn cảnh vô cùng bi đát.

Suốt gần 10 năm trôi qua, nhưng bà Nga vẫn bị ám ảnh về những ngày tháng kinh hoàng đó. Bởi hết nỗi đau chồng mất, rồi đến người con trai độc nhất bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não. Khi người con trai đang nằm thực vật thì căn nhà nhỏ đã xuống cấp cũng bị gió bão giật sập.

Chồng mất, bà Nga phải gồng mình chăm con bị chấn thương sọ não và em gái bị tâm thần từ nhỏ.

Bà Nga kể, năm 2012, chồng bà mất trong một cơn đột quỵ. Người con độc nhất là anh Nguyễn Hoàng Can, lúc ấy mới 20 tuổi phải gác lại học tập, từ bỏ ước mơ trở thành kỹ sư điện để lao vào cuộc mưu sinh, thay cha gánh vác gia đình.

Thế nhưng số phận nghiệt ngã một lần nữa ập đến, một ngày cuối tháng 8/2014, trên đường đi làm công nhân tại Khu Công nghiệp Phú Tài về đến gần nhà, Can gặp tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não.

Qua nhiều lần phẫu thuật, các bác sỹ đã phải lấy hộp sọ anh ra ngoài nuôi não 3 tháng, sau đó mới cấy ghép nhân tạo để giữ mạng sống cho Can.

Bữa cơm trưa còn thừa để lại buổi tối ăn tiếp của mẹ con bà Nga và người em gái bị tâm thần.

"May mắn, ông trời thương cho con tôi giữ được mạng sống, nhưng giờ mất khả năng lao động, chân tay teo tóp. Mọi sinh hoạt cá nhân, con không tự làm được, phải một tay tôi lo hết", bà Nga ngậm ngùi.

Từ chỗ là lao động chính trong gia đình sau khi cha mất, vụ tai nạn giao thông khiến người con trai "lực bất tòng tâm". Mọi gánh nặng lại đè lên vai người mẹ nghèo cả một đời tần tảo. Trong khi đó, bản thân bà Nga cũng bị bệnh phổi, sức khỏe ngày một yếu đi khi tuổi càng lớn.

"Gần nửa người bên phải của tôi đều bị ảnh hưởng nặng, chân tay teo tóp, mắt mờ chẳng thấy. Nhiều khi đang đi vệ sinh mà đầu đau dữ dội rồi ngã cái đùng. Giờ đây không những không giúp được mẹ và dì mà tôi còn là gánh nặng của mẹ", Can nói trong bất lực.

Cũng trong năm Can bị nạn, căn nhà nhỏ đã xuống cấp của gia đình bị sập hoàn toàn do bão dữ. Hàng xóm thương tình giúp dựng đỡ mấy tấm tôn che mưa nắng để gia đình bà sống qua ngày. Những ngày tháng đó, bà Nga ngoài phải nuôi Can sau tai nạn, còn phải chăm lo đứa em gái bị tâm thần từ nhỏ khiến sức lực, tinh thần của bà gần như kiệt quệ.

Gần 10 năm gồng gánh làm không đủ tiền lo thuốc men và trả nợ

Trong căn nhà nhỏ được nhà nước hỗ trợ xây dựng lại sau đợt bão năm ấy, gia tài lớn nhất có lẽ là chiếc giường bằng gỗ được một nhà hàng xóm cho lại, khi thấy hai mẹ con bà dù đang bệnh nhưng phải kê ván nằm dưới nền nhà.

Bà Huỳnh Thị Kim Nga bản thân mang trong mình bệnh phổi nhưng hàng ngày phải gồng gánh để chăm lo cho em gái tâm thần và con bị chấn thương sọ não.

Bà Nga chia sẻ, từ ngày con bị tai nạn, số tiền hàng trăm triệu đồng tích góp đều dồn hết vào để cứu lấy sự sống cho con nhưng chừng đó chẳng thấm vào đâu. Bà Nga vay ngân hàng theo diện hộ nghèo 50 triệu đồng và số tiền ấy cũng chỉ như muối bỏ biển nên bà phải mượn thêm hàng xóm gần 40 triệu đồng.

"Nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng xây nhà, nhưng năm ấy bao tiền tích góp, vay mượn đều lo hết vào việc chữa trị bệnh cho con. Tiền chẳng có tôi phải đi khắp nơi nhặt từng viên gạch, đá cũ của các nhà dân bỏ đi về tận dụng xây nhà", bà Nga nói.

Theo bà Nga, hiện mỗi tháng bà phải chi hơn 1 triệu đồng để mua thuốc trị mờ mắt, teo chân, duy trì cuộc sống cho con trai. Còn người em gái bị tâm thần hàng tháng cũng tốn hơn 1 triệu đồng tiền thuốc, vì không có thuốc sẽ lên cơn, co giật, chửi bới... Trong khi đó, số tiền nhà nước hỗ trợ mỗi tháng được gần 1,1 triệu đồng.

Anh Can - con trai bà Nga - giữ được mạng sống nhưng cũng không làm gì phụ giúp người mẹ nghèo khốn khổ.

"Mọi sinh hoạt của em gái và con trai, từ nấu ăn, giặt quần áo, tắm rửa đều một tay tôi lo liệu. Những lúc rảnh ai gọi gì thì làm đó, chủ yếu là phụ người ta làm ruộng, cắt cỏ. Giờ kiếm được đồng nào hay đồng đó vì tiền thuốc men, ăn uống ngày một cao. Tôi chỉ mong có sức khỏe, chứ giờ mà đau nằm xuống thì không biết con và em gái tôi sẽ sống sao", bà Nga xót xa.

Theo bà Nga, gần 10 năm rồi nhưng số tiền 50 triệu vay hộ nghèo vẫn chưa trả được. Còn tiền vay hàng xóm 40 triệu đồng, bà chỉ mong họ thông cảm để bà làm rồi trả nợ dần dần.

Lúc rảnh, bà Nga ai kêu gì làm nấy kiếm rau cháo cho 3 miệng ăn qua ngày.

Ông Nguyễn Thành Đạt - Chủ tịch UBND xã Phước Thành cho biết: "Bà Nga thuộc diện hộ nghèo ở địa phương, hoàn cảnh gia đình bà rất khó khăn, ở đây ai cùng biết. Số tiền vay 50 triệu đồng của bà Nga cũng sắp đến ngày đáo hạn. Tuy vậy, địa phương cũng là một xã nghèo, không thể hỗ trợ gì nhiều cho gia đình bà ngoài những chính sách của nhà nước cho hộ nghèo cả. Hy vọng những tấm lòng hảo tâm, những mạnh thường quân trên cả nước chung tay giúp đỡ gia đình bà Nga vượt qua khó khăn trước mắt".

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về

Bà Huỳnh Thị Kim Nga

Địa chỉ: Xóm 2, thôn Bình An 2, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

ĐT: 0348.760.906

Tác giả: Doãn Công

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP