Kinh tế

Sử dụng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc nông sản

Chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh (smartphone), người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin chi tiết về sản phẩm, cơ sở sản xuất và cơ sở phân phối, giấy tờ chứng nhận liên quan đến sản phẩm và phản hồi ý kiến tới cơ quan quản lý và doanh nghiệp...

Minh bạch thông tin sản phẩm

Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội vừa tổ chức hội nghị triển khai hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho cơ sở sản xuất và nông sản thực phẩm an toàn. Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Chí -Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, việc ứng dụng hệ thống này sẽ giúp minh bạch thông tin sản phẩm, tăng cường công tác quản lý chất lượng nông sản, đồng thời ngăn chặn hàng giả, hàng nhái.

Người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc nông sản. Ảnh: H.L


Cụ thể, cũng tại hội nghị, PGS-TS Lê Sỹ Vinh, người đại diện giới thiệu về phần mềm hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho biết, do người tiêu dùng không thể phân biệt được dòng sản phẩm nào tốt hay không, nguồn gốc có rõ ràng? Những thông số qua mã code, mã vạch chỉ cung cấp tên sản phẩm còn thông tin về giấy chứng nhận, quy trình sản xuất, lịch sử... của sản phẩm, người tiêu dùng hoàn toàn không được cung cấp. Từ đó không thể đưa ra ý kiến, phản hồi với nhà sản xuất.

Theo đó, đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, phần mềm quản trị này phục vụ 3 nhóm đối tượng- người tiêu dùng, nhà quản lý và doanh nghiệp.

Cụ thể, người tiêu dùng khi sử dụng điện thoại thông minh có ứng dụng trên 2 phiên bản dành cho hệ điều hành iOS và Android, phần mềm này sẽ có chức năng quét mã QR code để xem thông tin sản phẩm. Mã QR code phải chứa đầy đủ thông tin của cơ sở sản xuất, cơ sở phân phối cho đến thông tin chi tiết sản phẩm và ảnh đính kèm. Các giấy tờ chứng nhận liên quan đến sản phẩm phải được liệt kê đầy đủ trong ứng dụng.

Đồng thời, người tiêu dùng có thể phản hồi những nội dung trong trường hợp sản phẩm không đúng với thông tin cung cấp. Phản hồi từ người tiêu dùng sẽ được tương thích và gửi đồng thời đến nhà quản lý và doanh nghiệp với nội dung tương tự nhau.

Nhà quản lý khi sử dụng thì giao diện sẽ hiển thị được tên đơn vị quản lý; logo; xem và tìm kiếm được các thông tin về doanh nghiệp và sản phẩm trong hệ thống; quản lý được tất cả các thông báo và báo cáo từ người tiêu dùng.

Còn doanh nghiệp sẽ cập nhật, quản lý các cơ sở đủ điều kiện an toàn của doanh nghiệp mình quản lý cũng như các cơ sở phân phối đang hợp tác.

Tại hội nghị, một số đại biểu đã bày tỏ băn khoăn về việc khi sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử cho cơ sở sản xuất và nông sản thực phẩm an toàn, trường hợp người tiêu dùng muốn phản ánh về sản phẩm qua hệ thống thì đơn vị nào sẽ đứng ra giải quyết? Đơn vị quản lý phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử hay đơn vị quản lý ngành chức năng? Hay khi áp dụng phần mềm này cho nông sản thì chi phí cho mỗi sản phẩm nông sản có bị tăng thêm không? Nên chăng phân loại người tiêu dùng từ thành thị đến nông thôn để có hướng đi đúng đắn hơn cho dự án?

Một số dòng sản phảm có dán mã QR code được thử nghiệm tại hội nghị. Ảnh: H.L


Sản phẩm an toàn, rõ xuất xứ

Trả lời những thắc mắc này, ông Nguyễn Văn Chí cho rằng, phần mềm này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm nên sẽ không tránh khỏi những bất cập, chưa chuẩn. Sau thời gian chạy thử và lấy ý kiến, dự án sẽ bổ sung, khắc phục những nhược điểm còn tồn tại để triển khai mô hình thực tế trong thời gian tới. Hy vọng dự án sẽ đi vào thực tiễn hiệu quả góp phần tích cực vào việc xây dựng niềm tin của người tiêu dùng về thị trường nông sản an toàn.

Thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội sẽ phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố và các hội tiêu dùng tập huấn cho người tiêu dùng về cách sử dụng điện thoại thông tin để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Theo báo cáo, dự kiến ban đầu, sẽ có 5 doanh nghiệp tham gia thí điểm với 350 dòng sản phẩm nông sản thực phẩm được ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử. Trong đó có 150 sản phẩm của Hà Nội và 200 sản phẩm của các tỉnh, thành phố phân phối tại Hà Nội.

Các dòng sản phẩm khi được đưa lên hệ thống thông tin này đều là những sản phẩm an toàn, rõ xuất xứ nguồn gốc của Hà Nội và các tỉnh, thành phố được tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, việc ứng dụng hệ thống này sẽ giúp minh bạch thông tin sản phẩm, tăng cường công tác quản lý chất lượng nông sản và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái. Dự kiến, sẽ có 5 doanh nghiệp tham gia thí điểm với 350 dòng sản phẩm nông sản thực phẩm được ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử.

Tác giả bài viết: Bùi Hồng Liên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP