Thể thao

Sự cố chấp của Công Phượng có đúng?

Đã từng có nhiều ý kiến khuyên Công Phượng phải thay đổi cách chơi, đá đơn giản và hãy chuyền nhiều. Thế nhưng Công Phượng không thích như thế và tự tin vào chính mình.

1. Tâm lý học đám đông - cuốn sách nổi tiếng của Gustave Le Bon, cho rằng đám đông bị vô thức tác động, cảm nhận bằng hình ảnh, không thể kiên định, chỉ cần một người dẫn dắt có thể đẩy sự việc lên cao trào.

Đúng hơn, Gustave Le Bon cho rằng đám đông không có sự công bằng từ lý trí, thiếu sự logic và thiếu khoan nhượng.

Tâm lý học đám đông - cuốn sách nổi tiếng của Gustave Le Bon

Nếu có một ví dụ nào dễ nhận thấy nhất từ thực tế thì chính là mạng xã hội. Cộng đồng mạng tự cho mình một quyền hạn ghê gớm là được phép chửi bới, trù dập bất kỳ ai mà họ cho rằng “xứng đáng bị như thế”, kể cả vài ngày trước được tung hê ngất trời.

2. Vậy tâm lý đám đông có liên quan gì đến chuyện đá bóng của tiền đạo Nguyễn Công Phượng?

Đã có thời điểm một số chuyên gia bóng đá khuyên Công Phượng phải thay đổi cách chơi với nhận xét nghiệt ngã: Chơi bóng như “húc đầu vào tường”. Lời nhận xét này đi kèm một vài trận đấu gây thất vọng khiến cho Công Phượng trở thành mục tiêu bị “đám đông” chỉ trích trong năm 2017.

Thế nhưng, phần lớn quên rằng Công Phượng là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong năm 2017 cho bóng đá Việt Nam nếu tình từ sân chơi V.League đến màu áo ĐTQG. Thật vô lý khi bắt một cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất phải thay đổi, vậy những cầu thủ khác phải làm thế nào để ghi bàn được như Công Phượng?

Công Phượng từng bị chỉ trích không thương tiếc.

Đó chẳng phải là quyền hạn theo kiểu được phép chỉ trích của “đám đông” là gì, dù chỉ đơn giản bị tác động bởi một nhận xét cùng trận đấu thất vọng của Công Phượng. Làn sóng dư luận thật sự ghê gớm đến mức vùi dập một cầu thủ từng được “triệu người mê” trở thành “nạn nhân” của bóng đá Việt Nam. Kết cục, Công Phượng bị đánh văng khỏi Top 5 QBV năm 2017, dù anh xứng vào Top 3.

3. Mùa này, Công Phượng đang có 12 bàn thắng ở sân chơi V.League. Hiệu suất của Công Phượng là hơn 0,5 bàn/trận. Một con số có thể gọi là cực kỳ ấn tượng dành cho một chân sút từng bị định kiến rất nhiều trong thời gian.

12 bàn thắng - đó là câu trả lời của Công Phượng dành cho những ai từng cố bắt tiền đạo HAGL phải thay đổi, phải đá theo phong cách mà cho là đúng, là tốt cho Công Phượng.

Nào thì những chuyên gia, HLV online hãy phản biện, Công Phượng có cần phải thay đổi khi cứ ra sân là ghi bàn cho HAGL? Đúng hơn, đừng bắt người khác phải thay đổi theo ý của mình. Người hâm mộ có hàng triệu người, làm sao Công Phượng có thể đáp ứng hết yêu cầu của từng người. Tốt nhất thì Công Phượng luôn là chính mình.

Công Phượng hãy là chính mình, hãy bỏ qua định kiến từ đám đông.

Thật may, Công Phượng đã có được sự bảo thủ đầy tự tin để là chính mình. Đó là yếu tố quan trọng để chân sút HAGL chơi tốt và trưởng thành, bởi đánh mất chính mình thì Phượng có thể mất tất cả.

Arjien Robben là tấm gương để cho Công Phượng học hỏi. Arjien Robben có một bài tủ cũ rích là rê bóng ngang khu vực 16m50 rồi cứa lòng vào góc xa. Tiền vệ người Hà Lan làm mãi như thế, có thất bại nhưng thành công cũng không ít. Người hâm mộ gọi đó là bàn thắng “đặc sản kiểu Robben”.

Nếu Arjien Robben bị bắt bài mà thay đổi thì anh sẽ không còn Arjien Robben được hàng triệu người yêu mến. Công Phượng cũng thế. Nếu Công Phượng thay đổi thì không thể có những siêu phẩm đẹp mắt, các pha rê bóng mê hoặc, tất nhiên cũng chẳng ai còn nhớ đến Phượng.

Tác giả: Văn Nhân

Nguồn tin: saostar.vn

  Từ khóa: Công Phượng ,cố chấp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP