Giáo dục

Sơn La triệu tập hàng loạt thí sinh làm rõ việc được nâng điểm

Tại phiên xử vụ án gian lận điểm, TAND TP Sơn La triệu tập tới 90 người làm chứng và có nghĩa vụ liên quan, trong đó nhiều người là các thí sinh được nâng điểm.

Sáng nay (16-9), TAND tỉnh Sơn La mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018. Đây là tỉnh đầu tiên trong ba địa phương (Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình) mở tòa để xem xét cáo buộc đối với các bị cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, HĐXX gồm năm thành viên do thẩm phán Quản Hữu Chiến ngồi ghế chủ tọa.

TAND tỉnh Sơn La triệu tập hàng loạt thí sinh để làm rõ vì sao được nâng điểm. Ảnh: TP

8 bị cáo bị đưa ra xét xử cùng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ gồm: Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La), Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục), Lò Văn Huynh (cựu trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục), Đặng Hữu Thủy (cựu phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu), Cầm Thị Bun Sọn (cựu phó trưởng Phòng chính trị - tư tưởng), Nguyễn Thanh Nhàn (cựu phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục).

Ngoài ra, hai cựu cán bộ công an khác cũng phải hầu tòa là Đinh Hải Sơn (cựu thiếu tá, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) và Đỗ Khắc Hưng (cựu trung tá, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La).

Đáng chú ý, tòa triệu tập 47 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và 43 người làm chứng. Trong số này nhiều người là phụ huynh và trực tiếp các thí sinh được nâng điểm.

Theo cáo trạng, cơ quan công an đã làm việc với cha mẹ hoặc người thân của 44 thí sinh, phần lớn đều là quan chức, cán bộ về hưu. Trong đó, 27 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin của các thí sinh để nhờ xem điểm, 15 trường hợp không thừa nhận cung cấp thông tin cho các đối tượng trung gian.

Công an cũng xác minh 21/44 thí sinh, 11 thí sinh khai trực tiếp liên hệ chuyển thông tin nhưng mục đích là để nhờ xem điểm, 8 thí sinh không thừa nhận chuyển thông tin để nhờ xem điểm hoặc nâng điểm, 2 thí sinh vắng mặt tại địa phương nên chưa xác minh được.

5 trong số 8 bị cáo vụ gian lận điểm tại Sơn La. Ảnh: TP

Tòa cũng triệu tập ông Hoàng Tiến Đức, nguyên giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La. Ông Đức được xác định là một trong số 18 người trung gian nhận thông tin thí sinh (đưa cho Trần Xuân Yến hai tờ danh sách ghi thông tin của tám thí sinh để nâng điểm các môn thi).

Ông Đức bị Ban bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức cách hết các chức vụ trong Đảng vì đã có những vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, chính quyền địa phương, ngành giáo dục và cá nhân ông Đức, gây bức xúc trong xã hội.

Cùng với đó, UBND tỉnh Sơn La mới đây đã có quyết định thu hồi quyết định nghỉ hưu đã ban hành trước đó đối với ông Đức (nghỉ hưu từ ngày 1-7).

Dù vậy, trong vụ án gây chấn động dư luận nói trên, ông Hoàng Tiến Đức không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà sẽ đến tòa với tư cách người làm chứng.

Ngoài ông Đức, một số lãnh đạo khác cũng được triệu tập tới tòa như: Nguyễn Duy Hoàng (Phó giám đốc Sở GD&ĐT), Đỗ Kim Quang (Giám đốc VNPT Sơn La), Lê Trọng Bình (Phó Chủ tịch UBND TP Sơn La), Phan Ngọc Sơn (Chánh thanh tra Sở GD&ĐT)…

Tác giả: TUYẾN PHAN

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP