Trong tỉnh

Sớm giải đáp thắc mắc của một gia đình thương binh

Ông Cao Xuân Tài là thương binh bị chấn thương sọ não, phải ở Khu điều dưỡng Thương binh Nghệ Tĩnh (nay là Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nghệ An).

Năm 1984, trong một lần lên cơn điên, ông Tài gây thương tích cho một thương binh khác, rồi ông bị tạm giam và từ trần trong trại khi tòa chưa xét xử. Từ đó đến nay, ông Tài vẫn bị mang tội “giết người”, mọi chế độ đãi ngộ dành cho thương binh của ông bị cắt hết.

Ngày 8-1-2018, chúng tôi đến nhà bà Phạm Thị Hòe, vợ thương binh Cao Xuân Tài tại huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Bà Hòe trao cho chúng tôi tập hồ sơ, giấy tờ dày cộp. Theo đó, năm 1976 thương binh Cao Xuân Tài (sinh năm 1950, xã Nghĩa Thuận, Nghĩa Đàn, Nghệ An) trở về quê với những vết thương trên cơ thể, đặc biệt là mảnh đạn còn nằm lại trong đầu khiến thần kinh của ông không được bình thường. Có những đêm, ông chạy khắp làng, miệng hò hét xung phong... Đồng cảm với nỗi đau của đồng đội, bà Phạm Thị Hòe cùng quê huyện Nghĩa Đàn, là nữ cựu chiến binh (CCB), đã tình nguyện làm vợ ông.

Bà Phạm Thị Hòe, vợ thương binh Cao Xuân Tài.

Sau khi lập gia đình, sinh con, bệnh tình của ông Tài càng nặng. Mỗi khi lên cơn, ông thường trút những trận đòn vô cớ xuống đầu vợ. Năm 1977, ông buộc phải vào Khu điều dưỡng Thương binh Nghệ Tĩnh để điều trị. Cuối tháng 9-1984, trong một lần lên cơn điên, ông Tài dùng dao gây thương tích cho ông Hoàng Trọng Quy, một thương binh đang điều trị tại đây. Ông Quy được đưa đi bệnh viện, nhưng may mắn vết thương chỉ ở phần mềm nên mấy ngày sau ông Quy được xuất viện. Tuy nhiên, ngày 1-10-1984, Công an tỉnh Nghệ Tĩnh đã vào khu điều dưỡng thương binh, đọc lệnh bắt ông Tài. Đến ngày 29-5-1985, Khu điều dưỡng Thương binh Nghệ Tĩnh và gia đình ông Tài nhận được giấy báo của Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ Tĩnh thông báo: “Ông Cao Xuân Tài đã chết trong trại giam vào ngày 26-3-1985 khi đang bị tạm giam”. Vậy là ông Tài đã từ trần khi chưa bị tòa án xét xử.

Kể từ đó đến nay đã 33 năm, những quyền lợi và chế độ chính sách dành cho thương binh Cao Xuân Tài hoàn toàn bị cắt. Thân nhân của ông Tài cũng không nhận được gì ngoài nỗi oan nghiệt: “Vợ, con của kẻ giết người, bị chết trong trại giam”. Cũng từng đó năm, CCB Phạm Thị Hòe đã đến nhiều nơi nhằm làm rõ sự việc với mục đích trả lại danh dự, công bằng cho thương binh Cao Xuân Tài.

Trong tập hồ sơ mà bà Hòe lưu giữ, Giấy báo tử số 06-TG do Giám thị Trại tạm giam Công an Nghệ Tĩnh ký, nội dung thể hiện họ tên, quê quán, ngày bắt giam, ngày chết và nơi an táng của ông Cao Xuân Tài còn rất rõ. Đáng chú ý là phần ghi “Can tội” được ghi: “Giết người”.

Mấu chốt mọi vấn đề, khiến sự việc suốt mấy chục năm qua không có hướng giải quyết nằm ở dòng chữ “Can tội: Giết người” này. Trong khi đó, khi lần tìm hồ sơ vụ việc được lưu trữ tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nghệ An (Khu Điều dưỡng Thương binh Nghệ Tĩnh cũ), nơi ông Cao Xuân Tài ở trước khi bị công an bắt, chúng tôi được biết: Đến năm 1997, tức là 13 năm sau khi bị thương binh Cao Xuân Tài đánh, ông Hoàng Trọng Quy mới từ trần và được công nhận liệt sĩ. Cũng tại hồ sơ theo dõi sức khỏe của ông Hoàng Trọng Quy do Khu Điều dưỡng Thương binh Nghệ Tĩnh lập, thì lúc đó ông Quy chỉ bị ông Tài: “Làm rách áo và bị thương phần mềm”. Gom nối các dữ liệu trong hồ sơ lại với nhau, rõ ràng ông Hoàng Trọng Quy chết năm 1997 vì vết thương chiến tranh tái phát và tuổi tác, không liên quan đến hành động do thương binh Cao Xuân Tài lúc lên cơn điên gây ra. Cũng theo cán bộ Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nghệ An và thân nhân ông Hoàng Trọng Quy, thì ông Quy không hề có đơn yêu cầu, hay khiếu nại về hành vi của ông Cao Xuân Tài năm đó.

Vậy vì lý do gì, ai đã quyết định hủy bỏ toàn bộ chế độ đãi ngộ của ông Cao Xuân Tài và quyền lợi của thân nhân thương binh nặng này? Bà Phạm Thị Hòe bật khóc: “Là vợ, tôi có tội với ông ấy. Sau hơn 2 tháng ông ấy bị chết trong trại giam tôi mới biết. Hai năm sau, tôi mới tìm đến được chỗ ông ấy nằm trong một nghĩa trang dành cho phạm nhân gần trại giam”.

Bà Hòe luôn tin rằng chồng mình sẽ được nhìn nhận đúng pháp luật, công tội rõ ràng. Bà đã gặp đủ các cơ quan chức năng từ huyện đến tỉnh. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở mức độ chuyển đơn của bà về Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An để xem xét.

Từ những lá đơn xin được xem xét của bà Phạm Thị Hòe, Trung tâm Điều dưỡng Thương binh tỉnh Nghệ An đã tìm kiếm, rà soát hồ sơ vụ việc của ông Cao Xuân Tài, cũng như hồ sơ sức khỏe của ông Hoàng Trọng Quy còn lưu giữ. Những biên bản xác minh, những đề xuất của trung tâm kèm theo sự xác nhận của cán bộ ngày trước đã làm rõ vấn đề của người thương binh Cao Xuân Tài dưới góc độ pháp luật. Trên cơ sở đó, tháng 8-2017, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An đã nghiên cứu hồ sơ, làm sẵn quyết định trợ cấp đối với thân nhân của người có công (thương binh Cao Xuân Tài). Nhưng để chắc chắn hơn, sở đã làm công văn gửi Cục Người có công (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) “Đề nghị cho ý kiến về việc giải quyết chế độ cho thân nhân của người có công bị phạm tội đã từ trần trong quá trình tạm giam điều tra vụ án”. Thế nhưng, ngày 18-8-2017, Cục Người có công có Công văn số 1809-NCC-CS2 trả lời: “…Lãnh đạo bộ đã chỉ đạo: Khi pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi, bổ sung sẽ nghiên cứu, xem xét trường hợp người có công bị phạm tội đã từ trần trong quá trình tạm giam điều tra vụ án…”.

Quá trình đi tìm công lý cho chồng mình, bà Hòe được các văn phòng luật sư cho biết: “Một vụ án hình sự, nếu bị can bị chết trong thời gian bị tạm giam, chưa xét xử thì phải đình chỉ vụ án”. Qua đó, bà hiểu rằng: Chồng bà không thể bị coi là có tội. Mặt khác, chồng bà là thương binh tâm thần thì hành vi đánh đồng đội cũng cần phải xem xét theo đúng quy định của pháp luật chứ không thể tùy tiện ghi trong giấy báo tử là "Can tội: giết người", rồi các cơ quan chức năng cắt hết chế độ thương binh của ông Tài và ưu đãi dành cho thân nhân của thương binh. Báo Quân đội nhân dân đề nghị các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, làm rõ sự việc trên.

Tác giả: THẾ SƠN

Nguồn tin: Báo Quân Đội Nhân Dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP