Kinh tế

Sở hữu khối tài sản tỷ USD, 6 tỷ phú giàu nhất Việt Nam đi làm hưởng lương tháng bao nhiêu?

Trong 6 tỷ phú giàu nhất Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đang là người được trả thù lao và lương cao nhất còn ông Nguyễn Đăng Quang nhận thù lao 0 đồng.

Mới đây, Tạp chí Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2021, trong đó, Việt Nam có 6 đại diện. Đây là năm Việt Nam có nhiều tỷ phú USD nhất.

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch tập đoàn Vingroup (VIC) tiếp tục là người giàu nhất tại Việt Nam với khối tài sản theo tính toán của Forbes là 7,3 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu tính tính theo giá trị cổ phiếu VIC mà doanh nhân gốc Hà Tĩnh này nắm giữ thì tài sản lên tới hơn 10 tỷ USD.

Theo tài liệu họp đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm 2020 của Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn đã chi trả 19 tỷ đồng thù lao - tương đương 0,25% lợi nhuận sau thuế (LNST) năm 2019 cho Hội đồng quản trị (HĐQT) và 3,9 tỷ đồng - tương đương 0,05% LNST năm 2019 cho Ban kiểm soát (BKS) năm 2019. Cụ thể, số lượng thành viên của HĐQT và BKS là 9 thành viên HĐQT và 3 thành viên BKS.

Như vậy, mỗi thành viên HĐQT, trong đó có ông Phạm Nhật Vượng sẽ nhận trung bình gần 2,1 tỷ đồng/năm, tương đương khoảng 176 triệu/tháng.

Cũng trong tài liệu họp đại hội cổ đông năm 2020, HĐQT và BKS đề nghị ĐHĐCĐ thông qua mức thù lao cho HĐQT tối đa bằng 0,4% lợi nhuận sau thuế năm 2020 và BKS tối đa bằng 0,1% lợi nhuận sau thuế năm 2020.

Xếp thứ 2 trong bảng xếp hạng tỷ phú USD Việt Nam tiếp tục là nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO VietJet Air. Bà Thảo có khối tài sản 2,8 tỷ USD.

Bà Thảo đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp khác nhau. Cụ thể, bà giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần (CTCP) Hàng không VietJet; Phó chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Phát triển HCM (HDB) và Chủ tịch HĐQT CTCP Sovico.

Theo báo cáo tài chính năm 2020 của CTCP Hàng không VietJet, thù lao và lương chi trả cho HĐQT, BKS và Ban Giám đốc là gần 43 tỷ đồng cao hơn năm 2019 là 12 tỷ đồng.

Lương của thành viên HĐQT, BKS và Ban Giám đốc năm 2020 gần 43 tỷ đồng còn năm 2019 là gần 31 tỷ đồng.

Với 22 người trong Thành viên HĐQT, BKS và Ban Giám đốc, trung bình mỗi người sẽ nhận được gần 2 tỷ đồng/năm.

Còn tại HDB, theo báo cáo tài chính 2020, các thành viên lãnh đạo trong HĐQT, BKS và Ban tổng giám đốc được chi trả tổng cộng 63 tỷ đồng thù lao. Như vậy, với 25 người trong Thành viên HĐQT, BKS và Ban Giám đốc, trung bình mỗi người sẽ nhận được hơn 2,5 tỷ đồng/năm.

Sau khi cộng thu nhập từ việc làm lãnh đạo 2 công ty trên, bà Thảo được trả gần 4,5 tỷ đồng thù lao và lương trong năm 2020.

Sau một năm vắng bóng, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - ông Trần Đình Long trở lại danh sách tỷ phú USD của Forbes với khối tài sản tương ứng là 2,2 tỷ.

Theo báo cáo tài chính năm 2020 đã kiểm toán, thù lao của HĐQT được chi trả 25 tỷ đồng. Như vậy, mỗi thành viên trong HĐQT trong đó có Chủ tịch Trần Đình Long sẽ nhận trung bình gần 2,8 tỷ đồng, tương đương 231 triệu đồng/ tháng.

Thaco chi trả thù lao 25 tỷ đồng cho thành viên HĐQT.

Tiếp theo trong danh sách tỷ phú thế giới năm 2021, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Công ty Ôtô Trường Hải (Thaco) và ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank có khối tài sản ngang nhau, đều là 1,6 tỷ USD.

Tuy nhiên mức thù lao của ông Trần Bá Dương chưa được tiết lộ. Còn ngân hàng Techcombank trả thù lao cho HĐQT và BKS 34 tỷ đồng trong năm 2020. Cụ thể, số lượng thành viên của HĐQT là 8 người còn BKS là 3 người. Như vậy, trung bình mỗi người trong HĐQT và BKS trong đó có ông Hồ Hùng Anh sẽ nhận khoản 3,1 tỷ đồng thù lao.

Techcombank trả thù lao cho HĐQT và BKS 34 tỷ đồng trong năm 2020.

Người cuối cùng trong danh sách tỷ phú thế giới của Việt Nam là Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang sở hữu 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, vị Chủ tịch này nhận thù lao 0 đồng trong năm 2020 tại doanh nghiệp do mình gây dựng. Không chỉ riêng Chủ tịch mà thành viên của HĐQT đều nhận mức thù lao 0 đồng. Đây là năm thứ 9 liên tiếp kể từ 2013 HĐQT Masan duy trì truyền thống không nhận thù lao.

Tác giả: Dương Thị Thu Nga

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP