Kinh tế

Sở hữu khối tài sản khủng, nhiều nữ đại gia Việt vướng vòng lao lý

Từng được nhiều người biết đến với khối tài sản "đồ sộ" song các nữ đại gia này lại bị pháp luật "sờ gáy" vì những hành vi vi phạm pháp luật.

Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp

Bà Dương Thị Bạch Diệp sinh năm 1948, tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, sau đó theo gia đình tập kết ra Bắc và sinh sống học tập tại Hải Phòng.

Đến năm 1975, bà Diệp cùng gia đình chuyển vào sinh sống và công tác ở An Giang. Sau đó lại chuyển lên TPHCM công tác tại Công ty Bao bì xuất khẩu, trực thuộc Bộ Ngoại thương (thời đó).

Năm 1984, bà Diệp đi đến quyết định xin nghỉ việc để bắt tay vào khởi nghiệp kinh doanh bất động sản.

Sau 35 năm hoạt động kinh doanh, khối bất động sản tại các công ty bà nắm giữ lên đến hàng chục nghìn m2 nằm ở các vị trí đắc địa ngay trung tâm Sài Gòn.

Bà Dương Thị Bạch Diệp. Ảnh: Zing

Thế nhưng, cái tên Dương Thị Bạch Diệp chỉ được dư luận biết đến rộng rãi khi nữ doanh nhân này chi gần 1,4 triệu USD (khoảng 23 tỷ đồng lúc bấy giờ) để mua chiếc xe siêu sang Rolls Royce Phantom biển số 77L-7777 vào năm 2008. Thời điểm đó, đây mới là chiếc Phantom thứ 6 được nhập về Việt Nam và có giá trị cao nhất. Năm 2014, bà từng chia sẻ với báo chí tổng tài sản trên giấy tờ của bà ước khoảng gần 10.000 tỷ đồng

Là một trong những đại gia bất động sản đầu tiên tại Việt Nam, bà Diệp không ít lần vướng vòng lao lý vì mảng kinh doanh này. Bà Diệp từng 3 lần bị giam với cùng một cáo buộc "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", trong đó có 2 lần được trả tự do.

Gần đây nhất, tháng 1/2019, bà Diệp bị tạm giam vì có liên quan tới hợp đồng vay vốn giữa công ty của bà với Agribank TP.HCM và việc hoán đổi tài sản công tại Trung tâm ca nhạc nhẹ thuộc Sở Văn hóa TP.HCM.

Sáng 22/3 vừa qua, tại phiên tòa xét xử vụ án hoán đổi khu đất ở địa chỉ số 57 đường Cao Thắng (57 Cao Thắng) lấy khu đất ở số 185 đường Hai Bà Trưng (185 Hai Bà Trưng, quận 3, TP HCM), đại diện VKS đề nghị HĐXX phạt bị cáo Dương Thị Bạch Diệp án tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Nữ đại gia Hứa Thị Phấn

Bà Hứa Thị Phấn (sinh 1947, quê Đồng Tháp) được nhắc đến nhiều trong các đại án liên quan tới Ngân hàng Xây dựng, OceanBank từ năm 2016 đến nay. Bà Phấn cũng là một mắt xích quan trọng giữa thương vụ ông Hà Văn Thắm và Phạm Công Danh khiến hai nhân vật này phải ngồi tù.

Bà Hứa Thị Phấn (còn gọi đại gia Sáu Phấn) là nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Đại Tín (Trustbank), nguyên Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ.

Đại gia Hứa Thị Phấn. Ảnh: Vietnamnet

Năm 2001, bà Phấn thành lập Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển Phú Mỹ, chuyên về kinh doanh bất động sản và nhiều lĩnh vực khác. Năm 2006, theo Nghị định 141/2006, các ngân hàng phải có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng mới được phép hoạt động, nếu không sẽ phải sáp nhập hoặc giải thể. Lợi dụng chủ trương này, đại gia Sáu Phấn dùng nhiều thủ đoạn "lấy mỡ nó dán nó" để góp vốn kiểm soát Trustbank khi ngân hàng này chỉ có 1.000 tỷ đồng.

Với thủ đoạn trên, chỉ trong vòng 3 năm từ 2007 - 2010, bà Hứa Thị Phấn đã từ một doanh nghiệp mới thành lập trở thành nữ đại gia ngàn tỷ.

Năm 2017, Cơ quan điều tra khởi tố bị can đối với Hứa Thị Phấn.

Tháng 3/2018, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tống đạt cáo trạng truy tố bà Hứa Thị Phấn về hai tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tháng 5/2018, bà Hứa Thị Phấn bị Toà án Nhân dân Cấp cao tại TP.Hà Nội tuyên phạt mức án 17 năm tù về tội danh "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Tháng 11/2018, bà Phấn tiếp tục bị Toà án Nhân dân cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh tuyên phạt 20 năm tù về tội danh "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và 20 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Tổng hợp hình phạt bị cáo Phấn phải chấp hành là 30 năm tù.

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Dương

Nguyễn Thị Dương, còn được gọi là “Dương Đường” (SN1980 - Giám đốc công ty Bất động sản Đường Dương, trú số nhà 366 đường Lê Quý Đôn, phường Kỳ Bá, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình) bị bắt giam vào ngày 7/4/2020 để điều tra về tội “Cố ý gây thương tích”.

Công ty bất động sản Đường Dương là một doanh nghiệp lớn tham gia vào hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Bà Dương là một người khá nổi tiếng về độ chịu chơi.

Doanh nhân Nguyễn Thị Dương. Ảnh: Dân Việt

Bà Dương thường xuyên đưa lên mạng xã hội hình ảnh đi làm từ thiện với số tiền hàng tỷ đồng. Trong lễ kỷ niệm 10 năm ngày cưới, vợ chồng bà Dương đã chi hàng trăm triệu đồng mời các ca sỹ nổi tiếng đến hát...

Tuy nhiên, bên cạnh vẻ hào nhoáng đó, bà Dương cùng chồng cũng bị nhiều người tố cáo về việc cho vay nặng lãi, hành hung, cố ý gây thương tích, đe dọa giết người, siết nợ theo kiểu "xã hội đen"…

Trong phiên tòa vào ngày 25/8/2020, vợ chồng đại gia Đường Dương cùng 4 đàn em bị tuyên phạt tổng cộng 17,5 năm tù giam trong vụ án "Cố ý gây thương tích" cho nhân viên nhà xe Phúc Cường ở Thái Bình, trong đó Đường Nhuệ chịu án cao nhất là 3 năm 6 tháng tù.

Tác giả: Hoàng Minh

Nguồn tin: Kiến thức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP