Trong tỉnh

Sở GTVT Nghệ An 'trảm' xe buýt xuống cấp vẫn ngang nhiên hoạt động

Toàn tỉnh Nghệ An có 18 tuyến xe buýt, gần 300 chiếc xe, trung bình 1.300 lượt/ngày. Mặc dù vậy, vì tranh giành khách, nhiều hãng xe buýt vẫn sử dụng các xe kém chất lượng, phóng nhanh vượt ẩu, dừng đỗ đón khách sai quy định.

Báo động tình trạng xe buýt kém chất lượng

Những năm gần đây, Nghệ An đưa vào hoạt động nhiều tuyến xe buýt, góp phần không nhỏ vào vận chuyển hành khách trên địa bàn và các địa phương lân cận. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà hoạt động xe buýt thời gian qua đã nảy sinh một số vấn đề đáng báo động.

Đó là, tình trạng xe buýt vi phạm tốc độ; tránh, vượt sai quy định; đi không đúng phần đường; dừng, đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định;… Đặc biệt là việc các xe buýt kém chất lượng vẫn đưa vào hoạt động khiến cho người dân vô cùng bức xúc.

Một chiếc xe buýt dừng quá thời gian quy định tại các điểm đón, trả khách.

“Đáng lẽ, vào giai đoạn cạnh tranh gay gắt thế này thì các hãng xe buýt phải cải thiện về chất lượng xe, nhân viên lịch sự, chuyên nghiệp. Thế nhưng, một số doanh nghiệp do hoạt động lâu năm, có một chút danh tiếng nên không còn xem khách hàng là thượng đế nữa”, anh Nguyễn Cảnh Hùng, trú TP.Vinh cho hay.

Từ 1 doanh nghiệp mở tuyến xe buýt đầu tiên với 20 xe vào năm 2008, đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 10 doanh nghiệp đầu tư 18 tuyến hoạt động ổn định với gần 300 phương tiện. Mỗi ngày, có gần 1.300 lượt phương tiện được huy động để phục vụ nhân dân đi lại trên các cung đường. Tần suất từ 15 đến 35 phút có 1 chuyến xe (tùy từng tuyến).

Việc xuất hiện quá nhiều hãng xe buýt đang gây ra tình trạng tranh giành khách dẫn tới hệ lụy tăng càng nhiều lượt chuyến càng tốt. Các phương tiện đã cũ kỹ vẫn được doanh nghiệp tận dụng, đưa vào khai thác. Từ đó, các hãng xe buýt “thi nhau” phóng nhanh vượt ẩu, dừng đỗ, đón khách sai quy định.

Xe buýt hãng Đông Bắc không đóng cửa xe, quay đầu trên đường Nguyễn Phong Sắc. Ảnh CH.

Ngoài ra, những vụ việc các hãng xe buýt chèn ép nhau để bắt khách trên đường do trùng tuyến không phải hiếm, dường như ngày nào cũng xảy ra. Mới đây nhất, vào sáng 13/6/2018, hai chiếc xe buýt của hãng Thạch Thành và Đông Bắc va quệt nhau ngay giữa đường Quang Trung, TP.Vinh. Khi nói về nguyên nhân thì bên nào cũng khẳng định mình đúng, sai là do bên kia chèn ép.

Bên cạnh đó, theo phản ánh của một số hãng xe buýt, việc quản lý nhà nước về kinh doanh xe buýt ở Nghệ An cũng đang bộc lộ một số vấn đề bất cập. Đó là tình trạng trùng các tuyến xe buýt hiện nay. Theo đó, hầu hết các tuyến xe buýt khi được mở ra đều có điểm xuất phát từ TP Vinh, sau đó tỏa ra các huyện, địa phương. Điều này vô hình trung khiến các doanh nghiệp kinh doanh xe buýt phải gồng mình đầu tư xe.

Vụ tai nạn giữa 2 xe buýt Đông Bắc đối đầu nhau trên QL46, đoạn qua xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương vào ngày 8/10/2017.

Trong Quý III/2019, Thanh tra Sở GTVT đã lập biên bản vi phạm hành chính 37 trường hợp, xử phạt thu nộp ngân sách nhà nước số tiền trên 33.000.000 đồng; tước Giấy phép lái xe 1 trường hợp; kiểm tra cam kết chất lượng dịch vụ đối với hơn 30 lượt phương tiện.

Ông Nguyễn Sỹ Thắng, Chánh thanh tra sở Giao thông Vận tải (GTVT) Nghệ An thừa nhận, thời gian qua hoạt động của xe buýt trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã phát sinh một số tồn tại, vi phạm như: Chạy sai lịch trình vận tải; chất lượng dịch vụ không bảo đảm điều kiện của hình thức kinh doanh đã đăng ký; dừng quá thời gian quy định tại các điểm đón, trả khách; chở hàng trong khoang chở khách; sử dụng còi hơi trong khu đông dân cư, lắp thêm còi chíp (còi xinhan) trái quy định…

Trước tình hình trên, ngay từ đầu năm, sở GTVT Nghệ An đã tổ chức cuộc họp với tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh và Hiệp hội vận tải ô tô Nghệ An. Kết luận cuộc họp, lãnh đạo sở GTVT đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe buýt quán triệt ngay đến lái xe và nhân viên phục vụ trên xe thực hiện đầy đủ các nội dung mà đơn vị đã cam kết.

Không có “vùng cấm” trong xử lý xe buýt

Mặc dù đã tổ chức họp chấn chỉnh, yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải ký cam kết với sở GTVT vào ngày 19/3, tuy nhiên tình trạng trên vẫn chưa thể đi vào nề nếp, quy củ.

Một phần để răn đe, một phần để xử lý những vi phạm có hệ thống, mới đây ông Hoàng Phú Hiền, Giám đốc sở GTVT Nghệ An đã ký Công văn số 3052/SGTVT - VT về việc tạm đình chỉ hoạt động của tuyến xe buýt số 05 của hãng xe buýt Đông Bắc (công ty TM&XD Đông Bắc) lưu thông tuyến nội thành Vinh - QL 1A - QL 7B - TT Yên Thành.

Nguyên nhân đình chỉ tạm thời đối với hãng xe buýt Đông Bắc đi Yên Thành là do thời gian vừa qua, hãng xe có 16 xe buýt chạy tuyến này hầu hết xuống cấp. Sở GTVT đã yêu cầu hãng xe này phải thay mới 5 xe buýt, các xe còn lại phải duy tu, bảo dưỡng để đảm bảo an toàn lưu thông.

Quyết định tạm đình chỉ hãng xe buýt tuyến Vinh – Yên Thành.

Ông Nguyễn Viết Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận tải sở GTVT Nghệ An cho biết thêm: “Lý do Sở phải ra văn bản đình chỉ hoạt động tuyến buýt 05 là do các xe buýt thuộc tuyến này thường xuyên vi phạm. Sở đã nhiều lần ra văn bản yêu cầu chấn chỉnh, thậm chí buộc doanh nghiệp ký cam kết chấp hành quy định pháp luật,... Tuy nhiên, qua kiểm tra hiện trường, lãnh đạo Sở và các đoàn công tác tiếp tục phát hiện vi phạm”.

Các lỗi phổ biến mà hãng xe Đông Bắc vi phạm là: Dừng đỗ tại điểm quá thời gian quy định; dừng đỗ sai vị trí ở bên ngoài thành phố; phương tiện xuống cấp và thái độ phục vụ hành khách kém, thường xuyên bị hành khách phản ánh về đường dây nóng;…

Ông Hùng cho hay, việc đình chỉ này nhằm buộc doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, các cam kết khi mở tuyến. Dù văn bản đình chỉ là có thời hạn (đến 5/10/2019) nhưng Sở chỉ chấp thuận cho doanh nghiệp khai thác trở lại khi đã sửa chữa, thay thế phương tiện, khắc phục các sai phạm.

“Thời gian qua, sở GTVT đã tăng cường chấn chỉnh qua đó tiến hành xử phạt bằng hình thức đình chỉ nhiều phương tiện, thu hồi phù hiệu lái xe… Tuy nhiên, đây là trường hợp tuyến xe buýt đầu tiên trên địa bàn tỉnh bị tạm đình chỉ. Việc tạm đình chỉ tuyến xe buýt số 5 là giải pháp cuối cùng và cần thiết đối với công ty Đông Bắc. Đây cũng là sự cảnh báo cho các hãng xe còn lại, nếu không thay đổi Sở sẽ xử lý nghiêm”, ông Hùng nói.

Vào ngày 15/7/2017, xe buýt Đông Bắc tuyến 05 do Lê Văn Thắm điều khiển gây tai nạn khiến 2 người thương vong.

Năm 2017, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản 924 trường hợp xe buýt vi phạm luật ATGT. Các doanh nghiệp xe buýt bị xử phạt nhiều nhất gồm hãng xe Đông Bắc (trên 200 vụ vi phạm), Thạch Thành (gần 100 vụ), Sự Chuyên (50 vụ)...

Được biết, công ty TM&XD Đông Bắc là một trong số các doanh nghiệp đầu tiên mở vận tải buýt ở Nghệ An. Hiện doanh nghiệp này cũng khai thác nhiều tuyến buýt khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Riêng về tuyến 05 hãng này có tất cả 16 xe. Tuy nhiên, đây là tuyến bị hành khách phàn nàn nhiều về chất lượng xe và chất lượng phục vụ.

Việc sở GTVT mạnh tay xử lý các xe buýt vi phạm đã khiến cho người dân vô cùng vui mừng. Điều này chứng tỏ không có vùng cấm trong việc xử lý xe buýt, dù đó là doanh nghiệp lớn và lâu năm. Điều quan trọng nhất của các xe buýt hướng đến là phục vụ người dân đi lại an toàn.

Trước sự việc trên, đại diện hãng xe Đông Bắc cho hay, phía đơn vị đã đầu tư mua mới 3 phương tiện, sửa chữa đảm bảo chất lượng kỹ thuật 10 phương tiện, đang tiếp tục sửa chữa, nâng cấp 3 phương tiện khác. Hãng xe buýt này cũng cam kết sẽ đảm bảo chất lượng phục vụ tốt nhất khi tuyến được cho phép khai thác trở lại.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, sở GTVT cũng xử lý thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải đối với 1 đơn vị; thu hồi chấp thuận khai thác tuyến xe buýt đối với 2 đơn vị; thu hồi phù hiệu chạy xe đối với 335 phương tiện; xóa lốt và công bố giờ trống đối với 125 trường hợp xe vi phạm trên các tuyến vận tải hành khách cố định.

Tác giả: Anh Ngọc

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP