Trong nước

'Siêu uỷ ban sẽ không chồng chéo với SCIC'

Ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch SCIC cho biết đơn vị của ông có thể sẽ trực thuộc "Siêu ủy ban" khi cơ quan này đi vào hoạt động.

Dù cả Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước ("Siêu ủy ban") đều hoạt động với vai trò quản lý vốn Nhà nước, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC khẳng định sẽ không có sự chồng chéo.

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

"Ủy ban và SCIC đều là cơ quan và doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ. Sau này có khả năng SCIC cũng thuộc quản lý của Ủy ban. Do vậy sẽ không có chuyện chức năng chồng chéo giữa 2 tổ chức này, đảm bảo sự phân công hoạt động được phân nhiệm hợp lý", ông Chi nói.

Với công tác nhận và thoái vốn trong năm 2018 khi có sự góp mặt của Siêu ủy ban, ông Nguyễn Chí Thành, Phó tổng giám đốc thường trực SCIC cho rằng, nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn sẽ chuyển phần vốn Nhà nước về Ủy ban quản lý vốn. Còn hoạt động của SCIC sẽ vẫn đảm bảo với kế hoạch nhận và thoái vốn tại những doanh nghiệp còn lại.

Tại cuộc họp đầu tiên của Tổ công tác Thủ tướng về thành lập Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Tổ trưởng Tổ công tác đã đề nghị các Bộ, ngành khẩn trương tiến hành các công việc để thành lập uỷ ban trong quý I/2018.

Theo dự thảo, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ có quy mô tài sản khoảng 5 triệu tỷ đồng, gồm nhiều tập đoàn, tổng công ty, trong đó có các “đại gia” như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV)… Ủy ban này được thành lập với kỳ vọng chấm dứt tình trạng các Bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi”, khi nhiều doanh nghiệp Nhà nước sẽ được rút khỏi các Bộ và đưa về quản lý tại siêu ủy ban.

Đến 31/12/2017, SCIC đạt doanh thu 7.380 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận trước thuế dự kiến 6.616 tỷ đồng, tương đương 133% kế hoạch.

Trong năm 2017, tổng công ty đã bán vốn thành công tại 38 doanh nghiệp, với giá vốn 424 tỷ đồng, thu được 932 tỷ đồng, gấp gần 2,2 lần giá vốn.

Tuy nhiên, nếu tính cả việc bán vốn lần đầu tại Vinamilk (5,4% vốn điều lệ), giá trị thu được của SCIC trong năm 2017 là 21.208 tỷ đồng, gấp 19,1 lần giá vốn, với chênh lệch bán vốn thu về hơn 20.100 tỷ đồng.

Từ khi thành lập, SCIC đã bán vốn tại 986 doanh nghiệp và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp, với giá vốn là 8.084 tỷ đồng và thu về gần 28.000 tỷ đồng (gấp 3,5 lần giá vốn).

Tác giả: Minh Sơn

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: chồng chéo ,Siêu ủy ban

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP