Kinh tế

Sếp Tổng PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn: Ngày tháng ngắn ngủi trên ghế nóng

Gia nhập ngành dầu khí kể từ năm 1987, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn từng đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN).

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đã có đơn xin từ chức gửi Hội đồng thành viên tập đoàn này. Lá đơn của ông Sơn gửi từ nhiều ngày trước, nhưng tới ngày 12/3, Hội đồng thành viên PVN mới thực hiện họp lần cuối để xem xét trường hợp này và chấp nhận đề nghị xin từ chức của ông Sơn.

Theo trình tự thủ tục, việc ông Sơn thôi chức vụ Tổng giám đốc PVN sẽ cần đến sự chấp thuận của cơ quan chủ quản là Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) và Thủ tướng xem xét, quyết định.

Lý do xin từ chức của ông Nguyễn Vũ Trường Sơn chưa được tiết lộ cụ thể.

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn.

Ông Sơn sinh năm 1962, quê Quảng Trị. Ông có bằng kỹ sư công nghệ khai thác dầu khí, Đại học Hóa dầu Bacu (thuộc nước Cộng hòa Azerbaijan trong Liên Xô cũ) và thạc sỹ thiết kế công nghệ hệ thống Đại học RMIT (Úc).

Sau khi tốt nghiệp Đại học Hóa dầu Bacu, năm 1987, ông Sơn về công tác tại Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt Xô (Vietsovpetro). Tại đây, ông đã trải qua nhiều vị trí khác nhau như đốc công khai thác, đội phó khai thác, phó phòng kỹ thuật sản xuất, trưởng phòng Kỹ thuật sản xuất bộ máy điều hành.

Đến tháng 4/2009, ông Sơn được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro.

Kể từ tháng 7/2009, ông được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP).

Tới tháng 2/2012, ông Sơn được giao giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc PVN. Sau hơn 4 năm, kể từ tháng 3/2016 tới nay, ông Sơn tiếp tục được bổ nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao khác của PVN như: Tổng Giám đốc, Thành viên Hội đồng thành viên (HĐTV).

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn từng đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao tại PVN.

Ngoài ra, giai đoạn từ tháng 3-12/2017, ông Sơn còn được phân công đảm nhiệm vai trò Thành viên phụ trách HĐTV trong quãng thời gian PVN chưa có nhân sự chính thức giữ vị trí Chủ tịch HĐTV.

Thông tin ông Sơn bất ngờ có đơn xin từ chức Tổng giám đốc PVN được mọi người quan tâm. Đặc biệt, thời điểm này trùng với thời điểm Bộ Công Thương vừa có báo cáo về 13 dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực tham dò khai thác dầu khí. Đáng nói nhất là dự án khai thác dầu nặng Junin 2 tại Venezuela của PVEP trong thời điểm ông Sơn làm Tổng giám đốc doanh nghiệp này.

Tại báo cáo bàn giao giữa Bộ Công Thương và Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, dự án Junin 2 được nhận định là "điển hình về lãng phí trong đầu tư".

Dự án này PVEP dưới sự điều hành của ông Nguyễn Vũ Trường Sơn là chủ đầu tư (40% vốn) cùng với Tổng công ty dầu khí Venezuela. Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 1,8 tỷ USD cho giai đoạn 1 từ 2010-2015. PVEP đã rót hàng trăm triệu đô vào dự án này. Tuy nhiên, dự án không có tiến triển và tháng 12/2013 Thủ tướng đã chỉ đạo PVEP tạm dừng đầu tư vào dự án.

Còn tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), kể từ 2012 đến nay, doanh thu và lợi nhuận PVN có nhiều biến động lớn, trong khi nợ phải trả ngày càng lớn. Tỷ trọng nợ ngày càng lớn phần nào kéo chi phí tài chính tăng theo.

Tương tự doanh thu, lợi nhuận sau thuế của PVN cũng có nhiều “thăng trầm”. Nếu như lợi nhuận của PVN năm 2012 là 42,4 nghìn tỷ đồng thì năm 2016, con số này chỉ giảm còn 16,6 nghìn tỷ, tức là giảm gần 61%.

Cũng trong giai đoạn ông Nguyễn Vũ Trường Sơn giữ vai trò Tổng giám đốc tập đoàn PVN, hàng loạt lãnh đạo của PVN vướng vòng lao lý liên quan đến những sai phạm gây thiệt hại cho PVN như cựu Chủ tịch PVN ông Đinh La Thăng, ông Phùng Đình Thực, và ông Nguyễn Xuân Sơn.

Đồng thời, PVN cũng từng vi phạm nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh khi đầu tư vào Ngân hàng Đại dương (Oceanbank) bị mất 800 tỷ đồng. Sự việc này được Đoàn giám sát Quốc hội khóa XIV đánh giá là vi phạm pháp luật nghiêm trọng gây hậu quả không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng đến uy tín của DNNN.

Mới đây, PVN lên tiếng “kêu cứu” dự án 41.000 tỷ "đắp chiếu" thời Trịnh Xuân Thanh. Đây là dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư, PVC làm tổng thầu và được triển khai dưới thời Trịnh Xuân Thanh, song tới nay vẫn chưa thể hoàn thành do khó khăn về tài chính.

Tác giả: Hạnh Nguyên (Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP