Kinh tế

Sếp cũ bị khởi tố, nhà nữ đại gia Cao Ngọc Dung mất 550 tỷ

Túi tiền mẹ con bà Cao Thị Ngọc Dung bốc hơi hàng trăm tỷ đồng. Trong khi đó, hàng loạt tỷ phú rớt hạng thảm hại khi thị trường xuống dốc.

Thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục biến động mạnh, nhiều phiên tăng giảm điểm với mức độ khá lớn trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại thị trường chưa hồi phục bền vững sau cú sốc sụt giảm 22% từ đỉnh hơn 1.200 điểm ghi nhận 9/4 xuống 915 điểm hồi cuối tháng 5.

Hàng loạt cổ phiếu lớn trên TTCK có giá thấp hơn rất nhiều so với đỉnh cao cách đây hơn 2 tháng.

Cổ phiếu PNJ của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận của nữ chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung hiện còn 174 ngàn đồng/cp, thấp hơn nhiều so với đỉnh cao 206 ngàn đồng/cp ghi nhận hồi đầu tháng 4. PNJ vừa giảm 3 phiên liên tiếp, mất tổng cộng 7% sau khi cựu lãnh đạo bị khởi tố, liên quan tới việc thất thoát ngân quỹ tại Ngân hàng Đông Á (DAB), ngân hàng do ông Trần Phương Bình, chồng bà Dung từng làm chủ tịch.

Theo giải thích của PNJ, bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Thành viên HĐQT PNJ, đã xin từ nhiệm và bị cơ quan điều tra khởi tố về hành vi "thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong thời gian làm Trưởng Ban Kiểm soát Ngân hàng Đông Á (DAB). Trước đó, từ 31/5/2017, bà Cúc đã không còn giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc PNJ.

Tính chung thời gian qua, mỗi cổ phiếu PNJ đã giảm 32 ngàn đồng.

Bà Cao Thị Ngọc Dung đang nắm giữ gần 10 triệu cổ phiếu PNJ

Hiện tại ông Trần Phương Bình (chồng bà Dung) không sở hữu cổ phần nào tại PNJ. Trong khi đó, bà Cao Thị Ngọc Dung đang nắm giữ gần 10 triệu cổ phiếu PNJ (tương đương 9,2% cổ phần); hai con gái bà Dung là Trần Phương Ngọc Thảo sở hữu 2,37 triệu cổ phiếu PNJ (tương đương 2,2%) và Trần Phương Ngọc Giao nắm giữ 3,63 triệu cổ phiếu PNJ (tương đương 3,4%). Em bà Dung là Cao Ngọc Duy nắm 1,13 triệu cổ phiếu PNJ (1,05%).

Như vậy, tổng cộng nhà bà Dung nắm giữ 17,1 triệu cổ phiếu PNJ (15,8%), trị giá 3.000 tỷ đồng, giảm 550 tỷ đồng so với đỉnh cao hồi đầu tháng 4/2018.

Mặc dù giảm giá liên tục thời gian gần đây nhưng chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung khẳng định không có liên quan và bị ảnh hưởng từ DongABank.

Trước đó, PNJ của bà Dung đã tăng gần như liên tục trong vòng 6 tháng, giúp vốn hóa tăng thêm 500 triệu USD lên ngưỡng 1 tỷ USD. Đây cũng là khoảng thời gian thăng hoa nhất trong cuộc đời làm kinh doanh của nữ doanh nhân quyền lực này, bất chấp ông Trần Phương Bình bị xác định là người tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư tại DongABank, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho DAF hàng ngàn tỷ đồng, gây lỗ lũy kế và âm vốn chủ sở hữu hàng chục ngàn tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2015.

Một cổ phiếu giảm sâu khác là ROS của FLC Faros của ông Trịnh Văn Quyết khi rớt từ đỉnh cao 180 ngàn đồng/cp hồi tháng 11/2017 xuống còn 62 ngàn đồng/cp, mất tổng cộng gần 120 ngàn đồng/cp.

Trên TTCK, một số cổ phiếu trụ tăng mạnh giúp VN-Index đảo chiều tăng gần 10 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản xuống mức thấp nhất trong hơn một năm qua. Cổ phiếu Vingroup (VIC) và GAS là 2 mã có công lớn trong việc đưa chỉ số VN-Index tăng điểm.

Mặc dù thanh khoản giảm nhưng khối ngoại mua trở lại với đích ngắm tiếp tục là các cổ phiếu lớn.

Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu lớn khác chưa thoát được áp lực giảm giá. ROS của tỷ phú Trịnh Văn Quyết, Sabeco (SAB), PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung, VPBank (VPB) của ông Ngô Chí Dũng,... tiếp tục giảm điểm.

Một số CTCK cho rằng, với mức thanh khoán yếu kém như hiện tại, thị trường khó sớm quay trở lại nhịp tăng điểm. Nhiều khả năng, thị trường sẽ trải qua các phiên lình xình, và sẽ phân hóa theo KQKD quý 2 sắp tới.

Kết thúc phiên giao dịch 13/6, VN-index tăng 9,77 điểm lên 1.030,53 điểm; HNX-Index tăng 0,18 điểm lên 116,66 điểm. Upcom-Index tăng 0,2 điểm lên 53,2 điểm. Thanh khoản đạt 150 triệu cổ phần. Giá trị đạt 4,3 ngàn tỷ đồng.

Tác giả: V. Hà

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP