Giáo dục

Sẽ xử lý nghiêm cán bộ, đơn vị lạm dụng sổ sách làm khổ giáo viên

Bộ quy định một sổ thì trường “đẻ” thành ba. Bộ bảo không có mẫu giáo án, trường quy định mẫu. Bộ cho giáo viên linh hoạt trong soạn giáo án, trường bắt chép tay… Đó là thực trạng đang diễn ra trong nhiều nhà trường, khiến giáo viên bức xúc.

Những áp lực sổ sách ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của giáo viên. (Ảnh minh họa: PM/Vietnam+)

Nhiêu khê sổ sách

Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết, trước phản ánh của giáo viên về tình trạng hồ sơ, sổ sách nhiêu khê ở các nhà trường, gây áp lực cho giáo viên, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác chuyên môn, Bộ đã thực hiện rà soát hồ sơ, sổ sách của các nhà trường.

Qua tìm hiểu tình hình thực tế và lắng nghe phản ánh của giáo viên, Bộ nhận thấy không ít trường có hiện tượng yêu cầu giáo viên phải làm nhiều hồ sơ, sổ sách. Điều lệ trường học chỉ quy định một số loại hồ sơ, sổ sách của giáo viên đối với từng cấp học nhưng một số trường lại có quy định riêng gây áp lực cho giáo viên.

Những sổ sách này không mang lại hiệu quả tích cực cho công tác dạy học, trái lại khiến giáo viên bị mất quá nhiều thời gian, công sức vào việc ghi chép sổ sách, khiến giáo viên ức chế, ảnh hưởng tới thời gian đầu tư nghiên cứu, nâng cao chất lượng chuyên môn.

Ví dụ, điều lệ trường học chỉ quy định một sổ ghi chép kế hoạch sinh hoạt chuyên môn và dự giờ của giáo viên, nhưng nhiều nhà trường hoặc phòng giáo dục và đào tạo yêu cầu tách sổ này thành ba sổ: sổ kế hoạch giảng dạy, sổ sinh hoạt chuyên môn và sổ dự giờ. Các sổ này cũng được quy định theo mẫu cứng nhắc, không phù hợp với việc đổi mới phương pháp dạy học.

Điều lệ trường học không quy định mẫu giáo án, giáo viên được sáng tạo để đổi mới phương pháp dạy học và tự chọn hình thức thể hiện. Tuy nhiên, nhiều trường quy định giáo án mẫu và yêu cầu giáo viên phải sử dụng. Các trường còn bắt giáo viên phải viết tay, không được đánh máy, thậm chí phải chép lại giáo án hằng năm. Có nơi vừa yêu cầu giáo viên dùng giáo án điện tử (để thể hiện việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin) vừa vẫn phải có giáo án viết tay.

“Những điều này vừa gây áp lực, vừa khiến giáo viên mất thì giờ không cần thiết, làm giảm tâm sức của giáo viên cho chuyên môn giảng dạy,” ông Chuẩn nói.

Theo ông Chuẩn, nếu giáo viên sử dụng máy tính để soạn giáo án thì sẽ rất nhẹ nhàng, thuận tiện, dễ lưu trữ, dễ tra cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện trong quá trình giảng dạy…. Nếu giáo viên sử dụng phần mềm soạn giáo án điện tử lại càng thuận tiện, có thể dễ dàng tạo bài giảng điện tử để hướng dẫn học sinh học trực tuyến…

Một số trường không cho giáo viên được tẩy xóa trong sổ điểm, nhằm chống gian lận, nhưng lại khiến giáo viên căng thẳng khi vào điểm vì chỉ cần sai một lỗi là phải viết lại cả quyển.

(Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN)

Sẽ xử lý nghiêm

Trước kết quả rà soát trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ vừa ký ban hành Chỉ thị chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong các nhà trường. Chỉ thị này cụ thể hóa chủ trương của Bộ trưởng Bộ về giảm áp lực không đáng có cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong các nhà trường. Điểm quan trọng của Chỉ thị này là đã đề cập đến chế tài xử lý đối với những cá nhân, đơn vị vi phạm.

Chỉ thị yêu cầu các trường cho phép giáo viên được chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy, sử dụng phần mềm thông dụng, như excel, để lập sổ điểm cá nhân trong máy tính để vào điểm cho học sinh. Khi đó, việc tổng kết cuối học kỳ trở nên nhẹ nhàng, đơn giản và chính xác hơn.

Ông Chuẩn cho biết, chỉ thị cho phép giáo viên được viết tay nhưng ngành giáo dục cũng đang hướng đến từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử một cách đồng bộ và theo lộ trình phù hợp với địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên, từng bước tin học hoá quản trị nhà trường. Việc sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử cũng là một minh chứng đánh giá tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin trong quy định về Chuẩn hiệu trưởng và Chuẩn giáo viên.

Ông Chuẩn cho rằng sẽ có thể có một số giáo viên lớn tuổi hoặc ở vùng sâu, vùng xa gặp khó, nhưng việc này không áp dụng ngay mà thực hiện từng bước, vì thế sẽ tạo động lực và điều kiện để giáo viên thay đổi.

Để tránh tình trạng quy định đã có nhưng nhà trường vẫn làm sai, Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định về việc xử lý cán bộ, đơn vị vi phạm. Các vụ, cục, thanh tra Bộ và giám đốc các sở giáo dục và đào tạo cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lí vi phạm về sử dụng hồ sơ, sổ sách sai quy định.

“Chúng tôi cũng rất mong, mỗi cán bộ, giáo viên và cơ sở giáo dục nghiên cứu thật kỹ và thực hiện đúng tinh thần của Chỉ thị này và phản ánh kịp thời tới cơ quan có thẩm quyền nếu đơn vị mình xảy ra tình trạng lạm dụng, đặt ra các quy định riêng về hồ sơ, sổ sách, gây áp lực không đáng có cho người thực hiện,” ông Chuẩn nói./.

Tác giả: HÀ AN

Nguồn tin: vietnamplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP