Kinh tế

Sẽ công bố doanh nghiệp phát hành vốn ảo

Sau 25 năm ra đời và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) đang trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong thời điểm này, khi mà hầu như nhà đầu tư nào tham gia thị trường cũng có thể chiến thắng, thì cũng là lúc cần có sự phân tích, đánh giá, thậm chí là cảnh báo, để hoạt động đầu tư chứng khoán thực sự mang lại những giá trị đúng nghĩa, bền vững, góp phần tạo ra một thị trường phát triển lành mạnh, xứng với vị thế trong nền kinh tế.

Tọa đàm "Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp, kênh đầu tư sinh lời và tích sản" do Báo Đầu tư tổ chức sáng 18/11 đi tìm lời giải cho vấn đề này.

Thị trường chứng khoán còn tiềm năng rất lớn

“Bỏ qua” những thách thức do dịch bệnh, TTCK thời gian gần đây có sự phát triển vượt bậc. Nếu như trước đây, những phiên giao dịch có thanh khoản lên tới 20.000 tỷ đồng là điều đáng mừng, thậm chí là mơ ước, thì thời điểm này, có những phiên giao dịch lên tới 2 tỷ USD. Số lượng nhà đầu tư tham gia ngày càng hùng hậu, giúp nhiều người gia nhập câu lạc bộ tỷ phú.

Thị trường chứng khoán phấn đấu 5% dân số có tài khoản.

Ông Lê Chí Phúc- Công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư SGI - SGI Capital tính toán TTCK là kênh đầu tư hiệu quả hơn gửi ngân hàng, trung bình khoảng 15%/năm. Vị chuyên gia này dẫn chiến lược của SGI là trong rổ VN-Index, nếu lựa chọn ra những nhóm cổ phiếu tốt hơn nữa thì sẽ có mức hiệu quả trên mức 15% đó.

Khẳng định tiềm năng thị trường còn rất lớn, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng giám đốc CTCK VnDirect chỉ ra mới chỉ có hơn 1% dân số giao dịch thị trường mà quy mô đã hơn 1 tỷ USD. Hệ thống ngân hàng hiện có hơn 50 triệu tài khoản cá nhân, tiền gửi trong ngân hàng thương mại hơn 5 triệu tỷ.

“Khi thị trường đang bước vào giai đoạn phát triển chiều sâu, phải nâng về chất để thị trường phát triển bền vững. Thời gian qua, nhu cầu của nhà đầu tư rất lớn nhưng các doanh nghiệp cũng phát triển rất mạnh, năm qua VnDirect đã tư vấn phát hành huy động vốn trong 1 giao dịch lên tới 11.000 tỷ”, ông Quỳnh nói.

Tuy nhiên, thực tế, trên thị trường, chúng ta vẫn thấy đâu đó hàng hóa kém chất lượng. Ông Phạm Hồng Sơn- Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước -UBCKNN cho biết các công ty chứng khoán tăng vốn nhiều, chất lượng về tư vốn, quản trị, quản lý giao dịch ký quỹ đều được cải thiện.

“Tôi đồng tình cần phát triển thị trường này theo chiều sâu hơn. Sự phát triển của thị trường phải tăng độ sâu từ hoạt động tư vấn, các hoạt động trên sàn. Quy định pháp lý đã có, chúng ta thực hiện giám sát. Việc tư vấn phát hành của công ty chứng khoán cực kỳ quan trọng, có những hồ sơ mà tên công ty tư vấn chúng tôi nhìn đã không muốn xem vì chất lượng kém”, ông Sơn cho biết và khuyến nghị hãy lựa chọn doanh nghiệp tốt, làm ăn nghiêm chỉnh để đưa hàng hóa lên thị trường.

UBCKNN đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chấm điểm các đơn vị tư vấn phát hành, các công ty chứng khoán. Phải nâng cao trách nhiệm của công ty chứng khoán trong lựa chọn công ty để tư vấn.

“Căng mình” xử lý doanh nghiệp phát hành vốn ảo

Thông tin thêm về công tác kiểm tra, ông Phạm Hồng Sơn cho biết thời gian qua, hoạt động giám sát vẫn được UBCKNN thực hiện dựa trên các báo cáo tài chính, phản ánh của các cơ quan báo chí thậm chí cả các tin đồn. Tuy nhiên, hạn chế do thực hiện giãn cách xã hội thời gian dịch khiến cơ quan này không thể thực hiện kiểm tra tại thực địa.

Trong 2 tháng gần đây, ngay sau khi tình hình dịch bệnh dần kiểm soát, UBCKNN đã đi nhiều doanh nghiệp thực hiện kiểm tra. Hiện UBCKNN đang trong quá trình điều tra các doanh nghiệp không có vốn mà phát hành. Sắp tới, Ủy ban sẽ công bố các doanh nghiệp phát hành vốn ảo. Cụ thể, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBCKNN đã thành lập 10 đoàn công tác tới 10 công ty chứng khoán lớn trong hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu để kiểm tra doanh nghiệp phát hành trái phiếu không đúng quy định.

Các trường hợp như doanh nghiệp không phải công ty đại chúng mà phát hành ra công chúng cũng nằm trong diện kiểm tra và chuyển cho cơ quan chức năng. Phó Chủ tịch UBCKNN cũng đánh giá đây là hiện tượng rất nguy hiểm, tương tự như đưa hàng giả lên sàn. Dù không nhiều nhưng là những hạt sạn ảnh hưởng đến thị trường.

“UBCKNNN đang căng mình để thanh tra, kiểm tra. Bởi quan điểm của cơ quan quản lý là kỷ cương kỷ luật quan trọng nhất. Rủi ro thị trường là đương nhiên có, nhưng siết kỷ luật kỷ cương sẽ hạn chế được những rủi ro loại này. Đây cũng là điều mang lại niềm tin cho thị trường, hướng đến nâng hạng thị trường mà tiêu chí công khai minh bạch được đánh giá rất quan trọng”, ông Phạm Hồng Sơn nhấn mạnh.

Đại diện cho cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết TTCK đang đứng trước nhiều mục tiêu lớn đề ra trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030. Loạt mục tiêu lớn trong dự thảo Chiến lược phát triển TTCK: 5% dân số có tài khoản, nâng hạng thị trường trước năm 2025, lọt top 4 thị trường ASEAN.

“Hiện Bộ Tài chính cùng các bộ ngành báo cáo với Chính phủ về chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045. Quan điểm phát triển thị trường đồng bộ thống nhất trong phát triển thị trường tài chính gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, liên kết thị trường thế giới, phát triển trên cơ sở ứng dụng công nghệ, yêu cầu về chuyển đổi số.

Đồng thời, vai trò quản lý giám sát thị trường cũng được nhấn mạnh, bảo vệ lợi ích chủ thể tham gia, thị trường minh bạch phát triển bền vững, nhà nước quản lý bằng hệ thống pháp luật. Mục tiêu đề ra là TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung dài hạn của nền kinh tế, san sẻ và hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng”, ông Chi cho biết.

Tác giả: Hà An

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP