Giáo dục

Sẽ bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên mới giảng dạy?

Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo - Bộ GD&ĐT cho hay, hệ thống văn bản tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đang sửa theo hướng không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với hạng giáo viên thấp nhất.

Một thời gian dài, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không thực chất

Đó là nhấn mạnh của ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD&ĐT) tại hội nghị tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non diễn ra mới đây.

“Trong hệ thống văn bản tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chúng tôi đang sửa theo hướng chứng chỉ ngoại ngữ, tin học sẽ không còn đối với hạng giáo viên thấp nhất”, ông Tuấn Anh cho hay.

“Cụ thể, chúng tôi lấy đầu ra của trường đào tạo khi mà giáo viên đó ra trường, để coi như là đầu vào của hạng giáo viên thấp nhất. Chúng tôi yêu cầu không quy định chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa mà đưa vào tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ.

Chúng ta biết rằng, một thời gian chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không thực chất, giáo viên bằng mọi cách để kiếm được chứng chỉ đó đưa vào hồ sơ cho hợp lệ.

Sau một thời gian nghiên cứu, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đề xuất không cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với hạng giáo viên thấp nhất mà đưa vào tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ”, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo cho hay.

Hàng loạt ứng viên đã trúng tuyển đợt thi tuyển công chức năm 2018 tại TP Hải Phòng dù sử dụng Chứng chỉ tiếng Anh không do cơ sở giáo dục được Bộ GD&ĐT cho phép.

Nâng chuẩn đào tạo giáo viên

Vấn đề lộ trình nâng chuẩn đào tạo giáo viên được thực hiện theo Nghị định 71. Trong nghị định đã quy định rõ đối tượng nâng chuẩn, đó là giáo viên mầm non chưa có bằng cao đẳng sư phạm trở lên, tính từ ngày 1/7/2020, còn 7 năm công tác cho đến tuổi nghỉ.

Có nghĩa là đối với giáo viên nào không còn đủ 7 năm công tác cho đến tuổi nghỉ hưu, chỉ thực hiện chế độ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ phục vụ công tác giảng dạy.

Theo Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo, tính đến thời điểm này toàn quốc còn 26,3% giáo viên mầm non trình độ trung cấp sư phạm. Trong nghị định 71 chỉ rõ các địa phương phải thống kê, tổng hợp tình hình đội ngũ đó và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để tính toán xem ai là người được đào tạo trước, ai là người đào tạo sau.

Cơ sở đào tạo là do địa phương lựa chọn và trong công văn hướng dẫn của nghị định 71 cũng đã nêu rõ, Sở GD&ĐT là đơn vị đầu mối để thực hiện việc đó chứ không giao cho các phòng GD&ĐT.

Phòng GD&ĐT nếu có chỉ là việc tổng hợp ở cấp thẩm quyền mình quản lý, sau đó báo cáo cho Sở GD&ĐT. Sở GD&ĐT là cơ quan tham mưu, báo cáo UBND tỉnh thực hiện việc đó, ký kết hợp đồng với cơ sở giáo dục nào là hoàn toàn do Sở GD&ĐT tham mưu với UBND tỉnh.

“Đối với cơ sở giáo dục mầm non, hiện nay các địa phương còn trường cao đẳng sư phạm, đối với các địa phương trường cao đẳng sư phạm chuyển thành đa ngành thì trong đó vẫn có khoa sư phạm nên để các trường cao đẳng sư phạm tại địa phương thực hiện đào tạo nâng chuẩn cho giáo viên của địa phương là tốt nhất”, ông Tuấn Anh cho biết.

Tác giả: Lệ Thu

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP