Xã hội

Người “truyền lửa” khi kể chuyện Bác Hồ

Hơn 20 năm qua, chị Phùng Thị Hương Giang không đếm xuể bao nhiêu lần kể những câu chuyện về Bác.

Chị Giang (ngoài cùng bên phải) kể những câu chuyện cảm động về Bác cho đoàn khách đến từ Thái Bình - Ảnh: Thủy Tiên
Hơn 20 năm qua, chị Phùng Thị Hương Giang (SN 1975, thuyết minh viên Khu di tích Kim Liên) không đếm xuể bao nhiêu lần kể những câu chuyện về Bác. Nhưng mỗi lần kể về những kỷ vật đơn sơ như: Chiếc chõng tre, chiếc võng hay nỗi đau khi Bác mất mẹ, cả người kể và người nghe đều xúc động, rưng rưng nước mắt...
Xúc động từ những chuyện kể về Bác
Tháng 5, hầu hết các con đường về làng Sen đều tấp nập khách hành hương. Mọi người trở về đây để được tận mắt nhìn thấy nơi Bác được sinh ra và sống quãng thời gian thơ ấu của mình. Quê Bác mùa này sen nở hoa thơm ngào ngạt lan tỏa khắp cả khu di tích như để chào đón sinh nhật lần thứ 127 của Người. Thấp thoáng sau mái nhà tranh, hàng rào râm bụt là tà áo dài của các thuyết minh viên, người làm sống lại những câu chuyện về cuộc sống giản dị, thanh bần thời niên thiếu của Bác.
Với giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm và đậm chất xứ Nghệ, chị Phùng Thị Hương Giang chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Sen, bố mẹ ngày trước cũng làm trong khu di tích. Từ nhỏ, tôi đã được nghe các cô, các chú kể rất nhiều câu chuyện cảm động về Bác. Từ đó, tôi cũng mơ ước sau này lớn lên được mang trên mình bộ áo dài, để đưa khách du lịch về với những ngày thơ ấu của Bác”.
Khu di tích Kim Liên được thành lập từ năm 1956 đến nay đã có tới 6 thế hệ hướng dẫn viên. Điều đặc biệt, họ toàn là nữ và đều là con dân xứ Nghệ, chất giọng ngọt ngào, lối kể chuyện hấp dẫn, truyền cảm.
Ông Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu di tích Kim Liên cho biết, mỗi năm khu di tích đón từ 1,5 -1,8 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến thăm. Có năm cao điểm đón 4 triệu lượt khách. Tuy nhiên, cả khu di tích chỉ có 16 thuyết minh viên, những ngày đông khách rất khó khăn trong việc bố trí người tiếp đoàn. Lúc cao điểm mỗi người phải đón 30 lượt khách/ngày.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn, chị Giang đã có công việc ổn định. Nhưng vì ước mơ thủa nhỏ nên khi khu di tích tổ chức tuyển thuyết minh viên, chị Giang đã bỏ nghề dạy học, quyết định theo đuổi đam mê của mình. Với cách nói chuyện có duyên, chất giọng truyền cảm, chị được nhiều du khách yêu mến và biết đến.
Chị kể, vào tháng 5 hàng năm, khách về quê Bác rất đông, mỗi người đều mang trong mình những cảm xúc riêng về lãnh tụ vĩ đại. Chị nhớ lại: “Hôm hướng dẫn, thuyết minh cho đoàn Cựu chiến binh tỉnh Cao Bằng, vùng đất Bác Hồ lần đầu tiên dừng chân sau 30 năm bôn ba nước ngoài, cảm giác thật khó tả. Với mái tóc phong sương, bộ quân phục bạc màu, thái độ nghiêm túc, chăm chú, xúc động của các chú, các bác cộng hưởng với tôi rất nhiều cảm xúc dâng trào”.
Vừa kể xong câu chuyện, bỗng có một bác cao tuổi trong đoàn lại nắm lấy tay chị và nói: “Bao nhiêu năm nay tôi mơ ước về thăm quê hương Bác Hồ. Hôm nay được chứng kiến tận mắt ngôi nhà sàn đơn sơ cùng với các kỷ vật gắn bó với thời thơ ấu của Bác, tôi vô cùng xúc động và không cầm được nước mắt. Quê hương Cao Bằng cũng có di tích về Bác, chúng tôi rất tự hào về điều đó”.
Hơn 20 năm làm thuyết minh viên, chị Giang không biết mình đã đón bao nhiêu đoàn khách tới thăm. Với chị, mỗi đoàn khách khi đến với Kim Liên đều để lại trong mình những cảm xúc khác nhau. Nhưng đoàn khách để lại trong chị nhiều ấn tượng nhất, đó là đoàn người khuyết tật từ miền Nam ra thăm quê Bác, tất cả họ đều ngồi trên xe lăn nên phải đứng ở ngoài sân, không thể vào nhà để chứng kiến những kỉ vật đã gắn bó với tuổi thơ Bác. Họ không tin vào mắt mình, một ngôi nhà sàn đơn sơ như thế đã sinh ra một vĩ nhân làm rạng danh Tổ quốc.
Đó là năm 2012, khi vừa kể xong các mẩu chuyện về thời thơ ấu của Bác, có một anh cụt 2 chân đến đầu gối tiến xe lăn lại trước mặt tôi và nói: “Em có thể nhờ người đưa anh vào bên trong nhà Bác được không? Lúc vừa vào trong nhà Bác, tôi thấy hai hàng nước mắt của anh lưng tròng. Thấy anh xúc động, tôi cũng không cầm được nước mắt”, chị Giang ngậm ngùi.
Khi kết thúc, anh ấy đến nắm tay Giang bảo: “Cảm ơn em. Việc em đang làm rất có ý nghĩa. Những câu chuyện về Bác vốn đã quá quen thuộc, vậy mà em đã làm người nghe phải rơi nước mắt, khi nước mắt rơi, ta mới thấy sống trong hòa bình thật hạnh phúc”.
Kể từ đó, chị càng yêu hơn công việc của mình, thầm hứa sẽ cố gắng “truyền lửa”, cho mỗi du khách khi có dịp về thăm quê Bác.
Chị Giang kể những câu chuyện cảm động về Bác cho đoàn cựu chiến binh Bắc Giang
Vất vả nhưng cũng đầy tự hào về nghề
Mỗi năm, bình quân Khu di tích Kim Liên đón từ 1,5 -1,8 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến thăm. Bởi vậy, tất cả thuyết minh viên làm việc ở đây luôn được tuyển chọn gắt gao, có tầm hiểu biết lịch sử, văn hóa xứ Nghệ và đặc biệt là phải am tường về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như người thân trong gia đình. Công việc đặc biệt này đòi hỏi thuyết minh viên không được phép sai sót dù là nhỏ nhất.
Mỗi vật dụng đơn sơ trong căn nhà của Bác ở làng Sen, làng Hoàng Trù đều gắn bó với những câu chuyện cảm động về Người. “Dưới mái tranh này, trên chiếc giường tre này, Bác Hồ của chúng ta đã cất tiếng khóc chào đời, sống năm năm đầu tiên của đời mình. Cánh võng này mẹ từng ru Bác ngủ. Chiếc rương nhỏ này của bà ngoại tặng mẹ ngày lấy chồng, Bác đã chập chững, vịn tay men theo nó để sang gian đọc sách, tiếp khách của cha…”.
“Là thuyết minh viên, mình phải làm sao để cho du khách và bạn bè năm châu hòa mình cùng di tích, nghe và cảm nhận được hơi thở về cuộc sống thanh bần, giản dị của gia đình Bác”, chị Giang tâm sự.
Hồi ức lại quá khứ, chị kể về lần đón đoàn du khách Thái Lan đến từ Bản Đông, đây là nơi Bác dừng chân đầu tiên khi đến với “đất nước chùa vàng”. Dù không cùng ngôn ngữ nhưng chị Giang vẫn rưng rưng cảm xúc khi hướng dẫn suốt cả chương trình.
“Nhiều vị khách Thái Lan trong lúc tham quan đã đứng tần ngần bên khung cửi, xa quay của bà Hoàng Thị Loan, tay mân mê cánh võng đã từng đưa nôi Bác. Có người dang gang tay đo chiều dài cái chõng tre, có người quẩn quanh gian trong, buồng ngoài chỉ vừa mấy bước chân rồi bất giác thấm nước mắt”, chị Giang chia sẻ.
Mỗi năm ngôi nhà sàn đơn sơ nơi Bác sinh ra và sống thời ấu thơ của mình đón từ 1,5 - 1,8 triệu lượt khách

Lúc chia tay, một vị khách đã nhờ phiên dịch viên gửi lời cảm ơn và nói: “Tôi là người dân Thái Lan, tôi cũng khâm phục tinh thần yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hôm nay được về đây chứng kiến nơi sinh ra và lớn lên của Người, tôi càng hiểu thêm về con người Hồ Chí Minh. Chúng tôi sẽ cùng với các bạn Việt kiều sống ở Thái Lan gìn giữ khu di tích của Người ở “đất nước chùa vàng”.
Chia sẻ về nghề của mình, chị nói, công việc “ngốn” nhiều thời gian dành cho gia đình. May mắn được mọi người trong gia đình cảm thông nên chị càng phải cố gắng, nỗ lực hơn. “Hành trang” chị Giang luôn mang theo vào những ngày đông du khách là chai nước muối để ngậm. “Có ngày đón từ 15- 20 đoàn khách, nói nhiều quá nên nhiều khi khản giọng. Ngày mình mới vào nghề có khi cả tuần không nói ra tiếng”, chị Giang cười hiền.
Có lần chị tiếp đoàn học sinh mầm non đến từ TX Thái Hòa (Nghệ An), hơn 200 em được về thăm quê Bác ai cũng tươi cười rạng rỡ. Nhận được cả trăm câu hỏi ngộ nghĩnh của các bé, chị vẫn khéo léo giải đáp cùng chất giọng ấm áp. “Công việc vất vả là thế nhưng cũng đầy vinh dự và tự hào”, chị Giang chia sẻ.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu di tích Kim Liên cho biết, Hương Giang là một thuyết minh viên chịu khó, nhiệt tình. Với cách nói chuyện dí dỏm có duyên, cộng với chất giọng nhẹ nhàng truyền cảm, lại có kinh nghiệm làm việc lâu năm nên được nhiều du khách yêu mến và biết đến.
Tác giả: Thủy Tiên
Nguồn: Báo Giao thông
  Từ khóa: bao nhiêu ,câu chuyện

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP