Nhân ái

Gia đình chạy vạy tiền để cứu nữ sinh sắp mất chân vì tai nạn giao thông

Lưu Thị Nhung, sinh viên năm 3, Đại học Vinh (Nghệ An) có nguy cơ phải cưa chân phải sau tai nạn giao thông. Nhà quá nghèo, bố mẹ Nhung phải vay ngân hàng để có tiền chữa trị cho con.

Lưu Thị Nhung, cô gái xinh đẹp với bao ước mơ đang có nguy cơ bị tàn tật khi mất bàn chân bên phảiẢnh gia đình cung cấp

Lúc đó là 10 giờ đêm ngày 2.11, Nhung đang chạy xe máy từ nơi làm thêm về nhà trọ thì bất ngờ gặp tai nạn. Nhung tỉnh dậy tại Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh với một bên chân phải (từ cổ chân tới bàn chân) không còn lành lặn. Bệnh viện chỉ định chuyển sang Bệnh viện chấn thương chỉnh hình Nghệ An, tại đây Nhung được thực hiện 2 ca phẫu thuật, cắt phần thịt bị dập nát, nối mạch máu.

Phần vết thương bị hoại tử nặng, ngày 22.11, Nhung được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội để cố định xương. Sau đó, cô tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để tạo hình bàn chân. Nằm viện tổng cộng một tháng 20 ngày, chi phí điều trị cho Nhung lên đến hơn 71 triệu đồng, trong đó, phần lớn là số tiền bố mẹ cô đã phải vay ngân hàng để chạy chữa cho con gái.

Gia đình Nhung đã vay ngân hàng 50 triệu đồng, tuy nhiên số tiền này chưa đủ để Nhung được phẫu thuật tiếp Ảnh Thúy Hằng

Vay ngân hàng 50 triệu đồng để con gái mổ chân

Trên giường bệnh, Nhung nằm chợp mắt, ban đêm cô ngủ được rất ít, vết thương gặp trời lạnh càng đau buốt óc. Một bên chân phải quấn kín băng gạc, đang được lắp đặt một thiết bị đặc biệt để hút những phần nhiễm khuẩn của vết thương. Những ước mơ, hoài bão của cô gái xinh đẹp mới 20 tuổi bị đóng kín trong căn phòng nhỏ, san sát giường bệnh và đầy mùi thuốc khử trùng.

Nhung học giỏi, ước mơ tốt nghiệp khoa Sư phạm ngữ văn, Đại học Vinh sẽ về Tây Nguyên làm cô giáo dạy văn. Vì gia đình khó khăn, ngoài giờ học, Nhung đi bán hàng thêm để có tiền tự trang trải cho cuộc sống xa nhà.

Quê ở xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương, Nghệ An, bố mẹ Nhung chỉ trồng lúa, chăn nuôi gà vịt. Cả hai bố mẹ Nhung phải đi bệnh viện suốt vì bệnh tuổi già. Là con út trong một gia đình có 4 chị em nhưng ai cũng khó khăn, Nhung nằm viện đều trông cậy cả vào vợ chồng người anh trai.

Chân của Nhung được lắp thiết bị hút áp lực âm tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Ảnh Thúy Hằng
Vợ chồng anh trai chăm sóc Nhung tại bệnh viện Ảnh Thúy Hằng
Anh Lưu Văn Nhật, anh trai Nhung năm nay 26 tuổi phải gửi con gái mới 16 tháng tuổi ở nhà cho ông bà nội, hai vợ chồng vào mưu sinh tận Tây Ninh trong một xưởng làm lốp ô tô. Hay tin Nhung bị tai nạn giao thông, cả hai vợ chồng anh đã phải bỏ hết công việc, tức tốc về chăm em gái.

Mỗi buổi tối, chị Nguyễn Thị Ngọc, 25 tuổi, chị dâu của Nhung trải chiếu nằm dưới giường bệnh của em. Anh Lưu Văn Nhật thuê giường gấp nằm ngoài hành lang, những ngày đông rét buốt như mấy hôm nay, giấc ngủ đứt quãng, chập chờn.

Anh Nhật bộc bạch: “Mẹ tôi mới đi mổ mũi, bố tôi có một khối u ở cổ, sắp phải đi mổ thì Nhung gặp tai nạn. Ngày chúng tôi xin nghỉ việc ở Tây Ninh, chủ xưởng nói nghỉ đột ngột thế này không được tiền nong, chế độ gì, nhưng tính mạng em gái tôi quan trọng hơn”.

Anh Nhật cho biết thêm, từ ngày Nhung nhập viện tại Nghệ An tới hôm nay, gia đình đã phải chi hơn 71 triệu đồng, tiền tạm ứng viện phí, phẫu thuật, thuốc men cho Nhung. Nhiều loại thuốc, vật tư y tế không nằm trong bảo hiểm y tế mà Nhung được chi trả. Đến ngày hôm nay, số tiền gia đình anh vay ngân hàng để chữa trị cho Nhung là 50 triệu đồng.

“Cuộc chiến đấu với bệnh tật của em gái tôi còn rất dài. Nhà cửa không còn gì đáng giá, họ hàng đều nghèo túng. Chúng tôi không biết phải xoay đâu thêm tiền cho em tôi nữa”, anh Nhật nói như sắp khóc.

Nguy cơ phải cưa cụt 1/3 chân phải

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Roãn Tất, Trưởng khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết Lưu Thị Nhung được nhập viện trong tình trạng cổ chân, bàn chân bên phải bị thương rất nặng, các xương cổ chân, cẳng chân, bàn chân bị dập nát vì tai nạn giao thông. Các phần mềm, da gân, cơ bị dập nát bị nhiễm trùng nặng vì trực khuẩn mủ xanh.

Nhung bị đứt mạch máu, tổn thương mạch máu, hiện tại chỉ còn một mạch máu duy nhất đang ở vùng viêm nhiễm. Các y bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức đã cố định xương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã mổ, lọc các phần hoại tử, chăm sóc vết thương, dùng kỹ thuật cao là hút áp lực âm để tổ chức cổ chân, bàn chân phải hết nhiễm khuẩn.

Theo tiến sĩ Nguyễn Roãn Tuất, “nếu mạch máu duy nhất nuôi chân phải không thể cứu được, thì nguy cơ rất lớn Nhung phải cắt cụt 1/3 dưới cẳng chân (gồm cả bàn chân phải), cô sẽ phải chịu một mỏm cụt dưới cẳng chân”.

Ngôi nhà của gia đình Lưu Thị Nhung tại Nghệ An Ảnh Thiên Hà
Tuy nhiên, theo Trưởng khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, ông và các bác sĩ đang cố gắng hết sức để cứu chân cho Lưu Thị Nhung. Cô gái sẽ phải trải qua nhiều ca phẫu thuật khác với thời gian nằm viện không dưới 4 tuần nữa, số tiền điều trị sẽ còn lớn hơn.

Ông Nguyễn Roãn Tuất chia sẻ: “Là một bác sĩ, nhưng cũng như cha, chú của bệnh nhân, tôi hiểu rằng một bệnh nhân, đặc biệt là một cô gái còn rất trẻ, mới 20 tuổi mà đã mất đi một bên chân đó là cú sốc khủng khiếp về tâm lý, cô ấy còn cả một tương lai phía trước, với công việc, với các mối quan hệ trong xã hội. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức có thể”.

"Gia đình Nhung quá nghèo"

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Doãn Thao, Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương, Nghệ An xác nhận việc gia đình Lưu Thị Nhung phải vay ngân hàng để cứu chân cho con. Ông Thao cho hay, gia đình bệnh nhân Lưu Thị Nhung cực kỳ khó khăn.

“Gia đình ở miền núi, chỉ có một ngôi nhà cũ, vài sào ruộng, một con trâu. Bố mẹ Nhung già yếu, phải chăm ông bà nội, năm nay ngoài 80 tuổi, bệnh tật quanh năm. Đây là gia đình thuộc hộ nghèo của xã, mỗi năm, một một người trong nhà được hỗ trợ 100.000 đồng, số tiền này chẳng thấm vào đâu. Bà con trong xã mỗi người đóng góp vài chục nghìn cho cháu Nhung chữa bệnh, chúng tôi biết nó quá ít ỏi với chi phí điều trị cho cháu. Biết làm sao bây giờ khi xã tôi có đến 278 hộ nghèo, bằng 25,74% tổng số hộ dân trong xã” ông Thao bộc bạch.
Mọi sự giúp đỡ cho Lưu Thị Nhung, bạn đọc có thể gửi về:
Ông Lưu Văn Sơn (bố đẻ Nhung) đội 13, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương, Nghệ An.

Tác giả bài viết: Thúy Hằng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP