Kinh tế

Chủ thẻ mất 30 triệu được ngân hàng tạm ứng toàn bộ tiền

Chiều 18/5, anh Nguyễn Thành Nam đã được Vietcombank ứng toàn bộ số tiền 30 triệu đồng sau khi thẻ ghi nợ quốc tế của anh bị thực hiện giao dịch giả mạo mua vé máy bay trước đó.

Anh Nguyễn Thành Nam cho biết, chiều 18/5, Ngân hàng Ngoại Thương - Vietcombank đã gọi anh lên làm việc và đồng ý ứng trước toàn bộ số tiền 30 triệu đồng sau khi thẻ ghi nợ quốc tế - Visa debit của anh bị đối tượng xấu thực hiện giao dịch giả mạo mua vé máy bay trước đó.

Đại diện Vietcombank cũng xác nhận đã tạm ứng 30 triệu đồng cho anh Nam và cho biết trường hợp này ngân hàng tạm ứng vì đã chặn được một số giao dịch giả mạo đã thực hiện giao dịch mua vé máy bay trước đó.

Đồng thời, theo đại diện nhà băng, khi nhận tiền tạm ứng anh Nam cũng phải ký cam kết sau khi kết thúc điều tra nếu phát hiện giao dịch do chủ tài khoản thực hiện thì ngân hàng sẽ thu hồi lại số tiền đã tạm ứng.

Chủ thẻ nên cẩn trọng khi giao dịch online. Ảnh: PV

Qua sự việc này, anh Nam cho biết đã rút được nhiều kinh nghiệm về cách sử dụng cũng như bảo mật tài khoản của mình. Theo đó, anh cho rằng các loại thẻ tín dụng hay ghi nợ quốc tế thì bản thân chủ thẻ nên lưu lại thông tin quan trọng vào nơi an toàn, sau đó bôi đen 3 chữ số bảo mật (CVV) phía sau thẻ để tránh người khác biết được. Ngoài ra, không giao dịch online nếu nghi ngờ tính an toàn, trường hợp phát hiện có giao dịch lạ thì nên gọi tới đường dây nóng ngân hàng báo ngay để khoá thẻ và làm các thủ tục cần thiết càng sớm càng tốt.

Trước đó, trao đổi với VnExpress, anh Nam cho biết, đang dùng thẻ ghi nợ quốc tế - Visa debit của Ngân hàng Ngoại thương - Vietcombank khoảng hơn 7 năm nay. Thẻ có số dư hơn 30 triệu đồng.

Sáng 13/5, sau khi ngủ dậy, anh phát hiện trong điện thoại có nhiều tin nhắn đến. Khi mở ra xem thì anh Nam phát hiện có 7 giao dịch rút tiền được thông báo qua điện thoại của anh trong khoảng thời gian từ 3h42 đến 5h34 rạng sáng 13/5. Trong đó có 5 giao dịch thành công đã trừ hết tổng cộng 30 triệu đồng và 2 giao dịch không thực hiện được vì tài khoản không đủ tiền.

Theo tin nhắn trên điện thoại mà anh Nam nhận được, các giao dịch trên là để thanh toán cho tiền mua vé máy bay từ trang web của hãng hàng không AirAsia tại các quốc gia như Myanmar, Indonesia, Singapore.


Khi kiểm tra lại thì anh vẫn thấy thẻ còn trong ví và trước giờ chưa bao giờ tiết lộ mật mã cá nhân cho ai nên đã liên hệ ngay đến Vietcombank yêu cầu khoá tài khoản, đồng thời trình báo sự việc. Trong buổi tiếp xúc sáng 15/5, anh Nam được phía Vietcombank cho biết ngay khi nhận được thông báo vào sáng thứ Bảy, nhà băng này đã làm việc với AirAsia và chặn được 3 giao dịch nên sẽ thu hồi lại những khoản tiền phát sinh trên trong thời gian ngắn nhất có thể. Hai giao dịch còn lại, thì Vietcombank vẫn đang tiếp tục làm việc với các bên liên quan.

Đại diện Vietcombank cũng đã thông tin đầy đủ đến anh Nam các bước và thời gian trong quy trình giải quyết sự việc bao gồm cả bước thực hiện tra soát với ngân hàng thanh toán thẻ, đơn vị chấp nhận thẻ theo đúng quy định của tổ chức thẻ quốc tế để đảm bảo tối đa quyền lợi cho chủ thẻ.

Vietcombank cho rằng, trong số các giao dịch được cho là giả mạo, có các giao dịch thực hiện mua vé máy bay của hãng hàng không Air Asia, ngân hàng đã đề nghị hãng hàng không này phối hợp để xử lý gấp sự việc. Vietcombank cũng đã nhanh chóng làm việc với các ngân hàng thanh toán tại Singapore và Malaysia để phối hợp xử lý nhanh nhất sự việc.

Tác giả bài viết: Lệ Chi

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP