Kinh tế

Sau 'trận đánh' lịch sử, con đại gia số 1 Việt Nam lộ diện

Lần đầu tiên con trai một trong những đại gia hàng đầu Việt Nam - Tập đoàn Hòa Phát - xuất hiện trong cơ cấu của tập đoàn và nhiều khả năng đây là bước đầu của quá trình kế nghiệp trị giá tỷ USD.

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của đại gia số 1 ngành thép Trần Đình Long vừa công bố thông tin Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đại Phong - do ông Trần Vũ Minh (con trai ông Long) làm giám đốc - vừa mua thành công 1 triệu cổ phiếu HPG (tương đương 0,05% vốn điều lệ) trong giai đoạn từ 29/1 đến 19/2.

Con trai ông Trần Đình Long mua cổ phiếu HPG vào thời điểm cổ phiếu này rớt xuống đáy trong hơn 1 năm: 27.300 đồng/cp vào ngày 1/2/2019.

Với thông tin doanh nghiệp của ông Trần Vũ Minh mua vào, cổ phiếu HPG đã có 7 trong 8 phiên tăng liên tiếp kể từ đáy và đã lên mức 32.200 đồng/cp trong phiên 20/2, tương đương tỉ lệ tăng gần 18%.

Trước đó, ông Trần Đình Long từng chia sẻ có hướng con cái vào làm việc ở Hòa Phát nhưng để con tự lực, làm từ các vị trí từ nhỏ nhất, không nghiễm nhiên ngồi vào vị trí cao cấp trong tập đoàn.

Con trai tỷ phú USD Trần Đình Long lần đầu trở thành cổ đông của Hòa Phát.

Ông chủ Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long trải qua một năm khá sóng gió 2018 với việc cổ phiếu tụt giảm giá mạnh từ đỉnh cao 47.000 đồng/cp hồi tháng 2/2018 xuống đáy 27.300 đồng/cp nói trên. Ông Long mất danh hiệu tỷ phú USD do Forbes đánh giá hồi đầu năm.

Tuy nhiên, 2018 cũng là một năm bước ngoặt có thể giúp vị trí số 1 trong ngành thép vững chắc hơn bao giờ hết. Danh hiệu tỷ phú USD có thể sớm quay lại với cú đánh cược lớn chưa từng có.

Trong năm 2017, HPG công bố dự án thép khổng lồ, trị giá 52 ngàn tỷ đồng tại Dung Quất và lần đầu bán cổ phiếu cho cổ đông để huy động vốn kể từ khi doanh nghiệp này lên sàn. Theo thông tin khi đó, để triển khai giai đoạn 1 của Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, HPG đã có 10 ngàn tỷ đồng vốn tự có và vay ngân hàng 10 ngàn tỷ.

Đầu 2019, HPG đã công bố tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng. Theo đó, doanh nghiệp của ông trùm ngành thép Trần Đình Long đã dụng hết 5.000 tỷ đồng để đầu tư cho giai đoạn 2 dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất.

Đây là toàn bộ số tiền mà HPG huy động được khi triển khai chương trình chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 5:1, tương đương số lượng phát hành gần 253 triệu cổ phiếu vào năm 2017.

Hòa Phát đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo HPG, tiến độ dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất đang được thực hiện đúng theo kế hoạch đề ra. Dự kiến giai đoạn 1 (công suất 2 triệu tấn/năm thép dài bao gồm 1 triệu tấn thép dài xây dựng và 1 triệu tấn thép dài chất lượng cao) đi vào hoạt động trong quý 1 năm nay.

Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất có tổng vốn đầu tư 52.000 tỷ đồng, được thiết kế với quy mô công suất 4 triệu tấn một năm với sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao và sản phẩm dẹt là thép cuộn cán nóng.

Theo dự báo của CTCK Bảo Việt (BVSC), lợi nhuận của Tập đoàn Hòa Phát năm 2019 sẽ tiếp tục tăng cho dù giá thép Trung Quốc giảm và tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ thép toàn cầu dự báo thấp hơn nhiều năm 2018. Theo BVSC, ước tính lợi nhuận sau thuế HPG có thể tăng 14% lên khoảng 10 ngàn tỷ đồng năm 2019 nhờ sản lượng tiêu thụ tăng mạnh.

Hòa Phát của ông Long cũng vừa công bố lần đầu xuất khẩu gần 1.000 tấn ống thép tôn mạ kẽm trị giá 600 ngàn USD sang Ấn Độ. Đây là một thị trường tiềm năng tại khu vực châu Á.

Trong năm 2018, tổng sản lượng tiêu thụ các loại sản phẩm của ông thép Hòa Phát đạt gần 800.000 tấn, tăng 15% so với năm 2017, trong đó xuất khẩu đạt 18.300 tấn, tăng gần 40% so với năm 2017.

Ông Trần Đình Long hồi đầu 2018 được Forbes xếp vào danh sách tỷ phú USD thế giới.

Trên thị trường chứng khoán, các cổ phiếu blue-chips tiếp tục là trụ cột nâng đỡ chỉ số VN-Index, bất chấp số mã giảm giá trên sàn áp đảo. Các cổ phiếu như Vingroup, Vinhomes, Sabeco, BIDV,... tiếp tục tăng điểm.

Một số cổ phiếu nhóm ngành chứng khoán tăng điểm ấn tượng như trường hợp HCM tăng trần. Nhóm cổ phiếu bán lẻ cũng có diễn biến tốt.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng hơn trong các dự báo.

Theo SHS, áp lực chốt lời đã xuất hiện và gây tác động tiêu cực lên xu hướng tăng của thị trường. Ở trong khoảng kháng cự mạnh 970-990 điểm hiện tại thì nhà đầu tư sẽ đắn đo cân nhắc với các quyết định giải ngân thêm, đa phần sẽ đợi thị trường có nhịp điều chỉnh về các ngưỡng hỗ trợ thấp hơn sẽ quyết định mua thêm.

Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 21/2, VN-Index sẽ tiếp tục rung lắc mạnh do đã tiệm cận với vùng kháng cự 970-990 điểm (gap down giữa 2 phiên 10/10 và 11/10/2018). Nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lời cổ phiếu trong vùng kháng cự mạnh 970-990 điểm và có thể cân nhắc mua thêm trong các phiên điều chỉnh về các ngưỡng hỗ trợ thấp hơn mà gần nhất là ngưỡng 955 điểm (MA200).

Theo Rồng Việt, xu hướng tăng tiếp tục phát triển, với sự dẫn dắt của các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng như dòng tiền của khối ngoại. VN-Index đã tăng khá nóng do vậy dẫn tới tâm lý e ngại của đa phần Nhà đầu tư. Áp lực bán cũng đang khá lớn khiến nhiều cổ phiếu bị điều chỉnh trong 2 phiên vừa qua. Nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lời một phần những cổ phiếu đã đạt lợi nhuận kỳ vọng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/2, VN-Index tăng 6,23 điểm lên 970,58 điểm; HNX-Index tăng 0,09 điểm lên 106,3 điểm. Upcom-Index tăng 0,23 điểm lên 55,47 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 210 triệu đơn vị, trị giá 4,6 ngàn tỷ đồng.

Tác giả: H. Tú

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP