Xã hội

Sau bão số 2, xã miền núi 'xin' ở lại xã 135

“Xin đừng cho chúng tôi ra khỏi xã 135”- đó là lời thỉnh cầu của nhiều hộ dân thuộc đồng bào thiểu số ở xã Liên Hợp (Quỳ Hợp) ngay sau khi cơn bão số 2 tràn qua.

Gia đình bà Vi Thị Châu, ở xóm Duộc, xã Liên Hợp. Ảnh: Phan Giang

Xã Liên Hợp có 474 hộ với 2.136 nhân khẩu. Phần lớn người dân nơi đây thuộc dân tộc Thái. Đời sống của người dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là địa bàn thuộc diện khó khăn nhất của huyện miền núi Quỳ Hợp.

Mặc dù chỉ cách thị trấn Quỳ Hợp chưa đầy 30 km song để đến xã Liên Hợp chúng tôi phải mất nhiều giờ đi từ Quốc lộ 48D qua xã Châu Lộc. Khi cách trung tâm xã khoảng 10km, chúng tôi chuyển sang di chuyển bằng xe công nông, tiếp đó phải đi bộ vượt rừng, lội suối thêm 1 tiếng đồng hồ mới đến được trung tâm của xã Liên Hợp. Nguyên do của việc di chuyển khó khăn này là sau cơn bão số 2, có nhiều bản làng đã bị cô lập.

Ông Vi Văn Thái đưa các cháu sang sông tránh lụt. Ảnh: Phan Giang

Bà Vi Thị Châu ở bản Duộc năm nay đã ngoài 70, cả gia đình có 5 khẩu chỉ trông vào 2 sào lúa, đã thế cơn bão số 2 đã gần như xóa sổ diện tích lúc và vùi lấp, phá hỏng nhiều tài sản khác của gia đình, nguy cơ thiếu đói là điều khó tránh khỏi.

Còn với ông Vi Văn Thái, một người dân khác của bản Quắn thì cho biết, mỗi khi trời mưa to, gió lớn là ông lại phải cõng lũ trẻ qua sông để chạy lũ lụt.

Em Vi Trung Hợp, xóm Khột chi sẻ: “Em cảm thấy rất buồn, rất tiếc, mặc dù em đã thi đậu vào trường nội trú tỉnh nhưng mà lại bị trả hồ sơ. Lý do là em không thuộc diện ưu tiên theo chương trình 135. Em mong các cấp chính quyền, xem xét để em có đủ điều kiện được đi học trường nội trú tỉnh, có điều kiện học tập tốt hơn, sau này về góp phần xây dựng quê hương đất nước”.

Dân quân địa phương giúp dân xóm Quắn khắc phục hậu quả sau cơn bão số 2. Ảnh: Phan Giang

Gia đình em Vi Trung Hợp thuộc diện hộ cận nghèo của xã, thu nhập chính trong năm từ năm 2 vụ lúa. Gia đình có 4 người, trong đó có 2 người đang đi học. Cuộc sống hiện tại của gia đình em Hợp đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu đói, có thể em phải bỏ học giữa chừng.

Xã Liên Hợp được hưởng chương trình 135 của xã đặc biệt khó khăn thuộc khu vực 3 giai đoạn 2010-2015. Và theo Quyết định 50/2016/QĐ-TTg ngày 03/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020, thì một trong các tiêu chí để công nhận thôn, xã đặc biệt khó khăn là: Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 65% trở lên (trong đó tỷ lệ hộ nghèo từ 35% trở lên). Căn cứ vào tiêu chí này, đầu năm 2017, xã Liên Hợp được ra khỏi xã 135 bởi tổng số hộ nghèo và cận nghèo của toàn xã thấp hơn 65% như quy định nói trên.

Tuy vậy, các con số thống kê của xã Liên Hợp được thực hiện vào đầu năm 2016, thời điểm xã này chưa bị tác động nhiều bởi tình hình thời tiết khí hậu và tỷ lệ hộ nghèo lúc đó vẫn ở dưới ngưỡng 65%. Đến cuối năm 2016 đợt mưa bão khiến cho đời sống của nhân dân rơi vào khốn đốn. Các diện tích lúa và hoa màu gần như mất trắng. Theo thống kê, đã có hơn 10/152ha lúa và hoa màu của xã bị mất trắng do thiên tai. Nhiều gia đình nhà cửa, tài sản bị mưa lũ cuốn trôi, gây hư hỏng. Hàng trăm hộ dân tái nghèo trở lại. Theo kết quả điều tra của UBND xã Liên Hợp vào đầu năm 2017, tổng số hộ nghèo và cận nghèo ở xã đã lên đến 78,01%.

Mới đây nhất, sau cơn bão số 2, xã Liên Hợp bị thiệt hại ước tính lên đến hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, 3,7ha mạ bị bùn đất vùi lấp; 2,4ha lúa, 11,5ha rau màu, 13,6ha cây trồng hàng năm (sắn, mía) bị lũ cuốn trôi; 36ha cây keo, bạch đàn bị gãy đổ, 13,5 ha đất đai ruộng vườn của người dân bị ngập úng, 7km kênh mương hư hỏng hoàn toàn...

Để tiếp cận được các bản bị cô lập do cơn bão số 2, dân quân xã phải san gạt đường giúp xe qua. Ảnh: Phan Giang

Trong khi đó, hiện tại Liên Hợp là xã duy nhất hiện nay ở Quỳ Hợp chưa có trung tâm văn hóa, thể thao theo quy định. Tất cả các tuyến đường từ trung tâm xã đi các bản là đường đất, mưa lầy lội, nắng bụi mù mịt. Toàn xã chưa có trường học nào đạt chuẩn Quốc gia. Trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND và MTTQ, các đoàn thể ở xã tạm bợ, xuống cấp. Các bản vẫn chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng, chưa có sóng điện thoại di động, mạng Internet. Đặc biệt, bản Quắn vẫn chưa có điện lưới Quốc gia.

Ông Lô Văn Đồng - Chủ tịch UBND xã Liên Hợp cho hay: “Năm 2016 do thiên tai thiệt hại rất nhiều, khó khăn chồng chất khó khăn. Riêng cơn bão số 2 chúng tôi có 2 xóm bị cô lập. Về cơ sở hạ tầng, nhà làm việc của UBND xã xuống cấp nghiêm trọng. Hiện tại một phòng có tới 4 - 5 đoàn thể cùng làm việc, đường sá giao thông chưa được nhựa hóa...".

Chủ tịch xã Liên Hợp cũng nói rằng, việc ra khỏi xã 135 là điều mong mỏi của lãnh đạo và người dân xã Liên Hợp. Tuy nhiên trong tình cảnh hiện nay việc không nằm trong diện 135 khiến cho việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm lo đời sống của người dân trở nên rất khó khăn.

Hiện nay, lãnh đạo xã Liên Hợp cũng đã có báo cáo thực tế của địa bàn lên các đơn vị chức năng của huyện Quỳ Hợp. "Chúng tôi đề nghị các cấp, các ngành quan tâm xem xét cho xã Liên Hợp được hưởng Chương trình 135” - ông Lô Văn Đồng nói./.

Phan Giang

Tác giả: Phan Giang

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP