Giáo dục

Sàm sỡ, nhắn tin “gạ tình” học sinh: Vì sao nhà trường ngày càng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm?

PGS.TS Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) đặt ra vấn đề: Vì sao nhà trường đáng lý phải là nơi bảo vệ học sinh thì hiện nay nó tiềm ẩn nhiều nguy hiểm?

Trong khi dư luận chưa kịp lắng xuống sau vụ hiệu trưởng dâm ô nhiều nam sinh ở Phú Thọ được báo chí phanh phui hồi tháng 12/2018 thì mới đây, việc thầy giáo ở Bắc Giang bị tố dâm ô với nhiều học sinh lớp 5 và thầy giáo ở Thái Bình bị tố nhắn tin “gạ tình” nữ sinh lớp 10 thêm một lần nữa gây rúng động trong dư luận.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về vấn đề trên, PGS.TS Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, nhà trường đáng lý phải là nơi bảo vệ học sinh thì hiện nay, nó tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Bởi lẽ môi trường giáo dục được coi là an toàn khi nó có đủ điều kiện cơ chế cần thiết. Cụ thể, đó là cơ chế tuyển chọn cá nhân trở thành giáo viên trong hệ thống giáo dục có những phẩm chất đạo đức tốt.

PGS.TS Trần Thành Nam chỉ ra những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ lùm xùm học đường. Ảnh: Đình Tuệ

Ở một số nước, để có một trường học an toàn thì có rất nhiều yêu cầu cần phải đáp ứng. Ví dụ như phải có hệ thống các quy tắc hành vi ứng xử trong nhà trường, có thiết bị theo dõi, chống bạo lực học đường, hệ thống an ninh, camera trong trường phải được thiết lập bài bản. Những người muốn vào trường học, tiếp cận các em học sinh, trước hết phải đi lấy vân tay xem người đó có bị tiền án, tiền sự gì không, có hành vi ấu dâm hay không...

“Tại Việt Nam, các sự vụ nêu trên xảy ra được xem như là hệ quả của việc chúng ta chưa quan tâm đúng mức với vấn đề xâm hại tình dục. Nhận thức của một bộ phận công chúng chưa thực sự thấu đáo, họ chưa xác định đâu là hành vi xâm hại, hành vi nào không phải. Ngay cả trong luật cũng chưa có những khái niệm rõ ràng, tạo kẽ hở trong luật pháp”, ông lý giải một phần nguyên nhân dẫn đến những làn sóng dư luận trong thời gian qua.

Một số hình ảnh chụp lại tin nhắn được cho của thầy giáo nhắn cho nữ sinh.

PGS Nam cho biết thêm, một nguyên nhân khác cần nhắc đến đó là nhiều gia đình vẫn coi giáo dục giới tính là điều cấm kỵ. Các ông bố bà mẹ cho rằng, vấn đề này nói ra chưa cần thiết, hay nói về vấn đề sức khỏe sinh sản chính là “vẽ đường cho hươu chạy”.

Ngoài ra, có rất nhiều thói quen ứng xử trong cuộc sống thường ngày theo kiểu truyền thống cần nhìn nhận lại, như sờ mông, véo má trẻ để thể hiện sự quan tâm, yêu mến. Tuy nhiên, những hành động đó hoàn toàn đi ngược lại với quan điểm hiện nay, rằng các em đã có những nhận thức về hành vi động chạm đến cơ thể.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông về phòng chống xâm hại tình dục chưa thực sự hiệu quả, có chăng chỉ dừng lại ở mức thay đổi nhận thức, còn thay đổi thái độ và hành vi thì chưa chạm tới.

Trường THPT chuyên Thái Bình nơi xảy ra sự việc thầy giáo bị tố gạ tình nữ sinh.

“Nhà trường muốn bảo vệ thanh danh, bảo vệ giáo viên và học sinh thì cần có bộ quy tắc ứng xử và phải đưa nó vào vận hành một cách nghiêm chỉnh. Bên cạnh đó là vai trò của công tác đào tạo trong nhà trường còn nhiều hạn chế, không chú ý đến năng lực thực hành cho người làm nghề, năng lực xử lý tình huống sư phạm không được coi trọng…”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

PGS Nam diễn giải thêm: "Năng lực thực hành của sinh viên sư phạm, nói cách khác là cách vận dụng các kiến thức đã học từ nhà trường vào thực tế triển khai dạy học chưa được quan tâm. Nếu đánh giá về mặt phẩm chất thì không thể nào tổ chức thi được mà phải đưa ra tình huống xem người ta xử lý ra sao. Thậm chí phải có bài trắc nghiệm đánh giá xu hướng về mặt nhân cách xem người đó có xu hướng bạo lực hay không, tâm trạng có luôn lo lắng và dễ nổi cáu hay không, như vậy mới có thể chọn lựa được người phù hợp trong ngành".

Tác giả: Nguyễn Hằng

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP