Du lịch

"Rùng mình" với món đặc sản sâu bướm Mopane của Nam Phi

Nếu như ở Việt Nam, nhắc đến đặc sản côn trùng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến món “đuông dừa”. Thế nhưng, món này không là gì so với “sâu bướm Monape”.

Bất chấp vẻ ngoài kinh dị, sâu bướm Mopane là món ăn ưa thích đầy bổ dưỡng của một bộ phận các nước miền nam châu Phi. Thậm chí giá thành đắt đỏ không kém cạnh gì so với những món ăn nổi tiếng trên thế giới.

Món sâu bướm Mopane trông khá kinh dị nhưng rất bổ dưỡng.

Rất được ưa chuộng tại châu Phi

Những loài côn trùng như dế, cào cào, bọ cạp hay một số loại côn trùng như kiến, châu chấu…trở thành món ngon độc đáo là điều không mấy xa lạ với con người. Thế nhưng đa số mọi người có thể sẽ rùng mình khi nghĩ đến việc ăn một con sâu hoặc sâu bướm. Có thể những loài sâu trơn nhẵn trắng múp hoặc xanh mát trông hiền lành có thể sẽ khiến nhiều người suy nghĩ về việc ăn thử, nhưng để có thể thưởng thức loại côn trùng lông lá và đáng sợ thì sẽ cần nhiều can đảm hơn thế.

Loài côn trùng lông lá đang được nhắc đến là Mopane, một con sâu bướm lớn thuộc loài Gonimbrasia belina, thường được gọi là “Bướm đêm Hoàng đế”. Nó được đặt tên là mopane, vì nó ăn lá cây mopane sau khi nở vào mùa hè và chỉ có thể được tìm thấy ở các quốc gia Nam Phi.

Mỗi quốc gia khác nhau, món sâu bướm Mopane được gọi với cái tên khác nhau như: ở Botswana được gọi là “phane”; ở Zimbabwe và một phần của Nam Phi gọi là “mashonja” và “omangungu” ở Namibia…

Không có tài liệu lịch sử về món ăn sâu bướm Mopane ở Zimbabwe. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một hố thời kỳ đồ đá được phát hiện tại hang Pomongwe ở Zimbabwe trong đó có một ổ sâu bướm mopane khô được cho là đã gần 6.000 năm tuổi.

Sởn da gà với món ăn từ những con sâu như thế này.

Các nhà thám hiểm châu Âu và những người định cư đầu tiên đến miền nam châu Phi vào thế kỷ 19 đã ghi lại việc thu thập và tiêu thụ sâu bướm. Nhiều hé lộ rằng đây là một tập tục có từ rất lâu đời của người dân châu Phi.

Tuy vẻ ngoài trông có vẻ gớm ghiếc nhưng loài sâu này được coi là nguồn protein dồi dào cho người dân nghèo châu Phi qua nhiều thế hệ và tới thời điểm hiện tại nó rất được ưa chuộng. Nhất là ở Zimbabwe, sâu bướm Mopane là một trong những món ăn đặc sản phổ biến ở cả nông thôn lẫn thành thị. Chúng có sẵn trong hầu hết từ các siêu thị, những nhà hàng đắt tiền đến các quán ăn tại địa phương và có giá cao hơn hầu hết các loại thực phẩm khác.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sâu bướm Mopane có hàm lượng protein gấp ba lần thịt bò. Ngoài ra, sâu bướm Monape còn là một nguồn cung cấp đáng kể các chất kali, natri, canxi, phốt pho, magie, kẽm, mangan, đồng.

Một chuyên gia dinh dưỡng người Zimbabwe, ông Marlon Chidemo chia sẻ, “Sâu bướm Mopane được ưa thích bởi giá trị dinh dưỡng với hàm lượng protein cao, với phần chủ yếu trong món ăn này là sắt và canxi. Thậm chí việc ăn Mopane còn góp phần bảo vệ môi trường và hạn chế việc sát hại động vật”.

Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), sâu bướm Mopane là một trong những sản phẩm tài nguyên lâm nghiệp nổi tiếng và quan trọng nhất về kinh tế của vùng rừng mopane ở miền nam Zimbabwe, Botswana và miền bắc Nam Phi. Cụ thể, vào những năm 1990, hàng trăm tấn sâu bướm Monape đã được xuất khẩu từ Botswana và Nam Phi mỗi năm.

Mỗi năm Nam Phi buôn bán 1,6 triệu kg sâu bướm Mopane.

Ước tính chỉ riêng Nam Phi đã buôn bán 1,6 triệu kg sâu bướm Mopane hàng năm. Ngành công nghiệp này tạo ra khoảng 8 triệu USD hàng năm cho khu vực này. Còn tại thời điểm hiện tại, người ta ước tính rằng 9,5 tỷ sâu bướm Mopane hàng năm được thu hoạch ở Nam Phi trên 20.000km2 rừng cây mopane. Số sâu bướm này này trị giá 85 triệu USD.

Với giá trị dinh dưỡng cao và quan trọng hơn, sâ bướm Mopane đòi hỏi rất ít nguồn lực sản xuất ra nó. Do vậy buôn bán loại thực phẩm này đã trở thành một ngành công nghiệp trị giá triệu đô, đem lại thu nhập cố định cho phụ nữ và trẻ em ở những vùng nông thôn nghèo. Được biết, mặc dù sở hữu giá thành “trên trời”, khoảng 600 USD/kg (tương đương gần 14 triệu đồng) và được nhiều người săn lùng.

Ngoài ra, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sâu bướm Mopane không chỉ tốt về dinh dưỡng, mà chúng còn có thể là chìa khóa để duy trì sự cân bằng sinh thái nơi các rừng cây mà chúng sinh sống. Thế nhưng hiện nay, thuốc trừ sâu, nạn phá rừng và khai thác quá mức đang là vấn đề then chốt ảnh hưởng đến nguồn cung của món ăn giàu dinh dưỡng này. Nhiều doanh nghiệp địa phương đang lên phương án trồng cây mopane và quy hoạch nuôi loại sâu bướm này để đảm bảo nguồn thu.

Món đặc sản rùng rợn có “1-0-2”

Người dân các nước Nam Phi thường thu hoạch sâu bướm sau bão, đặc biệt là ở Zimbabwe. Cụ thể, thời điểm thu hoạch tốt nhất là cuối giai đoạn ấu trùng và trước khi nở thành bướm và sau mùa mưa. Kích cỡ trung bình của sâu bướm khi thu hoạch sẽ dài khoảng gần một bàn tay và to cỡ một điếu xì gà.

Người ta thường dùng tay nhặt chúng trên cây hoặc rung mạnh để chúng rụng xuống từ những cành cao hơn, sau đó bỏ vào thùng. Đối với những con cứng đầu, nó sẽ tiết ra một chất dịch nhầy trơn trượt để trốn thoát khỏi tay người bắt, lúc này người ta sẽ dùng một que dài để gạt chúng rơi xuống.

Một trong những bước đầu tiên cho việc chế biến món này là ép và lấy các thành phần bên trong của nó ra, thành phần này giống như một chất nhờn màu xanh nhạt. Sau đó, người ta chế biến bằng cách luộc chín trong nước muối rồi phơi nắng hoặc hun khói để tăng mùi vị. Trong mùa thu hoạch, các cổng và tường nhà sẽ “được” bao phủ bởi hàng nghìn con sâu bướm Mopane phơi khô trong nắng nóng. Tuy đơn giản nhưng công đoạn này sẽ mất nhiều thời gian.

Nếu chế biến công nghiệp, chúng được sấy khô và đóng hộp rồi đem bán tại các chợ ở khắp miền Nam châu Phi. Tại các khu chợ địa phương, hình ảnh người dân thường mua một đến hai cốc Mopane và ăn ngay lập tức là điều hết sức bình thường.

Đa phần người bán đều cho phép ăn thử để cảm nhận hương vị. Thường Mopane sẽ được phân loại theo kích cỡ và khu vực thu hoạch. Có nhiều vị khách khó tính thậm chí còn hỏi về nguồn gốc và sau đó chọn mua ở một địa phương khác vì theo họ, sản phẩm ở nơi đó có mùi vị độc đáo hơn.

Nếu là người dân bản địa, họ có thể ăn sống và tươi ngay khi vừa lấy từ trên cây xuống. Khi chúng còn tươi, chúng ít dai hơn và hương vị đặc biệt và độc đáo của chúng không bị pha loãng bởi các thành phần khác.

Ít độc đáo hơn, sâu bướm Mopane sau khi phơi khô có thể ăn được luôn. Còn nếu không, sâu Mopane cũng có thể hầm, luộc như các loại thịt thông thường, vị vẫn rất ngon. Ngoài ra, sâu Mopane vẫn có thể nấu theo nhiều cách khác nhau, ví dụ như trộn với nước xốt bơ cay hoặc xốt đậu phộng và dùng chúng với cháo ngô Nshima. Vị của chúng giống như khoai tây chiên muối và rất giòn.

Trong tất cả các món trên thì sâu bướm Mopane khô vẫn được ưa chuộng nhất ở Zimbabwe và một số vùng lân cận ở miền nam châu Phi. Thậm chí, đây là một món ăn đặc biệt và thường chỉ được ăn trong dịp quan trọng như Giáng sinh ở châu Phi.

Có thể đối với nhiều người, sâu bướm Mopane là một món ăn rùng rợn. Thế nhưng ở mỗi nơi khác nhau, mỗi món ăn được làm ra đều có nguyên do của nó. Với mùi vị béo ngậy, sâu bướm Mopane vẫn là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng đối với những người dân nghèo ở châu Phi suốt bao thế hệ qua.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP