Giáo dục

Rao bán đề tài như rau: Vì sao sân chơi khoa học bị biến tướng?

Nhiều người cho rằng, thay vì đầu tư học thêm hàng năm trời, cố gắng mua công trình khoa học để con đoạt giải và tuyển thẳng vào đại học vẫn có lợi hơn.

"Đi tắt" để được vào đại học?

Trao đổi với PV Dân trí, một phụ huynh từng đứng ra tố cáo những tiêu cực trong chấm thi "Sáng tạo khoa học kỹ thuật" cấp THPT cho biết, thời điểm đó sở dĩ anh là một trong những người đứng ra tố cáo vì muốn cuộc thi được công bằng và minh bạch hơn.

Sự việc đã trôi qua vài năm, mọi ồn ào của sự việc ở thời điểm đó đã lắng xuống nhưng tâm niệm của những người làm cha, làm mẹ như anh vẫn mong muốn trả lại công bằng vốn có cho một cuộc thi vốn dĩ rất tốt đẹp.

Trên diễn đàn sáng tạo khoa học kỹ thuật, ngoài các thông tin rao bán đề tài, một số người phản đối việc mua bán nhưng những ý kiến này ít thu hút tương tác và việc mua bán vẫn diễn ra sôi động.

Một công trình khoa học người rao bán gửi đến chúng tôi khi được đặt vấn đề hỏi mua để tham gia thi (Ảnh: T.L).

Thành viên Phạm Gia Khánh tỏ ra bức xúc: "Tại sao các thầy cô phải đi mua sản phẩm khoa học kỹ thuật vậy ạ??? Em đi thi thấy đa số sản phẩm đều đã qua mua bán, và đáng lẽ ra những sản phẩm đó không đáng để được giải.

Không những thế, các sản phẩm này còn được giải cao hơn những sản phẩm mà các bạn học sinh thực sự lên ý tưởng, thực sự làm. Đặc biệt, có những sản phẩm quá ảo, quá sức so với một học sinh trung học, đa số nằm ở lĩnh vực sinh hóa…

Học sinh trung học nghiên cứu được công nghệ gen, chống ung thư…. Có vẻ các ban giám khảo đã cố tình lờ đi những điều này ở các sản phẩm.

Em là một trong số ít học sinh trung học có niềm đam mê với khoa học kỹ thuật. Em thực sự thấy khó chịu khi một sản phẩm mất gần hai tháng để lên ý tưởng, lập trình và hơn 30 phút trình bày và phản biện, bảo vệ ý tưởng... nhưng không bằng một sản phẩm đi mua. Đối thủ chỉ việc học thuộc thuyết trình trong một tuần, đứng trước ban giám khảo và không trả lời được câu hỏi nào.

Em chỉ mong rằng các thầy cô giám khảo hãy đánh giá đúng những sản phẩm trong quá trình chấm để trao thưởng cho những tác giả thực sự, những người thực sự đã bỏ chất xám, công sức và tiền bạc ra để có được sản phẩm đi thi".

Thông tin rao bán công trình khoa học cho học sinh được rao công khai trên mạng xã hội (Ảnh: T.L).

Dương Thế Long, Giám đốc kỹ thuật và là người đồng sáng lập của Học viện Công nghệ BrickOne nói, sở dĩ có hiện tượng mua bán rầm rộ các công trình nghiên cứu khoa học cho học sinh mang đi thi bởi những em đoạt giải sẽ "ẵm chắc" suất tuyển thẳng vào đại học. Một khi bỏ chính sách này, có lẽ kỳ thi sẽ được trả lại tên đúng nghĩa hơn.

Cùng quan điểm trên đây, một giảng viên CNTT xin được giấu tên cũng cho rằng, nhiều người nhận thấy, thay vì đầu tư cho con học thêm vất vả tốn kém từ năm này qua năm khác, họ bỏ tiền mua công trình nghiên cứu khoa học để con mang đi thi và đoạt giải sẽ được lợi hơn.

"Thậm chí nhiều người khi rao bán đề tài còn khẳng định, mình có thể liên kết với ban giám khảo đế đoạt giải. Tôi nghĩ đến hai vấn đề: Thứ nhất có thể điều đấy là sự thật nhưng cũng có thể cũng chỉ là trò quảng bá để bán sản phẩm và người mua phải cẩn trọng", chuyên gia này nói.

Người lớn ngừng ngay giả dối

Cũng theo giảng viên CNTT trên đây, giám khảo sẽ dễ dàng phát hiện ra công trình trên có phải của học sinh đó hay không nếu họ làm hết trách nhiệm.

"Tôi từng tham gia chấm giải KHKT dành cho thanh thiếu niên từ nhiều năm trước đây và có thể tự hào, chúng tôi đã luôn làm việc rất công tâm.

Trong bất cứ trường hợp nào, tôi tin giám khảo sẽ không khó khăn khi thật sự muốn biết công trình đó có phải do học sinh thực hiện hay không. Vấn đề ở chỗ, giám khảo muốn, hay không muốn phát hiện sự giả dối".

Trước ý kiến phản đối việc "đi tắt đón đầu", làm bất cứ gì trong chuyên ngành nào mà không cần kiến thức nền- trong đó có cả nghiên cứu, ông Ngô Đức Thế, một nhà khoa học hiện đang làm việc tại Anh cũng phản đối các hình thức giả tạo ở các cuộc thi khoa học kỹ thuật cho học sinh như hiện nay.

Sở dĩ anh lo ngại bởi chúng ta sẽ đào tạo ra một thế hệ mới giả dối núp dưới vỏ bọc những người có trình độ khoa học - xét về mặt chung cho xã hội.

Còn đối với khoa học, nó cũng nguy hiểm ở chỗ nó bóp méo khoa học và gieo mầm suy nghĩ sai lệch về thực sự nghiên cứu khoa học là gì, và cũng nguy hiểm hơn nếu như những hạt nhân khoa học cho tương lai được đào tạo từ gốc như vậy. Các em học sinh có lẽ còn nhỏ, chưa đủ lớn để phải chịu sức ép xã hội về tệ nạn giả dối này nhưng người lớn cần ngừng ngay những hành vi giả dối đó.

Nhiều người bán khẳng định, một công trình bán nhiều lần cũng không sao, miễn người mua khác tỉnh vì ban giám khảo là của tỉnh (Ảnh: T.L).

Trước những thông tin ồn ào về tính minh bạch ở một số đề tài "Sáng tạo khoa học kỹ thuật", "ông già ô zôn"- TS Vật lý Nguyễn Văn Khải cho biết, ông rất quan tâm đến các thông tin trên báo chí, mạng xã hội xung quanh hai dự án thi khoa học kỹ thuật của học sinh phổ thông được đưa đi dự thi quốc tế mới đây.

Cả hai dự án nói trên đều gây băn khoăn, nghi ngờ trong giới khoa học và dư luận vì vượt quá xa khả năng của học sinh phổ thông và có những nội dung tượng tự các đề tài thạc sĩ, tiến sĩ trước đó.

Trường hợp các học sinh không chứng minh được là chủ nhân thực sự của các dự án nói trên, thì các cá nhân liên quan phải xin lỗi, trả lại giải thưởng và chịu kỷ luật theo quy định.

TS Nguyễn Văn Khải nhắc lại câu nói ông rất tâm đắc và khẳng định trong mọi trường hợp, cần kiểm nghiệm chặt chẽ về tính ứng dụng, tính khả thi và hiệu quả của mọi đề tài, dự án khoa học, trong đó có đề tài của học sinh thi KHKT quốc gia.

Tác giả: Hạnh Nguyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP