Xã hội

Ram rán nuôi chí bền

Cái mảnh đất kỳ lạ sản sinh ra vô số đặc sản từ bàn tay người nghèo.


Trước, vốn dĩ cái thị xã nghèo quẫn này không có tên đường phố. Đường Phan Đình Phùng - lúc chập chiều đã đen thủi lủi, sáng sớm mờ mịt sương khiến người chạy bộ phải mang theo đèn pin mới khỏi va vào nhau.

Trục đường từ chợ tỉnh kéo về phía Hộ Độ, nơi trở thành nỗi nhớ khi "em ở Thạch Kim sao bảo anh là Thạch nhọn" quanh năm trũng nước, có một quán ăn sáng ven đường.

Bánh đa nem, chưa ở đâu có cái vị mặn đơ như vậy. Không phải màu trắng tinh, mà là xỉn màu rám nắng, mặn mòi như màu áo tơi mẹ quấn trên vai qua mấy mùa mưa nắng cày đồng.

Một ít thịt băm nhỏ, chút miến gạo ngâm nước, ít hành lá thái mịn, trộn đều, với thứ nước mắm 'Thạch nhọn' không phải bươn chải quá xa đường đất, bà Nuôi Anh sáng tạo ra món ăn chân chất đồng quê, mà ai đi xa cũng phải tìm về.

Ram rán thơm lừng mùi mỡ già, giòn rộp, quấn bánh mướt làm từ gạo quê, cắm sâu vào bát nước mắm se sắt vị ớt, ấm tới tận cuống họng.

Quán ram nổi tiếng của bà Nuôi

Một bàn tay bà nuôi lớn đàn con thơ dại, từ món quà quê đơn giản mà bà sáng tạo ra đó. Rồi lớp con, lớp cháu kế tục, sáng tạo ra giò nạc giã tay, giò mỡ nhiều bì, giò lắt để nguyên thỏi thịt, kẹp với bánh cặp, gìn giữ miền ký ức những đứa trẻ xa quê mưu sinh, chỉ mong một ngày về lại được ăn bốc với những thứ quà sáng dân dã.

Rất ngẫu nhiên, con đường không tên nơi người mẹ già sáng tạo món quà sáng đó, được gọi là đường Nguyễn Công Trứ, người quai đê lấn biển, giúp bà con Tiền Hải, Thái Bình có được cuộc sống vươn mình.

Sức sáng tạo của những bà, những mẹ ở nơi khắc nghiệt nhất, đã luôn là hành trang cho những đứa con quật cường và kiên định bước chân đi xa có món tài sản vô giá trong cuộc đời: Ý chí.

Tác giả bài viết: Trường Minh

Nguồn tin:

  Từ khóa: sản sinh ,vô số ,bàn tay

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP