Trong nước

Ra mắt Hội đồng Lý luận T.Ư nhiệm kỳ mới, ông Nguyễn Xuân Thắng làm Chủ tịch

Thành viên Hội đồng Lý luận T.Ư nhiệm kỳ mới gồm 50 người. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Hội đồng.

Ra mắt Hội đồng Lý luận T.Ư nhiệm kỳ mới (ảnh TTXVN)

Sáng 12/9, Hội đồng Lý luận T.Ư, nhiệm kỳ 2021-2026 đã ra mắt và tổ chức kỳ họp thứ nhất.

Trước đó, ngày 6/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định số 26-QĐ/TW về việc thành lập Hội đồng Lý luận T.Ư trực thuộc Bộ Chính trị khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026.

Thành viên Hội đồng Lý luận T.Ư nhiệm kỳ mới gồm 50 người do Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng làm Chủ tịch Hội đồng.

Cũng theo Quyết định của Bộ Chính trị, Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận T.Ư nhiệm kỳ 2016 - 2021 được cử làm Phó Chủ tịch Thường trực.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch chuyên trách nhiệm kỳ 2016 - 2021, làm Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ông Bùi Nhật Quang, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam làm Phó Chủ tịch kiêm nhiệm và Tiến sĩ Bùi Trường Giang, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ ra mắt và Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác lý luận đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và yêu cầu cụ thể mà Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Thường trực Ban Bí thư yêu cầu Hội đồng Lý luận T.Ư nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tư duy lý luận, tư duy phát triển, nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; tổ chức triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao.

Hội đồng Lý luận T.Ư cần chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan nghiên cứu, tập hợp đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học và giới lý luận cả nước, tiến hành tổng kết thực tiễn, nghiên cứu rút ra những bài học kinh nghiệm, những đặc trưng cơ bản, những vấn đề có tính quy luật của mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; tổng kết 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới và 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tạo tiền đề quan trọng cho việc bổ sung, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, Cương lĩnh của Đảng trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tác giả: Văn kiên

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP