Trong tỉnh

Quỳnh Thuận - Quỳnh Lưu: Vi phạm ATVSTP và có dấu hiệu ăn bớt khẩu phần ăn

Năm học 2018 - 2019, cùng với việc đổi mới phương pháp dạy và học, đầu tư cơ sở vật chất thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các bếp ăn ở các trường học luôn được các bậc phụ huynh và toàn xã hội quan tâm, bởi nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe của học sinh, giúp các em phát triển cả về thể chất và trí tuệ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Sơ chế thực phẩm không có thiết bị bảo hộ lao động tại trường mầm non Quỳnh Thuận.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm nào đối với học sinh bán trú. Việc sử dụng nguồn thực phẩm tại các trường học có tổ chức bữa ăn bán trú nếu không đảm bảo ATVSTP rất dễ dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của học sinh, gây lo lắng, hoang mang cho các bậc phụ huynh. Vì vậy, ngay từ đầu năm học, ngành giáo dục có công văn chỉ đạo các trường học tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng công tác bán trú trong nhà trường. Hằng năm, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế tổ chức nhiều đợt kiểm tra chất lượng, ATVSTP tại bếp ăn bán trú ở các trường học trên địa bàn.

Tình trạng mất ATVS khi chế biến thực phẩm tại trường mầm non Quỳnh Thuận

Nhưng theo ghi nhận của phóng viên tại trường mầm non xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An lúc 9h15 ngày 2 tháng 11 năm 2018 tại bếp ăn của trường thì các nhân viên bếp của trường khi chế biến thực phẩm không có bảo hộ lao động theo quy định, và thức ăn được sơ chế trên tấm bạt trải trên nền nhà, ruồi bọ bâu đầy rất mất vệ sinh. Và thức ăn của 369 cháu bán trú của trường, ngày 2 tháng 11 mà phóng viên tiếp cận được là 9kg rau củ, và 8 con gà đang được sơ chế.

Trao đổi với phóng viên, khi được hỏi về thực đơn của các cháu hôm nay thì được vị hiệu trưởng này trả lời, hiện tại trường có 369 cháu ăn bán trú, với mức thu 16.000 đ/cháu/ngày. Thực đơn hôm nay là 39 kg gà lấy thịt xay nấu cho các cháu, còn xương gà cổ cánh để hầm canh. Nhưng theo quan sát của phóng viên thì chỉ có 8 con gà, mà như thế thì trọng lượng của mỗi con gà phải đạt gần 5 kg mới đủ yêu cầu của vị hiệu trưởng này, 8 con gà là 39 kg. Khi phóng viên tỏ ý muốn tiếp cận các văn bản, hợp đồng, hóa đơn mua thực phẩm của trường thì đồng chí hiệu trưởng này bỏ ra ngoài gọi điện thoại, tầm 40 phút sau mới quay lại và trình bày với phóng viên là vừa liên hệ với trưởng phòng giáo dục huyện. Và không cung cấp hồ sơ cho phóng viên tìm hiểu.

Hóa đơn bán lẻ được cô phó hiệu trưởng trường này cung cấp cho phóng viên

Thiết nghĩ, để công tác đảm bảo ATVSTP được hiệu quả, giúp các em phát triển một cách toàn diện, cần có sự giám sát chặt chẽ giữa ngành Giáo dục và ngành Y tế trong việc kiểm soát ATVSTP, sự chung tay của các nhà trường và các bậc phụ huynh về mức đóng góp, xây dựng chế độ ăn phù hợp với lứa tuổi phát triển của các em… Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất ATVSTP tại bếp ăn, từ đó kịp thời nhắc nhở, có biện pháp xử lý nghiêm khắc (nếu có) đối với các hành vi vi phạm.

Tác giả: PV

Nguồn tin: hoanhap.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP