Xã hội

Quỳnh Lưu: Văn nghệ quần chúng, góp phần phục vụ các sự kiện chính trị địa phương

Văn nghệ quần chúng là công cụ, vũ khí sắc bén của Đảng và cách mạng trong quá trình giáo dục chính trị tư tưởng, quá trình đổi mới và đấu tranh với những cái lỗi thời, lạc hậu; là món ăn tinh thần của người dân, góp phần thiết thực phục vụ các sự kiện chính trị của địa phương. Qua đó, tạo không khí thi đua sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân; động viên, khích lệ nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Có lẽ chưa bao giờ ở mảnh đất còn nhiều khó khăn của miền Tây huyện Quỳnh lại có phong trào văn hóa - văn nghệ phát triển mạnh như hiện nay. Với việc thành lập các câu lạc bộ và tổ chức giao lưu văn nghệ quần chúng, Quỳnh Thắng đang thực sự tạo sân chơi văn hóa tinh thần lành mạnh, góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng cơ sở vững mạnh trên địa bàn.

Nói đến văn nghệ quần chúng ở đây phải kể đến đội văn nghệ của Câu lạc bộ Dân ca ví giặm. Câu lạc bộ được thành lập năm 2013 với 34 thành viên (Thành viên nhiều tuổi nhất sinh năm 1937 và thành viên nhỏ tuổi nhất sinh năm 2004). Câu lạc bộ được thành lập ngoài mục đích gìn giữ các làm điệu dân ca của quê hương còn là nơi để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức trong cuộc sống của các thành viên và qua đó để tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng các làn điều dân ca trong các tầng lớp nhân dân; phục vụ các sự kiện chính trị của huyện, địa phương, thôn xóm. Chị Vũ Thị Quế - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca ví giặm xã Quỳnh Thắng chia sẻ: "Câu lạc bộ Dân ca ví giặm xã Quỳnh Thắng được thành lập năm 2013 với 34 thành viên, Câu lạc bộ luyện tập tại nhà văn hóa khi rảnh rỗi, thường xuyên giao lưu với các xã lân cận; đặc biệt tích cực tham gia các cuộc thi, hội diễn do huyện, tỉnh tổ chức. Trong quá trình luyện tập, giao lưu, các thành viên còn chia sẻ cho nhau những kiến thức để xoá đói giảm nghèo, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống tệ nạn xã hội… thông qua điệu ví giặm. Hiện nay, ngoài việc tập luyện của các thành viên, Câu lạc bộ còn tổ chức dạy các làn điệu dân ca cho 16 cháu, cháu nhiều tuổi nhất là 11 tuổi và ít tuổi nhất là 7 tuổi".300

van+nghe
Đoàn văn nghệ quần chúng tham gia liên hoan Dân ca ví , dặm Nghệ Tĩnh do tỉnh Nghệ An tổ chức

Xác định tầm quan trọng của phong trào văn nghệ quần chúng nên thời gian qua huyện luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phong trào này và được thể hiện rõ nét qua việc chỉ đạo các phòng, ban, ngành của huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng đội văn nghệ và thành lập các loại hình câu lạc bộ ở các xã, thị trấn như: Câu lạc bộ Dân ca ví giặm, Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, Câu lạc bộ Không sinh con thứ ba, Câu lạc bộ Giúp nhau phát triển kinh tế... tích cực sinh hoạt và biểu diễn vào các dịp lễ, tết và ngày hội của các xã, thị trấn; đặc biệt là tham gia hội thi tiếng hát Làng Sen được tổ chức định kỳ hàng năm. Thành viên của các câu lạc bộ, đội văn nghệ thường là những hạt nhân ở cơ sở, trong đó có cả những nghệ nhân cao tuổi. Mỗi câu lạc bộ, đội văn nghệ được thành lập thường có từ 10 đến 15 thành viên, có Ban chủ nhiệm câu lạc bộ, nội dung sinh hoạt của các đội văn nghệ, câu lạc bộ thường được duy trì thường xuyên trong tháng vào những khi thời gian rỗi. Đến với câu lạc bộ, các thành viên không chỉ có múa, hát, sinh hoạt văn nghệ mà đó còn là sân chơi, nơi chia sẻ những tâm tư tình cảm của mỗi cá nhân, thành viên câu lạc bộ khi gặp khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống để mọi người cùng tìm cách tháo gỡ. "Nhờ thực hiện tốt việc tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn mà đến nay toàn huyện có 100% xã, thị trấn trong huyện có đội văn nghệ, 456 câu lạc bộ văn nghệ, thể thao trong các thôn, khối, bản. Các đội văn nghệ và câu lạc bộ hoạt động thường xuyên, đặc biệt là một số xã đã thành lập được đội văn nghệ người cao tuổi, đội văn nghệ thanh niên, đội văn nghệ phụ nữ..." - Đồng chí Phạm Văn Giang - Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết thêm.

Phong trào văn nghệ quần chúng luôn nhận được sự quan tâm và nhiệt tình hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân không chỉ về tinh thần mà còn cả vật chất bằng việc quyên góp ủng hộ tiền của nhân dân để xây dựng Nhà văn hóa (Toàn huyện có 374/406 nhà văn hóa thôn, bản, khối), ủng hộ tiền để duy trì hoạt động thường xuyên của các đội văn nghệ và câu lạc bộ... Cũng từ những sinh hoạt văn nghệ này mà người dân trong xã, trong thôn, bản sống đoàn kết hơn, biết giúp nhau trong sản xuất và đời sống; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các tệ nạn xã hội dần được loại ra khỏi đời sống cộng đồng.

Phong trào văn nghệ quần chúng đã phát triển rộng khắp ở các địa phương trong huyện và phát huy hiệu quả thiết thực trong việc tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị của các địa phương và góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, để các câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng phát triển bền vững, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Thực tế hiện nay các địa phương vẫn chưa thu hút được nhiều người có năng khiếu tham gia vào các đội, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng. Đặc biệt, kinh phí duy trì hoạt động của các đội, câu lạc bộ văn nghệ hầu hết đều do các thành viên tự đóng góp. Nhiều đội văn nghệ sau một thời gian thành lập đã không duy trì hoạt động thường xuyên do thiếu kinh phí hoạt động tập luyện, biểu diễn. Một số đội văn nghệ sau khi tập hợp được đủ số lượng diễn viên lại thiếu nhạc công, thiếu đạo cụ để tập luyện… Vì vậy, nhiều đội, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng hoạt động cầm chừng, theo “mùa vụ”, hoặc chỉ khi có hội thi, hội diễn các đội mới tập hợp thành viên… Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần có sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện, hỗ trợ cho các đội văn nghệ hoạt động. Ngoài ra, các đội, câu lạc bộ văn nghệ cần năng động, sáng tạo, tìm ra các phương thức hoạt động hiệu quả theo phương châm xã hội hóa để duy trì hoạt động. Có như vậy phong trào văn nghệ quần chúng mới phát triển bền vững./.

Tác giả bài viết: An Hà (Phó Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP