Pháp luật

Quỳnh Lưu, Nghệ An: Xe quá tải “băm nát” đường nguyên liệu

Từ nhiều năm nay, tuyến đường nguyên liệu dứa đi qua các xã Quỳnh Châu, Quỳnh Thắng, Tân Thắng của huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An luôn trong tình trạng phải “oằn mình” vì xe quá tải cày nát liên tục. Nhiều đoạn đường đã xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Chính quyền địa phương đã huy động gần 20 tỷ đồng để sửa chữa nhưng nguy cơ hư hỏng lại hiện hữu trước mắt.


221600baoxaydung image001

Xe quá tải “băm nát” đường nguyên liệu

Để phát triển vùng nguyên liệu công nghiệp trên địa bàn các xã phía Tây của huyện Quỳnh Lưu, từ năm 2002, một tuyến đường rải nhựa đã được đầu tư, nâng cấp, mở rộng từ QL 48 rẽ vào các xã Quỳnh Châu, Quỳnh Thắng và Tân Thắng, với tổng chiều dài gần 40km. Việc đầu tư tuyến đường này đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây cũng được xem như tuyến đường quan trọng trong việc vận chuyển nguyên liệu từ cây công nghiệp trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu và các nơi khác qua lại. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, tuyến đường nguyên liệu dứa đã xuống cấp nghiêm trọng.

Đường nguyên liệu được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2004 nhằm giúp bà con vùng miền Tây của huyện Quỳnh Lưu vận chuyển nông sản qua lại. Tuy nhiên, chỉ hơn 10 năm đưa vào sử dụng, nhiều đoạn đường đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, trong những năm gần đây, việc xe siêu trường, siêu trọng ngang nhiên qua lại đã khiến con đường xuống cấp nay càng hư hại nặng nề hơn.

Lần theo phản ánh của người dân, những ngày trung tuần tháng 4/2016, dọc theo tuyến đường nối liền từ QL 48 xuất phát từ xã Quỳnh Châu đi qua nhà máy chế biến dứa xuất khẩu rồi xuôi về hướng QL 1A, chúng tôi bắt gặp hàng chục xe tải trọng lớn đang nối đuôi nhau “tung tăng” trên đường. Bụi bặm, đất đá rơi vung vãi trên đường khiến người tham gia giao thông đi lại rất nguy hiểm, khổ sở. Nhiều ổ voi dày đặc tạo thành những vũng nước bẩn gây khó khăn cho người dân qua lại tuyến đường này.

Cũng theo phản ánh của người dân, sở dĩ những chiếc xe siêu trường, siêu trọng thường xuyên lưu thông trên tuyến đường này là vì họ muốn rút ngắn thời gian qua lại cũng như né tránh các cơ quan chức năng. Cụ thể, khi các xe tải trọng lớn chuyên chở đá, nguyên liệu từ các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn muốn đi xuống vùng cảng biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) hoặc thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) thì phải theo hành trình từ QL 48 xuống QL1A. Tuy nhiên, từ khi đường nguyên liệu được nâng cấp, tu sửa nhiều cầu cống kiên cố, việc đi lại dễ dàng hơn nên các xe siêu trường, siêu trọng đã chọn lối tắt khi đi qua đây để xuống QL1A. Một điều nữa, khi đi qua đường nguyên liệu, việc né tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng cũng dễ dàng hơn? Chính vì vậy, thời gian gần đây, việc xe quá tải đã đua nhau “băm nát” đường nguyên liệu là điều dễ hiểu.

Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ các xe tải trọng lớn từ các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn… đi qua đường nguyên liệu mà ngay tại địa bàn huyện Quỳnh Lưu cũng có rất nhiều doanh nghiệp “góp sức” cho việc phá nát tuyến đường này trong những năm trở lại đây. Hiện nay, trên địa bàn các xã như Quỳnh Châu, Quỳnh Thắng, Quỳnh Tân… đều có các mỏ khoáng sản đang khai thác, hoạt động. Riêng tại địa bàn giáp ranh giữa xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu) và phường Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai), mỗi ngày có hàng chục lượt xe tải chở đá với khối lượng lớn từ mỏ của Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu ra đường nguyên liệu để xuống QL1A. Tình trạng này đã gây bức xúc cho người dân nhưng phía Công ty này vẫn chưa có biện pháp khắc phục. Cũng ngay đầu con đường nguyên liệu, tại xã Quỳnh Châu, xe chở nguyên liệu đá từ trong mỏ của Công ty Cổ phần Sông Đà - Trường Sơn (thuộc Tổng Công ty Hợp tác Kinh tế Quân khu 4) “góp phần” không nhỏ trong việc gây ra sụt lún, xuống cấp con đường này.

Sửa đường xong nguy cơ lại bị “băm nát” ?

Được biết, trước thực trạng đường nguyên liệu xuống cấp nghiêm trọng, vào thời điểm cuối năm 2015, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt dự án sửa chữa tuyến đường vùng dứa phía Bắc của huyện Quỳnh Lưu với chiều dài 10km đoạn qua các xã Quỳnh Thắng, Tân Thắng với tổng số vốn trên 19,5 tỷ đồng. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì đây cũng chỉ là giải pháp “chắp vá” cho tuyến đường nguyên liệu này với tổng chiều dài gần 40km hiện nay vẫn đang bị xe tải trọng lớn đang ngày đêm “cày xới”, gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc đi lại của người dân, tiềm ẩn nguy cơ TNGT ở đây. Mặt khác, trước tình trạng xe tải trọng lớn liên tục lưu thông trên tuyến đường này thì giải pháp nói trên liệu có bền vững? Trong khi đó, nhà nước phải bỏ nguồn vốn không nhỏ để tu sửa, nâng cấp tuyến đường này còn về phía doanh nghiệp vận tải vẫn cứ vô tư phá đường?!

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Hào, Giám đốc BQL dự án huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Tình trạng tuyến đường nguyên liệu trên địa bàn các xã Quỳnh Châu, Quỳnh Thắng, Tân Thắng… xuống cấp trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trước tình trạng trên, sau khi có tờ trình của UBND huyện Quỳnh Lưu, UBND tỉnh cũng đã có quyết định phê duyệt dự án tu sửa tuyến đường này theo tiêu chuẩn đường cấp V miền núi có tải trọng cho phép đối với phương tiện xe cơ giới lưu thông không quá 13 tấn. Thời gian để hoàn thiện thi công tuyến đường này là 24 tháng”. Được biết, sau khi có phê duyệt dự án tu sửa tuyến đường nói trên, hiện nay, đơn vị thi công là Công ty CP XD&TM Việt Phát đang tiến hành tu sửa tuyến đường. Khi phóng viên đặt câu hỏi, liệu sau khi tuyến đường nói trên tu sửa xong mà các phương tiện quá tải trọng cho phép vẫn lưu thông thì địa phương sẽ có giải pháp như thế nào? “Trước mắt, huyện cũng kiến nghị với các cấp, ngành đưa ra giải pháp ngăn chặn tình trạng xe quá tải trọng cho phép lưu thông trên tuyến đường này. Tuy nhiên, để làm triệt để cần sự phối hợp của các ngành vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa” - ông Bùi Văn Hào cho biết thêm.

Trước tình trạng xe quá tải, xe siêu trường, siêu trọng bất chấp các quy định, giới hạn tải trọng của tuyến đường được dùng để phục vụ vận chuyển nông sản, với tải trọng cho phép chỉ 13 tấn cứ “hoành hành” ngày đêm như vậy, liệu rằng khi tuyến đường được đầu tư hơn 19,5 tỷ đồng để sửa chữa có được “yên thân”. Hay phải lại “oằn mình chịu trận” như tuyến đường cũ trước đó để rồi nguy cơ bị “băm nát” xuống cấp tái hiện để rồi trách nhiệm lại chẳng thuộc về ai. Và tiền của bỏ ra để sửa chữa đường lại “xôi hỏng bỏng không” mà đường hỏng vẫn cứ hoàn hỏng.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần sớm có những biện pháp, chế tài xử lý thật thích đáng cũng giải pháp ngăn chặn kịp thời việc xe quá tải lưu thông trên tuyến đường nguyên liệu như hiện nay. Mặt khác, việc né tránh của những chiếc xe vượt quá trọng tải cho phép cũng cần được thường xuyên kiểm tra, xử lý nhằm ngăn chặn những “hung thần” phá nát đường nguyên liệu.

Dưới đây là một số hình ảnh về sự xuống cấp của con đường:

221600baoxaydung image003
221600baoxaydung image005
221600baoxaydung image007
221600baoxaydung image009
221601baoxaydung image011

Tác giả bài viết: Quang Hợp - Quỳnh Ngọc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP