Kinh tế

Quyết định bất ngờ của anh em đại gia Kido Trần Kim Thành

Doanh nghiệp nhà anh em nhà đại gia Trần Kim Thành - Trần Lệ Nguyên đã chính thức hòa vào làn sóng tìm kiếm sức mạnh từ bên ngoài trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng cao.

CTCP Tập đoàn Kido (KDC) vừa thông qua Nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài lên mức 100% ở vào bối cảnh cổ phiếu này giảm sâu gần 30% theo xu hướng chung trên thị trường.

Hiện tượng dòng vốn rút ra khỏi thị trường chứng khoán (TTCK) diễn ra khá mạnh và sự thiếu ổn định của thị trường khiến hoạt động hút vốn phục vụ cho mục đích mở rộng quy mô trở nên không dễ dàng.

Trước đó, không ít doanh nghiệp cũng đã tìm kiếm dòng vốn ngoại thông qua hình thức tìm kiếm nhà đầu tư chiến và nâng room ngoại lên 100% để dễ dàng hơn trong việc kêu gọi sức mạnh từ bên ngoài.

CTCP Dược Hậu Giang (DHG) đã nộp hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xin nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100% và gần đây nhận được đề nghị chào mua công khai cổ phiếu DHG của nhà đầu tư Nhật Taiso với mức giá dự kiến 120.000 đồng/cp, cao hơn khá nhiều so với mức 100.000 đồng/cp trên sàn hiện tại.

Hiện nay, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại DHG giới hạn ở mức 49% vốn và khối ngoại đã lấp gần đầy tỷ lệ này. Trong đó, Taisho Pharmaceutial Co.,Ltd là NĐT nước ngoài sở hữu cổ phần lớn nhất với gần 25% vốn.

Taisho gần đây đề nghị chào mua công khai hơn 9 triệu cổ phiếu DHG với giá dự kiến 120.000 đồng/cổ phiếu với tổng số tiền khoảng 1,1 ngàn tỷ đồng và đã được cả 7 thành viên HĐQT Dược Hậu Giang đồng ý.

Taisho là 1 trong 5 doanh nghiệp dược lớn nhất tại Nhật, với tổng tài sản khoảng 7,2 tỷ USD. Việc NĐT chiến lược Nhật tăng thêm sở hữu tại DHG sẽ đem lại nhiều lợi ích lớn cho doanh nghiệp này, thay vì một cơ cấu nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, đơn thuần đầu tư tài chính như trước kia.

Gần đây, sau khi tăng VĐL lên gấp đôi, "vua tôm" Minh Phú (MPC) của nhà vợ chồng ông Lê Văn Quang - Chu Thị Bình đã mở room ngoại lên 100%, không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Công ty.

Việc tăng vốn nằm trong kế hoạch tăng vốn lên gấp 3 và quay lại sàn niêm yết sau 3 năm huỷ niêm yết tự nguyện của "vua tôm" Minh Phú. Việc mở room ngoại lên 100% cũng là bước đệm để đón thêm các nhà đầu tư mới của Minh Phú.

Ông trùm mía đường Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) của nhà ông Đặng Văn Thành cũng đã hoàn tất nới room lên 100%.

Gần đây, khá nhiều đại gia trong cộng đồng doanh nhân Việt Nam thành công trong việc hút vốn ngoại cho các doanh nghiệp của mình. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã hút vốn thành công cho Vinhomes, Vincom Retial, Vingroup,...

Những cú NĐT ngoại rót tiền hàng trăm triệu USD vào Vincom Retail của ông Phạm Nhật Vượng vào VPBank của ông Ngô Chí Dũng, rồi gần 1 tỷ USD vào Techcombank,... là những thành công khiến không ít các doanh nhân Việt khác khao khát.

Doanh nghiệp mới chào sàn Tập đoàn Yeah1 (YEG) của ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cũng vừa kịp gọi kín tỷ lệ 49% room vốn ngoại. NĐ) nước ngoài đã lấp đầy room 49% tại Yeah1 với những gương mặt như Macquarie Bank Limited, Ancla Asset Limited, DFJ VinaCapital Venture Investment Ltd,....

Nhiều đại gia Thái cũng nhanh chóng tăng tỷ lệ nắm giữ tại doanh nghiệp Việt. Cho tới thời điểm này, Nawaplastic Industries của tỷ phú Thái đã nắm hơn 54% vốn Nhựa Bình Minh (BMP) và cũng đã tăng tỷ lệ nắm giữ tại Nhựa Tiền phong (NTP).

Trái ngược với xu hướng vốn ngoại từ cá NĐT chiến lược đổ vào các doanh nghiệp hàng đầu trên sàn chứng khoán Việt Nam, thanh khoản trên thị trường tập trung đang giảm mạnh. Khối ngoại nhìn chung vẫn bán ròng cổ phiếu trên sàn.

Trong phiên 12/7, thanh khoản trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE) tiếp tục “phá đáy”. Khối lượng khớp lệnh HOSE chỉ đạt vỏn vẹn 1,8 ngàn tỷ đồng, thấp nhất trong 1 năm rưỡi qua. Nó cho thấy, các NĐT vẫn khá thận trọng với xu hướng hiện nay.

Hiện tại, các NĐT trong nước và quốc tế lo ngại về chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung. Đồng NDT của Trung Quốc đã xuống mức thấp kỷ lục. Tỷ giá và lạm phát ở Việt Nam cũng là điều mà nhiều người lo lắng.

Nhiều CTCK dự báo thị trường đã xuống sâu nhưng có thể sẽ còn lình xình, tăng giảm điểm xen kẽ do thanh khoản và niềm tin ở mức thấp.

Kết thúc phiên giao dịch 12/7, VN-index tăng 5,35 điểm lên 898,51 điểm; HNX-Index tăng 1,91 điểm lên 100,43 điểm. Upcom-Index giảm 0,05 điểm xuống 48,28 điểm. Thanh khoản đạt 150 triệu cổ phần. Giá trị đạt 2,8 ngàn tỷ đồng.

Tác giả: V. Hà

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: Chứng khoán ,đại gia

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP