Kinh tế

Quý tử 'phá gia' và giấc mơ nấm bông

Ngày đầu tháng Sáu. Đã gần 3 giờ chiều mà trời vẫn nắng chói chang thiêu đốt. Con đường dẫn từ Quốc lộ 1A vào xã Nghi Kim (thành phố Vinh) vắng hoe. Vì vậy, chúng tôi phải đứng đợi một lúc lâu mới “chộp” được người đi ngang qua để hỏi đường vào xóm 5. “Đó, Cái nhà khung sắt to giữa đồng là của chú Thuận!...” - một chị bịt khẩu trang trùm kín chỉ tay nói với chúng tôi.

“Chú Thuận” tức Phạm Hùng Thuận. Sự trẻ trung của chàng trai vừa bước qua tuổi 28 này khiến tôi bất ngờ. Thuận dẫn chúng tôi vào nhà, thấy khách đến, ông Phạm Hồng Sơn, bố Thuận chạy đi chạy lại, hết rót nước, lấy đá lạnh, lại muốn lấy bia mời khách. Ông nghĩ chúng tôi là bạn hàng của con trai mình đến liên hệ làm ăn. Khi rõ khách là phóng viên, ông kéo chúng tôi đi thăm “gia tài” của con trai mình với vẻ tự hào.

Quý tử "phá gia"

1
Phạm Hùng Thuận (trái) giới thiệu mô hình trồng nấm bông. Ảnh: Đào Tuấn

Sinh ra trong gia đình có tới 8 anh chị em, Thuận là con út. Bố Thuận, ông Phạm Hồng Sơn từng là cán bộ kế toán Huyện ủy Nghi Lộc. Khi các anh, chị em của Thuận cơ bản đã yên ổn thì cậu vẫn lông bông, ham chơi.

Tốt nghiệp xong cấp 3, trong khi bạn bè đi Đông, đi Tây, đứa vào đại học, đứa học nghề hay đi nước ngoài, Thuận thì chơi dài. Mãi sau nhờ mối quen biết cậu xin vào học kiểm soát hàng hóa tại sân bay Nội Bài. Nhưng cũng chỉ được thời gian ngắn Thuận bỏ dở.

Thực ra Thuận cũng “máu” làm giàu lắm, nhất là sau khi cưới vợ vào năm cậu 25 tuổi. Cậu bắt đầu thực hiện giấc mơ của mình bằng việc nhận thiết kế và trang trí nội thất cho các công trình nhà ở dân dụng. Là người khéo tay bẩm sinh, Thuận luôn cho rằng mình có tố chất của một nghệ sỹ điêu khắc, chính vì vậy cậu nhận đắp phù điêu, vẽ tranh tường, ghép tranh bằng sỏi, đá, đóng trần gỗ, thạch cao… Nhưng rồi chỉ chưa đầy 2 năm, Thuận cũng rời bỏ công việc này.
2
Ông Phạm Hồng Sơn - bố Thuận (bên phải) là người sát cánh, hỗ trợ con mình trong những giai đoạn khó khăn nhất. Ảnh: Đào Tuấn

Để kiếm tiền, Thuận lại tìm đến với nghề… viết thư pháp. “Có những thời điểm, chỉ một tuần mà nó kiếm được 12 triệu đồng từ viết thư pháp” - ông Phạm Hồng Sơn khoe. Ấy vậy mà, Thuận lại chuyển nghề. Lần này cậu nuôi chim cảnh và làm cây tài lộc.

Từ những cành khô, sợi thép vô tri, qua bàn tay của Thuận nó trở thành cây tài lộc dùng để trang trí trên bàn thờ, kệ tủ các gia đình. “Sản phẩm cây tài lộc của em thực ra là “handmake”. Người ta không chỉ mua để trang trí mà còn dùng làm cây phong thủy trong nhà” - Phạm Hùng Thuận cho hay.

Sản phẩm đang bán chạy và được giá, thì Thuận lại quyết định bỏ để mở tiệm cà phê. Ông Sơn đã phải vay mượn 300 triệu đồng để Thuận đầu tư mở quán cà phê trên đường Phong Định Cảng (TP. Vinh). Những tưởng mọi việc trở nên tốt đẹp khi Thuận đã có vợ và cậu con trai kháu khỉnh. Nhưng tiệm cà phê đã thất bại.

Giấc mơ nấm

Chán, Thuận nằm nhà lướt web, thi thoảng ai thuê gì thì làm. Và trong những ngày ấy, Thuận nảy ra ý định trồng nấm. Điều khiến Thuận tự tin trước khi bắt tay vào công việc này là đã từng làm nấm rơm thành công hồi còn là học sinh cấp 2. Lúc đó, Thuận đã được điểm 10 môn thực hành sinh học.

Không hiểu sao trong những ngày nằm nhà nghiền ngẫm về chuỗi thất bại của mình, niềm say mê làm nấm thuở học sinh lại quay trở lại và thôi thúc Thuận. Anh bắt đầu lên mạng tìm hiểu và nhận thấy, phần lớn các mô hình đều làm nấm rơm theo cách truyền thống, trong khi giá trị sản phẩm cũng như năng suất không cao.
3
Phạm Hùng Thuận (trái) giới thiệu về cây nấm bông của mình. Ảnh: Đào Tuấn

Người bạn đời của Thuận, là Phạm Thị Thủy tỏ ra sốt ruột khi không hiểu chồng làm gì mà bật máy tính hết ngày này qua đêm khác, rồi lại thấy Thuận bê hàng bì sách vở tài liệu về nghiên cứu. Rồi Thuận trở thành thành viên của các hội trồng nấm trong Nam, ngoài Bắc.

Không ngừng trau dồi kiến thức kỹ năng trồng nấm thông qua giao lưu, trao đổi kinh nghiệm của các đàn anh, đàn chị đi trước qua mạng xã hội. Quá trình đó, giúp Thuận đưa ra quyết định: Không trồng nấm rơm, nấm hương truyền thống mà trồng nấm bằng nguyên liệu bông vỏ (bông vải) đã rút sợi. “Cực khó” hay “vô cùng khắc nghiệt” - là những điều Phạm Hùng Thuận nói về trồng nấm bằng nguyên liệu bông rút sợi.

4
Những cây nấm trồng bằng nguyên liệu bông đang trong quá trình sinh trưởng của Phạm Hùng Thuận. Ảnh: Nhật Lân

Để biến giấc mơ thành hiện thực, Thuận phải tìm mọi cách để thuyết phục gia đình ủng hộ mình. Ông Phạm Hồng Sơn “quyết” hỗ trợ con trai đến cùng. “Nuôi được con bò, con lợn nào đều dồn cho nó hết” - ông Sơn xúc động nói.

Ban đầu Thuận cùng bố dựng nhà trồng nấm bằng tranh tre, nứa mét. Để có nguyên liệu, Thuận đến Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan (thành phố Vinh) tìm mua bông vỏ đã rút sợi, giá 1 tấn bông 3 triệu đồng. Sau đó lại liên hệ với Viện Di truyền học Hà Nội mua mô giống.

Theo quy trình, sợi bông sau khi đưa về được xay nghiền và ủ xử lý bằng vôi bột, rồi kiểm tra độ pH, cấy giống, ủ tơ… Thuận nói rằng, những ngày đầu tiên làm nấm, chưa hôm nào cậu ngủ trước 2 giờ sáng. Và điều đặc biệt hơn nữa, Thuận làm nấm vào mùa Đông - là thời điểm khó nhất để cây nấm phát sinh, phát triển.

Bởi, phương pháp trồng nấm bằng bông vải luôn đòi hỏi duy trì nhiệt độ từ 30 - 32 độ C, cao hơn hoặc thấp hơn đều khiến nấm chết. Thế mà ngay trong lần đầu tiên Thuận đã thành công ngoài mong đợi. 1 tấn nguyên liệu thu được 2 tạ nấm, đạt tỷ lệ tương đương 20% là điều mà những người trồng nấm chuyên nghiệp mơ ước. Theo giá thị trường, 1kg nấm bông có giá bình quân 100.000 đồng, tính ra trừ mọi chi phí, một lứa nấm làm trong vòng 20 ngày Thuận thu lãi khoảng 16 triệu đồng.

5
Ông Phạm Hồng Sơn và con trai giới thiệu những nhà trồng nấm mới được đầu tư xây dựng. Ảnh: Đào Tuấn

Thành công bước đầu là động lực để Thuận mở rộng đầu tư mô hình này. Phá bỏ nhà trồng nấm bằng tranh tre, Thuận dựng 4 gian nhà trồng nấm bằng khung thép. Mái của các gian nhà này được lợp bằng xốp, phía trên được che chắn bằng tôn chống nóng và phủ lưới lan cắt nắng; vách nhà được bao bọc bằng nhiều lớp vật liệu khác nhau, như: bạc, ni lông, lưới lan…

Thuận cho biết, ngay cả nguồn nước máy dùng để phun sương siêu âm cũng phải phơi trước khi sử dụng. Tất cả các khâu, quy trình đều răm rắp không để “rơ” một yếu tố nào. Tất cả những thứ này đều do Thuận vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm của bản thân để làm. Giá trị đầu tư mỗi “nhà nấm” như vậy khoảng 80 triệu đồng.

Sau lần thành công đầu tiên vào tháng 11/2016, đến nay Thuận đã làm được hơn 10 vụ với hàng chục mẻ nấm khác nhau, mẻ này gối mẻ kia. Theo chia sẻ của Thuận, cũng có 5 mẻ nấm bị hỏng, “nhưng bây giờ thì đã chắc thành công” - Thuận nói - “Nhiều người vẫn hỏi tại sao em không làm nấm rơm theo phương pháp truyền thống, thực tế hiện nay nguồn rơm rạ không giàu dinh dưỡng và độ an toàn không cao vì quá trình gieo cấy người ta sử dụng nhiều hóa chất bảo vệ thực vật. Trong khi đó, năng suất, giá trị dinh dưỡng và độ an toàn của nấm bằng nguyên liệu bông cao hơn 3 - 4 lần”.

Sau nấm là nông sản theo tiêu chuẩn quốc tế

Để không lãng phí nguồn hữu cơ vi sinh từ nguồn bông sau khi đã sử dụng, Phạm Hùng Thuận quyết định xây dựng nhà kính để trồng thực phẩm sạch. Với giá trị đầu tư trên 500 triệu đồng, trên mảnh đất của gia đình (theo Nghị định 64) Thuận hợp đồng với Công ty TNHH giải pháp công nghiệp ATESO xây dựng nhà kính theo công nghệ Israel. Tại đây Thuận sẽ trồng dưa lưới, dâu tây và nông sản sạch… tất cả đều theo tiêu chuẩn quốc tế. Thuận cho biết, từ giàn nấm đến vườn nông sản sạch là một quá trình khép kín nhằm tạo ra giá trị cao cho sản phẩm đặc biệt của mình.

6
Mô hình nhà kính trồng nông sản sạch của Phạm Hùng Thuận với tổng kinh phí 500 triệu đồng. Ảnh: Đào Tuấn

Theo ông Trần Quang Lâm - Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Vinh cho biết, Phạm Hùng Thuận là người đầu tiên ở Nghệ An thực hiện thành công mô hình trồng nấm bằng nguyên liệu bông vỏ. “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Thuận. Tôi cũng đã tư vấn cho Thuận thành lập doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty TNHH để có tư cách pháp nhân trong giao dịch, đưa sản phẩm đặc biệt của mình ra thị trường. Cá nhân tôi rất khâm phục tài năng và đam mê của cậu ấy” - ông Trần Quang Lâm nói.

Trước khi chia tay, Thuận cho biết, sản phẩm của gia đình lâu nay chủ yếu cung cấp cho thị trường các tỉnh Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình và không đủ để cung ứng. Và nữa là hầu như ngày nào cũng có người gọi điện, inbox rồi đến nhà tìm để xin học nghề làm nấm bông, nhưng theo như Thuận nói “Em nghĩ mình hãy còn chưa đủ khả năng, làm thợ thì được chứ làm thầy thì quá khó...”.

Tác giả: Đào Tuấn - Nhật Lân
Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP