Trong tỉnh

Quy trình trốn trách nhiệm?

Bài này viết về một trường hợp xảy ra tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Những gì mà người lãnh đạo, cấp quản lý đối phó với sự việc không khác gì mấy so với nhiều trường hợp khác mà người dân thường chứng kiến.

Ngày 26-8-2017, chuyên mục Chính trị - Xã hội của báo điện tử Người Đưa Tin, đăng bài viết Nghệ An: Sự thật hàng tỉ đồng hỗ trợ học sinh nghèo bị “ăn chặn” cho biết:

Theo người dân huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, con em của họ vẫn chưa được hưởng số tiền Nhà nước hỗ trợ học sinh thuộc diện hộ nghèo hoặc đang sinh sống vùng xa xôi khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, xác nhận: “Sau khi có ý kiến cử tri, huyện đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra. Đến nay, theo báo cáo ban đầu của đoàn thì số tiền hỗ trợ chưa chi trả cho học sinh nghèo khoảng 5,7 tỉ đồng. Đây là số tiền hỗ trợ cho học sinh nghèo năm học 2013-2014 nhưng huyện chưa chi trả”.

Cũng theo ông chủ tịch huyện, huyện của ông đã lấy số tiền hỗ trợ cho học sinh nghèo này để “dùng vào mục đích khác”!

Và ông tuyên bố: “Huyện sẽ sớm giải quyết để chi trả cho các cháu nhằm đảm bảo chế độ, quyền lợi. Nhưng huyện cũng sẽ thận trọng chứ không để xảy ra tình trạng sai lại giẫm sai”.

Ông chủ tịch huyện không biết vụ việc?

Nếu sự việc đúng như vậy, khó mà nghĩ rằng ông Hải không biết sự việc. Tiền chuyển từ phòng Lao động - Thương binh - Xã hội qua ngân sách huyện sao ông lại không biết? Ông có thể không nhớ chi tiết bao nhiêu, nhưng ông phải biết có số tiền đó và số tiền đó để làm gì. Đó là trách nhiệm của ông.

Ngoài ra, khi số tiền được “dùng vào mục đích khác”, nó phải được duyệt chứ! Chẳng những số tiền không nhỏ, mà quan trọng hơn, số tiền không được dùng đúng mục đích, nên nó càng phải được duyệt chứ?

Theo tôi hiểu, độ lớn và tính chất sự việc nằm trong trách nhiệm của ông Hải.

Do đó, ông không có quyền không biết!

Đừng để rốt lại không ai chịu trách nhiệm hoặc chỉ một vài viên chức cấp thấp không có quyền quyết định, chịu trách nhiệm!

Bản chất vụ việc là gì?

Người ta thường cho rằng bản chất vụ việc là sử dụng tiền sai mục đích.

Tôi cho rằng bản chất sự việc là “ăn cắp”. Ăn cắp theo nghĩa như sau: tiền để “hỗ trợ cho học sinh nghèo năm học 2013-2014” mà bị “dùng vào mục đích khác” tức là số tiền đó bị ăn cắp... mục đích “hỗ trợ cho học sinh nghèo năm học 2013-2014”.

Tiền đó là của các em học sinh nghèo, các em không nhận được (mà các em không biết) nghĩa là các em đã bị “ăn cắp” số tiền đó. Người ta lấy tiền đó của các em mà không cho các em và phụ huynh các em biết suốt ba năm liền, cho tới khi sự việc vỡ lở ra!

Cách giải quyết đơn giản và minh bạch

Rất đơn giản và minh bạch, cấp trên ông Hải cần:

Thứ nhất, lập tức đình chỉ chức vụ của ông.

Thứ hai, điều tra sự việc xem tiền “ăn cắp” được dùng cho việc gì.

Việc thanh tra, điều tra phải độc lập với huyện. Có thể còn phải độc lập với tỉnh nữa, vì tỉnh là cấp trên trực tiếp của ông Hải.

Ngoài ra, báo chí cũng cần được khuyến khích vào cuộc điều tra độc lập. Các đại biểu của dân cũng tham gia điều tra bằng cách và phương tiện của họ.

Và xử lý cán bộ

Với những gì đã làm gây hậu quả như vậy, ông Hải không còn tư thế gì để “thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra”. Và cũng không còn tư thế để tuyên bố: “Huyện sẽ sớm giải quyết để chi trả cho các cháu nhằm đảm bảo chế độ, quyền lợi. Nhưng huyện cũng sẽ thận trọng chứ không để xảy ra tình trạng sai lại giẫm sai”!

Ông chỉ còn một tư thế: chờ kết luận thanh tra. Bởi vì ông là người chịu trách nhiệm, và cũng là đối tượng bị điều tra.

Quy trình trốn trách nhiệm?

Bài này viết về một trường hợp xảy ra tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Những gì mà người lãnh đạo, cấp quản lý đối phó với sự việc không khác gì mấy so với nhiều trường hợp khác mà người dân thường chứng kiến.

Người ta thấy cùng một mô-típ: việc sai trái được thực hiện trong sự không biết của quần chúng có liên quan. Khi việc vỡ lở ra, kẻ có trách nhiệm và/hay kẻ trực tiếp liên quan yêu cầu báo cáo sự việc. Rồi lập đoàn kiểm tra, thanh tra, với thành viên là những người quen biết, chịu ảnh hưởng của mình, hoặc thậm chí, dưới quyền của mình.

Sau đó công bố sự việc đã được thực hiện đúng quy trình. Hoặc kết luận thanh tra bị hoãn đi hoãn lại rất nhiều lần. Rốt lại không ai chịu trách nhiệm. Hoặc chỉ một vài viên chức cấp thấp không có quyền quyết định, chịu trách nhiệm!

Tôi rất lo. Nếu cứ để vậy, kẻ “dùng sai mục đích” hơn năm tỉ đồng nói trên sẽ có nguy cơ tiếp tục dùng sai năm mươi tỉ, rồi tiến lên năm trăm tỉ, năm ngàn tỉ đồng...

Với thực tế các đại án tham nhũng hàng trăm tỉ, hàng ngàn, hàng chục ngàn hay thậm chí hàng trăm ngàn tỉ đồng, tôi mong chính quyền chú tâm tới những việc như thế này. Chặn tham nhũng từ những việc nhỏ, chặn từ cấp thấp. Không cần phát hiện 100% các vụ việc, nhưng vụ việc nào đã phát hiện thì vào cuộc triệt để. Sự triệt để đó cho thấy quyết tâm của Chính phủ, sự trong sạch của Chính phủ không dung thứ sai phạm. Sự triệt để như thế rất hữu hiệu ngăn chặn nạn “ăn cắp” công, tức là tham nhũng.

Tác giả: Lê Học Lãnh Vân

Nguồn tin: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

  Từ khóa: trách nhiệm ,quy trình

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP