Trong nước

Quốc hội cần lên tiếng trước tình trạng xâm hại trẻ em

Trên cơ sở các tiêu chí cũng như tình hình thực tiễn xảy ra trong thời gian qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao lựa chọn giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/4, báo cáo về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, năm 2020 là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời, năm 2020 cũng là năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tại kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm đó.

Vì vậy, sau khi cân nhắc nhiều mặt, để tập trung cho các nội dung nêu trên và bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2020, đối với nội dung về giám sát chuyên đề, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội giám sát 1 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 9; Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát 1 chuyên đề tại phiên họp (tháng 9).

Việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề được dựa trên các tiêu chí: Là vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất; bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực; phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội.

Trên cơ sở kết quả tổng hợp ý kiến từ các cơ quan, ngày 10/4/2019, Tổng Thư ký Quốc hội đã họp xin ý kiến đại diện Thường trực các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các ý kiến đều thống nhất về số lượng chuyên đề, năm 2020, đề nghị Quốc hội giám sát 1 chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 1 chuyên đề.

Trên cơ sở kết quả lựa chọn của đại diện các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội xin trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 3 nội dung chuyên đề và đề nghị xem xét, lựa chọn 2 chuyên đề để báo cáo Quốc hội:

Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em.

Chuyên đề 2: Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA).

Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải.

Cũng theo Tổng Thư ký, sau khi xin ý kiến, có 8 cơ quan không đề xuất nội dung giám sát gồm: Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban TCNS, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi Đồng, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện. Trong đó, Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị không tiến hành giám sát chuyên đề 3 trong năm 2020.

Cho ý kiến về việc lựa chọn các nội dung giám sát, hầu hết các đại biểu đều thống nhất lựa chọn chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em.

Đồng tình lựa chọn nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội cần phải có tiếng nói trong khi nhiều vụ việc xâm hại trẻ em cả về tinh thần và thể chất xảy ra trong thời gian qua.

“Đứng ở góc độ tư pháp, liên quan tới việc thực hiện chính sách pháp luật về trẻ em trong thời gian qua, Quốc hội cần lên tiếng về vấn đề này. Tôi cho là việc này được đa số đại biểu Quốc hội thống nhất”, bà Ngân nhấn mạnh.

Đồng thuận và nhận trách nhiệm chủ trì giám sát về trẻ em, tuy nhiên theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga có thể nâng nội dung giám sát lên thành giám sát vi phạm pháp luật và tội phạm vi phạm trẻ em, như vậy sẽ bao quát cả vấn đề bạo lực học đường.

Ngoài chuyên đề 1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng lựa chọn chuyên đề 2, giám sát việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA). Hai chuyên đề này sẽ được trình ra Quốc hội để lựa chọn một chuyên đề, chuyên đề còn lại sẽ do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát.

Tác giả: LUÂN DŨNG

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP